Năng lượng: Giá than dự báo đạt 320 USD/tấn trong năm 2022, dầu chịu sức ép giảm
Trên thị trường than, lệnh cấm nhập khẩu than Nga của Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/8/2022. Một số nhà phân tích dự báo rằng, lệnh cấm này có thể góp phần đưa giá than toàn cầu vào một đợt tăng giá kéo dài.
Nga là nguồn đáp ứng 45% nhu cầu nhập khẩu than của EU, theo dữ liệu từ Ủy ban Châu Âu (EC). Khoảng 70% nhu cầu than nhiệt (loại than được sử dụng để phát điện và phát nhiệt sưởi ấm) của EU được đáp ứng bởi Nga, theo số liệu từ tổ chức nghiên cứu Bruegel được Reuters trích dẫn.
Không tiếp tục nhập than Nga, các nước EU sẽ phải quay sang nhập tăng nhập than từ các nước khác để bù đắp thiếu hụt. Các nguồn nhập khẩu than khác gồm có Indonesia, Australia, Colombia và Nam Phi. Sự dịch chuyển này được dự báo sẽ đẩy giá than nhập khẩu qua đường biển trên toàn cầu lên mức cao hơn.
Theo Fitch Solutions, giá than toàn cầu được hỗ trợ không chỉ bởi sự khan hiếm khí đốt ở châu Âu, mà còn vì các nước châu Á cũng tăng sử dụng than do khó cạnh tranh về giá trong cuộc chiến giành giật nguồn cung khí đốt hoá lỏng (LNG) với các nước châu Âu.
Trên cơ sở này, Fitch nâng dự báo giá than nhiệt bình quân ở mức 320 USD/tấn trong năm 2022, cao hơn 90 USD/tấn so với mức 230 USD/tấn đưa ra trong lần dự báo trước. Trong giai 2022-2026, mức giá dự báo là 246 USD/tấn, tăng từ mức 159 USD/tấn trước đó.
Thực tế, giá than châu Á đã ghi nhận mức kỷ lục vào đầu năm 2022 sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, làm trầm trọng thêm thị trường vốn đã eo hẹp.
Bộ Công thương cho biết, chi nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao trong 7 tháng đầu năm 2022. Việc tăng ngoại tệ nhập khẩu một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm, đẩy giá than nhập khẩu tăng cao, có thời điểm lên đến 450-490 USD/tấn.
Giá than nhập khẩu neo cao gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất điện trong nước. Hiện tại, than chiếm khoảng 90% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu của các doanh nghiệp nhiệt điện than. Việc giá nguyên liệu này tăng cao, trong khi doanh nghiệp không được tăng giá bán điện, khiến hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng.
Trên thị trường dầu, giá dầu giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch cuối tuần qua 112/8 bởi kỳ vọng vào khả năng các yếu tố gây gián đoạn tại khu vực vịnh Mexico sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, cùng với nỗi sợ suy thoái kinh tế ám ảnh thị trường.
Cụ thể, trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai giảm 1,45USD/thùng (-1,5%) xuống 98,15USD/thùng. Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai giảm 2,25USD/thùng (-2,4% xuống 92,09 USD/thùng). Phiên trước đó, cả 2 loại giá dầu tăng hơn 2%.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,4% sau khi giảm đến 14% vào tuần trước đó do nỗi sợ về khả năng lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu. Giá dầu WTI cũng tăng 3,5%.
Thị trường đang đón nhận những quan điểm trái ngược về dự báo nhu cầu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng như Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Vào ngày 11/8/2022, OPEC hạ dự báo tăng trưởng triển vọng nhu cầu dầu năm 2022 thêm 260.000 thùng dầu/ngày. Nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng 3,1 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2022.
Trong khi đó, IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thêm 2,1 triệu thùng dầu/ngày, viện dẫn đến hoạt động sản xuất năng lượng đang chuyển sang từ dùng khí đốt sang dầu, đồng thời nâng dự báo triển vọng nhu cầu dầu Nga thêm 500.000 thùng dầu/ngày trong 2 quý cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo OPEC, việc nâng sản lượng dầu sẽ không dễ dàng.
Kim loại: Vàng, đồng tăng giá; nhôm, kẽm, chì, thiếc, sắt, thép… biến động trái chiều
Ở nhóm kim loại quý, mặc dù không giữ được đà tăng mạnh sau khi dữ liệu lạm phát đã hạ nhiệt của Mỹ, nhưng giá vàng vẫn tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần qua 12/8 và có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.798,86 USD/ounce và cả tuần tăng hơn 1%. Vàng kỳ hạn tháng 12/2022 cũng tăng 0,5% lên 1.815,5 USD/ounce.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do tồn kho giảm và xuất khẩu được cải thiện, làm giảm lo ngại về nhu cầu suy yếu do suy thoái toàn cầu.
Cụ thể, trên sàn London, giá đồng kỳ hạn 3 tháng tăng 0,7% lên 7.928 USD/tấn. Trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 9/2022 được giao dịch nhiều nhất tăng 2% lên 60.930 CNY (tương đương 9.011,05 USD)/tấn.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc tăng 9,3% so với một năm trước đó do giá giảm mạnh, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chung của nước này bất ngờ tăng nhanh trong tháng 7/2022 làm giảm bớt lo lắng về nhu cầu kim loại.
Dự trữ đồng đã giảm 79% kể từ tháng 3/2022 xuống 34.768 tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 28/1/2022.
Trước những khó khăn trên toàn cầu, với việc Đức rơi vào suy thoái kinh tế, Mỹ phải đối mặt với lạm phát và lãi suất tăng, Trung Quốc đối mặt với sự bùng phát dịch Covid-19 thì triển vọng tăng trưởng về nhu cầu sử dụng kim loại vẫn không chắc chắn.
Trên sàn London, giá chì tăng 1,1% lên 2.093 USD/tấn và giá thiếc tăng 0,2% lên 24.500 USD/tấn, trong khi giá kẽm giảm 0,6% xuống 3.469 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá nikel giảm 2,2% xuống 169.820 CNY/tấn, giá nhôm giảm 0,1% xuống 18.415 CNY/tấn, giá kẽm giảm 0,4% xuống 24.345 CNY/tấn, trong khi giá chì tăng 0,7% lên 15.290 CNY/tấn.
Giá quặng sắt tại Đại Liên (Trung Quốc) và Singapore giảm do dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và nhu cầu thép yếu.
Cụ thể, giá quặng sắt giao sau trên sàn Đại Liên giảm 1% xuống 726 CNY (tương đương 107,53 USD)/tấn. Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2022 giảm 1,1% xuống 110,4 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép thanh tăng 0,1%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,1% và thép không gỉ giảm 2,7%. Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc tăng 2,6% và than cốc tăng 3%.
Theo các chuyên gia, việc cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc để hạn chế khí thải, khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang làm mờ triển vọng đối với quặng sắt. Một số nguồn tin cho rằng, các lò cao công suất nhỏ ở Hà Bắc, địa phương sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc, sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào cuối năm 2022.
Nông sản: Ngô và đậu tương tăng giá, lùa mì vẫn đi xuống
Giá các loại nông sản Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong khi giá ngô và đậu tương tăng thì giá lúa mỳ đi xuống.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 14,5 xu Mỹ (2,31%) lên 6,4225 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2022 cũng tăng 5,75 xu Mỹ (0,4%) lên 14,5425 USD/bushel. Tuy nhiên, giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 giảm 4,75 xu Mỹ (0,59 %) xuống 8,06 USD/bushel.
Báo cáo vụ mùa tháng 8/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ không gây ngạc nhiên lớn. Báo cáo ước tính năng suất ngô năm 2022 của Mỹ ở mức 175,4 bushel/mẫu Anh (4.046,86 m2), giảm 1,6 bushel/mẫu Anh so với dự báo được đưa ra trước đó trong báo cáo Ước tính cung và cầu nông nghiệp thế giới, với sản lượng dự kiến giảm 5% so với năm 2021.
Năng suất đậu tương năm 2022 của Mỹ được dự báo đạt 51,9 bushel/mẫu Anh, tăng 0,5 bushel/mẫu Anh so với dự báo trước đó, với sản lượng tăng 2% ở mức cao kỷ lục 4,53 triệu bushel. Toàn bộ sản lượng lúa mỳ của Mỹ được dự báo ở mức 1.780 triệu bushel trong năm 2022, tăng 8% so với năm 2021. Năng suất lúa mỳ trung bình của Mỹ được ước tính đạt mức 47,5 bushel/mẫu Anh.
Diện tích gieo hạt giống ngô và lúa mỳ của Mỹ trong cả năm 2022 cũng được điều chỉnh giảm 100.000 mẫu Anh, trong khi diện tích trồng đậu tương bị cắt giảm 300.000 mẫu Anh.
Báo cáo đã tăng dự trữ ngô cuối năm 2021-2022 của Mỹ thêm 20 triệu giạ lên 1,53 triệu giạ. Xuất khẩu ngô của Mỹ giai đoạn 2021-2022 không đổi ở mức 2,45 triệu giạ.
Dự trữ ngô cuối năm 2022-2023 của Mỹ đã giảm 82 triệu giạ xuống còn 1,388 triệu giạ. Xuất khẩu ngô giai đoạn 2022-2023 của Mỹ bị cắt giảm 25 triệu giạ xuống 2,375 triệu giạ dựa trên dự báo Ukraine xuất khẩu 12,5 triệu tấn, so với dự báo tháng 7/2022 là 9 triệu tấn.
Dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2021-2022 của Mỹ tăng lên mức 225 triệu bushel (10 triệu bushel) do xuất khẩu cắt giảm xuống còn 2.160 triệu bushel. Dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2022-2023 của Mỹ đã tăng lên 245 triệu bushel. Ước tính, xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong giai đoạn 2022-2023 sẽ tăng lên mức 2,155 triệu bushel (20 triệu bushel).
Trong khi đó, sản lượng lúa mỳ của Nga trong tháng 8/2022 dự báo ở mức 88 triệu tấn, tăng 7,5 triệu tấn so với tháng trước đó. Xuất khẩu lúa mỳ của Nga chỉ tăng 2 triệu tấn, còn của Ukraine cũng chỉ tăng 1 triệu tấn, sau khi hành lang xuất khẩu Biển Đen được tạo ra. Dự trữ lúa mì của Nga và Ukraine đạt mức cao nhất trong 29 năm là 18,6 triệu tấn trong tháng 8/2022.
Sự chú ý của thị trường đang chuyển hướng về tình hình thời tiết và phân vân rằng, liệu tình trạng khô hạn có giảm bớt trên các vùng đồng bằng và Trung Tây nước Mỹ trước cuối tháng 8/2022 hay không.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường và cà phê tiếp tục tăng
Kết thúc phiên giao dịch 11/8/2022, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London (Anh) tăng phiên thứ 9 liên tiếp. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2022 tăng 36 USD, lên 2.252 USD/tấn và loại kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 38 USD lên 2.261 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York (Mỹ) tăng phiên thứ 5 liên tiếp. Giá cà phê Arabica giao ngay tháng 9/2022 tăng 2,65 xu lên 226,6 xu/lb và loại kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 2,85 xu lên 222,40 xu/lb - là các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà tăng sau báo cáo niền tin của người tiêu dùng Mỹ có phần lạc quan hơn dự báo và một loạt dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến trong tuần qua làm tăng kỳ vọng lạm phát ở nước này đã đạt đỉnh. Điều này mang lại kỳ vọng Fed sẽ dễ dàng hơn trong việc điều hành lãi suất..
Giá đường thô giao tháng 10/2022 kết thúc phiên này tăng 0,21% (+1,1%) lên 18,49 cent/lb, trước đó có lúc đạt mức cao nhất trong ba tuần là 18,5 US centcent/lb. Giá đường trắng cùng kỳ hạn tăng 5,40 USD (+1%) lên 555,10 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, mặt hàng đường đang nhận được sự hỗ trợ từ đồng USD yếu đi và bức tranh vĩ mô tổng thể tích cực sau khi số liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến, cho thấy việc tăng lãi suất sẽ ít tích cực hơn trong tương lai.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |