Thị trường hàng hóa tuần từ 4/11 – 8/11: Điều chỉnh là cơ hội để chốt lời

(ĐTCK) Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, những biến động liên tục về nguồn cung theo hướng suy giảm trên thị trường nông sản và nguyên liệu trên thế giới vào thời điểm cuối năm nay do những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư thực hiện chốt lời các danh mục đầu tư của mình
Thị trường hàng hóa tuần từ 4/11 – 8/11: Điều chỉnh là cơ hội để chốt lời

Nhóm hàng nông sản trong tuần vừa rồi đều đóng cửa giảm do các yếu tố về cung cầu và thời tiết. Giá Ngô liên tục đi xuống và kết tuần giảm 3,08% sau khi số liệu xuất khẩu và giao hàng hàng tuần đều kém trong khi thời tiết tại Mỹ lại tốt dần lên.

Giá Đậu tương chỉ đóng cửa giảm 0,61% nhờ số liệu xuất khẩu trong tuần tốt vượt mức kỳ vọng của thị trường, nhưng số liệu tồn kho trong báo cáo tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ lại không thay đổi trong khi thị trường kỳ vọng giảm do những thiệt hại về thời tiết hồi tháng 10. Giá Lúa mỳ cũng đóng cửa giảm mạnh do doanh số xuất khẩu giảm cũng như số liệu tồn kho lúa mỳ thế giới trong báo cáo tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ tăng so với số liệu trước đó. Sang tuần, tiến triển của đàm phán Mỹ - Trung và thời tiết sẽ là yếu tố chính tác động lên thị trường nông sản.

Thị trường hàng hóa tuần từ 4/11 – 8/11: Điều chỉnh là cơ hội để chốt lời ảnh 1

Trong nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp nhẹ đồng loạt tăng điểm. Hai mặt hàng cà phê Arabica và Robusta tăng lần lượt 5.24% và 4.69% do những lo ngại về nguồn cung thế giới giảm khi liên tục có những dự báo về việc thiếu hụt nguồn cung cà phê, trong đó có báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới. Giá ca cao thế giới tăng 1,01% nhờ những biện pháp điều tiết giá của chính phủ hai nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới là Bờ Biển Ngà và Ghana.

Giá đường tăng 0,72% khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm sản lượng sản xuất đường của Mỹ niên vụ 2019/20 trong báo cáo hàng tháng của bộ này. Giá bông sợi cũng tăng 0,76% sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ đồng loạt cắt giảm số liệu dự báo năng suất và tồn kho bông của Mỹ nhưng lại nâng số liệu chế biến bông.

Giá nguyên liệu công nghiệp nặng là cao su cũng đã tăng liên tục trong tuần vừa rồi và đóng cửa tăng 3,68% trước những lo ngại về sản lượng sản xuất cao su tự nhiên thế giới do căn bệnh nấm lá trên cây cao su đang hoành hành tại ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Những chuyển biến tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng góp phần hỗ trợ giá cao su.

Sang tuần, yếu tố cung cầu vẫn sẽ là yếu tố tác động chính lên giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp.

Nhóm hàng kim loại có những biến động trái chiều khi giá bạc giảm 6,81% trong khi giá đồng lại tăng 1,09%. Những biến động này chủ yếu đến từ việc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận trong việc cắt giảm thuế quan theo từng giai đoạn.

 Mặc dù sau đó TT Trump đã bác bỏ điều này nhưng vẫn tin tưởng rằng sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Đàm phán Mỹ - Trung có tiến triển khiến nhu cầu tìm nơi trú ẩn ở các kim loại quý giảm đi trong khi làm tăng hi vọng cho sự phục hồi nhu cầu mặt hàng kim loại nguyên liệu là đồng. Sang tuần, tiến triển của mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục là tâm điểm của thị trường kim loại.

Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục