Thị trường hàng hóa tuần từ 28-31/12/2020: Khí LNG, ngô và đậu tương tăng kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin tích cực về vắc-xin Covid-19, giá trị USD tiếp tục suy yếu cũng như lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn do virus Covid-19 chủng mới đã khiến thị trường hàng hóa thế giới biến động mạnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2020, đặc biệt là khí LNG, ngô và đậu tương.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu tiếp tục đi lên, khí LNG lên mức giá cao nhất 6 năm

Kết thúc phiên 31/12/2020, dầu Brent tăng 17 US cent lên 51,8 USD/thùng, dầu WTI tăng 12 US cent lên 48,52 USD/thùng. Tính chung trong tháng 12, giá cả 2 loại dầu tăng khoảng 9%.

Giới đầu tư đặt cược vào triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021 khi vắc-xin Covid-19 tiếp tục được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia, các gói hỗ trợ kinh tế, chính sách tài khoá nới lỏng… và đặc biệt là loạt dữ liệu kinh tế tích cực liên tiếp được phát đi trong thời gian qua.

Một số yếu tố khác cũng hỗ trợ giá dầu tăng là nhu cầu dầu thô có xu hướng tăng khi các nước châu Âu bước vào cao điểm mùa Đông. Nhiều nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… cũng tăng cường nhập khẩu dầu thô, tăng công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu…

Mặc dù giá dầu đã hồi phục trong 2 tháng qua, nhưng việc các nước trên thế giới một lần nữa lại phải đóng cửa chống Covid-19 biến thể đã làm gia tăng áp lực lên thị trường này, khiến triển vọng trở nên u ám. Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ bắt dầu chịu áp lực giảm giá trước khả năng OPEC+ có thể tiếp tục nâng sản lượng lên thêm 500.000 thùng/ngày theo đề xuất của Nga kể từ tháng 2/2021.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường châu Á tuần qua tăng thêm 17% lên mức cao nhất trong vòng 6 năm, do đợt không khí lạnh sâu tại một số quốc gia thúc đẩy lượng nhập khẩu vào khu vực tăng lên mức cao kỷ lục.

Giá LNG kỳ hạn tháng 2/2021 giao tới Đông Bắc Á tuần này đạt trung bình 14,6 USD/mmBtu (đơn vị nhiệt điện Anh), tăng 2,1 USD so với tuần trước nữa.

Nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ của khu vực châu Á là nguyên nhân chính đẩy giá LNG lên mức cao kỷ lục, đồng thời khiến cho tình trạng khan hiếm nguồn cung LNG ở khu vực này trở nên trầm trọng.

Nhập khẩu LNG vào châu Á trong tháng 12/2020 ước tính đạt gần 27 triệu tấn, vượt xa mức kỷ lục cũ là 23,6 triệu tấn của tháng 12/2019 và càng cao hơn so với 22,8 triệu tấn của tháng 11/2020. Trong đó, Trung Quốc tháng 12/2020 đã nhập khẩu trên 9,05 triệu tấn, tăng khoảng 40% so với tháng liền trước; Nhật Bản nhập khẩu 8,1 triệu tấn (tăng 27% so với tháng liền trước); Pakistan tiếp tục có nhu cầu mua LNG kỳ hạn giao kéo dài từ nay tới tháng 4.

Bên cạnh đó, có tin Tập đoàn dầu khí bang Gujarat của Ấn Độ (GSCP) đã mua một lô LNG kỳ hạn giao tháng 2 với giá 10-10,5 USD/mmBtu, trong khi Petronas có thể đã bán một lô LNG từ Gladstone LNG (Australia) cho JERA (của Nhật Bản) với giá 13 USD/mmBtu.

Về các nước xuất khẩu, có tin Novatek của Nga đã bán một đợt hàng cho châu Âu qua một cuộc đấu thầu hôm 30/12, hàng giao vào tháng 3/2021.

Nông sản: Ngô và đậu tương cùng tăng cao nhất trong 6,5 năm

Giá ngô trên sàn Chicago phiên 31/12/2020 tăng lên mức cao kỷ lục 6,5 năm sau khi Argentina - nước xuất khẩu hàng đầu thế giới cho biết sẽ hạn chế xuất khẩu ngũ cốc bởi thời tiết khô hạn sẽ làm giảm sản lượng. Bộ Nông nghiệp Argentina thông báo, nước này sẽ tạm ngừng bán ngô xuất khẩu từ 29/12/2020 đến 28/2/2021 nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước trước những dấu hiệu thắt chặt nguồn cung lương thực toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19.

Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Chicago đã kéo dài mức tăng sang phiên thứ 13, tăng 1% lên mức 4,79 USD/bushel, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2014 trong phiên trước đó. Sản lượng tăng 12,4% so với tháng 10/2020 - là tháng tăng cao nhất kể từ tháng 5/2019, tăng 23,5% trong năm và đạt mức tăng hàng năm lớn nhất trong một thập kỷ.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Chicago tăng phiên thứ 3 liên tiếp, lên mức 13,12-1/2 USD/bushel (tăng 0,9%) - cao nhất trong 6,5 năm. Giá đậu tương được thúc đẩy bởi các cuộc đình công lao động ở Argentina trên đà đạt mức tăng hàng tháng mạnh nhất trong 4 năm - tăng 12,3% trong tháng 12 và tăng 37,4% trong năm 2020, cao nhất kể từ năm 2007 đến nay.

Các nhà máy sản xuất bột đậu nành ở Argentina đã hoạt động trở lại vào ngày 29/12/2020, sau khi cuộc đình công kéo dài 20 ngày của công nhân hạt có dầu kết thúc vào đêm hôm trước bằng một hợp đồng lương mới cho năm 2021.

Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Chicago giảm sau khi chạm mức cao nhất trong sáu năm vào thứ tư ngày 28/12/2020 và giảm 0,4% xuống mức 6,38-1/4 USD/bushel. Sản lượng cũng được ghi nhận mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 5/2019 là gần 10% và tăng 14,3% trong năm 2020.

Kim loại: Vàng vẫn trong xu hướng tăng, quặng sắt tăng 28% trong quý IV/2020

Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên cuối cùng của năm 2020, giá vàng quốc tế giao ngay vững ở mức 1.892,97 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,1% lên 1.895,10 USD/ounce, nâng mức tăng trong cả tuần cuối của năm lên hơn 1%. Như vậy, giá vàng tính chung cả tháng 12/2020 tăng hơn 4%, còn tính cả năm 2020 tăng hơn 25%.

Tại phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 ngày 4/1, tính đến đầu giờ chiều (theo giờ Việt Nam), trên sàn vàng London (LBMA), giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.922 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 9/12/2020 (ở mức 1.920,09 USD/ounce), trong khi vàng kỳ hạn giao sau 2 tháng trên sàn New York tăng 1,5% lên 1.923,50 USD/ounce.

Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng do USD giảm giá mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua, khi mà gói kích thích kinh tế của Mỹ vừa được thông qua. Cụ thể, dự luật do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất (nâng khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho người Mỹ từ 600 USD lên 2.000 USD) đã được Hạ viện thông qua vào đầu tuần và nhiều khả năng sẽ được thông qua tại Thượng viện Mỹ.

Bên cạnh đó, số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên toàn cầu thúc đẩy nhiều nước siết chặt các biện pháp kiểm soát ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khiến các nhà đầu tư lại tìm tới vàng để làm nơi trú ẩn an toàn.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm trong bối cảnh giao dịch trầm lắng ở thời điểm cuối năm và chịu áp lực lớn bởi số ca nhiễm Covid-19 biến thể mới gia tăng mạnh. Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 7.842 USD/tấn khi đóng cửa phiên 31/12/2020. Tuy nhiên, tính chung trong tháng 12, giá đồng tăng khoảng 1% và cả năm qua tăng tới 27%.

Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc phiên 31/12/2020 tăng 50% do nhu cầu phục hồi trở lại tại các nhà máy thép trong năm 2020. Đây là mức tăng cao năm thứ 2 liên tiếp do được hỗ trợ về nguồn cung và nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc, bất chấp sự gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 được giao dịch trên sàn Đại Liên tăng 0,7% lên mức 983 CNY (150,40 USD)/tấn. Giá quặng sắt Đại Liên tăng 28% trong quý IV. Mức tăng gần đây nằm ngoài dự đoán của thị trường. Sang năm 2021 giá quặng sắt sẽ được quyết định bởi nhu cầu tiêu thụ.

Cũng trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc giảm 0,4% xuống 1.643 CNY/tấn và giá than cốc giảm 0,1% xuống 2.790 CNY/tấn.

Trên sàn Thượng Hải giá thép giao sau tăng trong năm 2020, giá thanh cốt thép tăng 2% lên 4.332 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất cũng tăng 2,3% lên 4.509 CNT/tấn, đưa mức tăng trưởng hàng năm của họ lên lần lượt là 21,4% và 25,5%. Giá thép không gỉ giao tháng 5/2021 không đổi so với phiên đóng cửa ngày hôm trước, duy trì ở mức 13.345 CNY/tấn.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su, cà phê giảm nhẹ, dầu cọ tăng cao

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản (tham chiếu cho thị trường thế giới) giảm cùng xu hướng với giá ở sàn Thượng Hải do nhu cầu yếu.

Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Osaka giảm 3,9% xuống 226,9 JPY (2,2 USD)/kg; hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải giảm 185 CNY xuống 13.755 CNY (2.107,11 USD)/tấn.

Điều kiện không khí ở một số nơi thuộc miền Bắc Trung Quốc được cải thiện có thể giúp thúc đẩy hoạt động của các nhà máy sản xuất săm lốp ở những khu vực này, từ đó đẩy nhu cầu cao su đi lên. Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng điện ở các tỉnh phía Nam nước này cũng như xuất khẩu lốp xe giảm do dịch Covid-19 tiếp tục gây áp lực giảm giá.

Giá dầu cọ Malaysia đi lên khi các thương gia dự báo xuất khẩu sẽ tăng và do giá dầu thực vật trên thị trường Trung Quốc tăng, mặc dù đà tăng bị kiềm chế bởi đồng ringgit mạnh lên. Kết thúc phiên 31/12/2020, dầu cọ kỳ hạn tháng 3 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 35 ringgit (1%) lên 3.585 ringgit/tấn. Phiên trước đó cũng đã tăng 0,2%.

Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia tháng 12/2020 ước tính tăng gần 20% so với tháng trước đó, đạt khoảng 1,6 triệu tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 vững ở mức 1,273 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn giảm 7 USD (0,5%) xuống 1.376 USD/tấn.

Giá robusta tăng do điều kiện thời tiết mưa ở Việt Nam và và khô hạn tại Brazil dẫn đến những lo ngại về nguồn cung trên thị trường.

Thực tế, hai sàn giao dịch kỳ hạn thế giới biến động trong sự thận trọng với khối lượng thương mại rất thấp do phần lớn các nhà giao dịch đã rời khỏi thị trường cho kỳ nghỉ năm mới 2012 kéo dài.

Tuy vậy, trong năm nay, các nhà đầu tư lạc quan về giá cà phê sẽ quay trở lại mức chuẩn trước đại dịch. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ cũng sẽ tăng lên do các quán cà phê có thể sẽ được mở cửa trở lại.

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N. Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục