Thị trường hàng hóa tuần từ 26/3-2/4: Dầu và LNG cùng bật tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường hàng hóa quốc tế tuần qua (từ 26/3-2/4) chứng kiến sự biến động mạnh ở nhiều loại hàng hóa, chẳng hạn giá đậu tương tăng kịch biên độ trong phiên, giá dầu tăng bất chấp việc cắt giảm sản lượng, hay giá đồng và đậu tương cùng giảm về mức thấp nhất những tháng gần đây…
Ảnh Shutter Ảnh Shutter

Năng lượng: Dầu và LNG cùng bật tăng

Trên thị trường năng lượng, giá dầu vẫn bật tăng, bất chấp việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) đạt được một thỏa thuận sẽ nới lỏng dần việc cắt giảm sản lượng từ tháng 5/2021.

Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần qua, giá dầu Brent tăng 2,12 USD (+3,4%) lên 64,86 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,29 USD (+3,9%) lên 61,45 USD/thùng. Tính cả tuần, cả loại dầu này cùng tăng khoảng 0,7%.

Theo thỏa thuận đạt được ngày 1/4/2021, OPEC+ sẽ thực hiện cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 5/2021. Trước đó, OPEC+ đang thực hiện cắt giảm 7 triệu thùng/ngày và Ả Rập Xê-út tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.

Giá dầu tăng một phần cũng nhờ việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch chi tiêu 2.300 tỷ USD để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, cùng với việc giải quyết biến đổi khí hậu của nước này.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay ở châu Á cũng tăng trong tuần qua khi châu Âu và Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung trước mùa hè.

Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 5/2021 tại Đông Bắc châu Á ước tính ở mức 6,95 USD/mmBtu, tăng 15 US cent so với tuần trước nữa.

Thực tế, các khách hàng ở châu Âu đang tìm cách tích trữ và Trung Quốc đang đảm bảo nguồn cung cho mùa hè, điều này có thể tăng nhu cầu trong những tháng tới. Lượng hàng dự kiến giao trong nửa đầu tháng 6/2021 vào khoảng 7 USD/mmBtu sau sự cố tàu bị nghẽn tại kênh đào Suez khiến việc giao hàng bị trì hoãn và đẩy giá lên cao.

Kim loại: Đồng giảm thấp nhất gần 1 tháng, vàng cùng quặng sắt, thép đều tăng

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng trong phiên 1/4 (do phần lớn thị trường sẽ đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 2/4) khi USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, giữa bối cảnh số liệu thất nghiệp kém tích cực của nền kinh tế số 1 thế giới làm xấu đi triển vọng phục hồi kinh tế, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 1.727,86 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 0,7% và khép phiên ở mức 1.730,32 USD/ounce, nhưng tính chung cả tuần vẫn giảm nhẹ 0,1%.

Phillip Streible, giám đốc mảng chiến lược của Blue Line Futures ở Chicago cho rằng, đây là sự điều chỉnh tăng của một thị trường đi xuống và vàng có thể tăng lên mức 1.740 USD/ounce trước khi lợi suất trái phiếu tiếp tục xu hướng đi lên và khiến kim loại quý giảm giá.

Thực thế, chỉ số USD-Index đã rời khỏi mức cao nhất 5 tháng qua trong phiên trước đó nên vàng trở nên ít đắt đỏ đối với những người nắm giữ đồng tiền khác. Ngoài ra, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới bất ngờ tăng trong tuần qua khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư. Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch việc làm trị giá hơn 2.300 tỷ USD ngày 31/3 càng làm tăng thêm lo ngại về lạm phát và hỗ trợ cho vàng.

Ngoài vàng, giá bạc cũng tăng 2,1% lên 24,89 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 1,8% và được giao dịch ở mức 1.208,42 USD/ounce; giá palađi tăng 1,3% lên 2.651,79 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng do lo ngại về tăng trưởng đang chậm lại tại Trung Quốc, khi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới tìm cách kiềm chế nợ và cắt giảm kích thích chi tiêu.

Kết thúc phiên cuối tuần qua, đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,1% xuống 8.776 USD/tấn, trong phiên giá đã chạm 8.695 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ ngày 5/3/2021.

Số liệu ngày 1/4/2021 cho thấy, hoạt động sản xuất của các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc trong tháng 3 tăng ở tốc độ thấp nhất trong gần một năm, trái ngược với cuộc khảo sát khác trước đó cho thấy hoạt động sản xuất của các công ty nhà nước mạnh mẽ hơn.

Cũng gây áp lực lên đồng là tin tức tập đoàn đồng khổng lồ Codelco của Chile đã đạt được thỏa thuận với công nhân tại mỏ Radomiro Tomic, xoa dịu nỗi lo về một cuộc đình công.

Giá thép tại Trung Quốc tăng bởi dự đoán nhu cầu tiếp tục tăng khi các chỉ số kinh tế lạc quan và nỗ lực kích thích tiêu dùng của Bắc Kinh.

Cụ thể, thép thanh giao tháng 5/2021 tại Thượng Hải đóng cửa tăng 1% lên 5.003 CNY (761,26 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 5.467 CNY/tấn. Thép không gỉ giảm 1,8% xuống 14.285 CNY/tấn.

Giá quặng sắt giao tháng 5/2021 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,2% lên 1.104 CNY/tấn, trong khi hợp đồng giao tháng 9/2021 tăng 2,8% lên 976 CNY/tấn. Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc không thay đổi, ở mức 166 USD/tấn.

Nông sản: Đậu tương tăng trần, ngô và lúa mì diễn biến trái chiều

Đậu tương trên sàn giao dịch Chicaogo đóng cửa phiên cuối tuần qua tăng cao, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo diện tích gieo trồng năm 2021 giảm thấp hơn hầu hết các dự báo thương mại.

Cụ thể, Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5/2021 tăng kịch biên độ trong phiên, ở mức 70 US cent lên 14,36-3/4 USD/bushel, kỳ hạn tháng 11 - đại diện cho vụ năm 2021 tăng 70 US cent lên 12,56-1/4 USD/bushel.

Khô đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 cũng tăng trần 25 USD, lên mức 423,2 USD/tấn.

Trong khi đó, giá ngô và lúa mỳ diễn biến trái chiều, khi ngô tăng hơn 1%, còn lúa mì giảm 0,3% trong tuần qua.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,23% lên 3.616 ringgit (872,38 USD)/tấn, sau khi giảm mạnh 4,6% trong phiên trước đó.

Đầu phiên giao dịch, giá dầu cọ đã giảm tới 2,16%, chạm mức thấp trong hơn 5 tuần. Trong cả tháng 3/2021, giá đã giảm 3,37%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

Theo các nhà khảo sát, số liệu xuất khẩu dầu cọ của Malaysia tăng 26,8% trong tháng 3/2021 lên 1.270.058 tấn đã thúc đẩy dầu cọ tăng giá.

Giá dầu đậu tương trên sàn Đại Liên giảm 3,45%; còn giá dầu cọ mất 2,03%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 1,07%.

Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá của các loại dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu và giá dầu đậu tương bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng vụ thu hoạch cao hơn ở Mỹ.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường giảm thấp nhất 3 tháng, cà phê và cao su cũng mất giá

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 đóng cửa phiên cuối tuần qua giảm 0,06 US cent (-0,4%) xuống 14,71 US cent/lb sau khi xuống mức thấp nhất 3 tháng tại 14,67 US cent trong ngày 31/3. Đường trắng cùng kỳ hạn tăng 3,4 USD hay 0,8% lên 423,4 USD/tấn.

Fitch Solutions dự báo, thị trường toàn cầu vẫn dư thừa 8,5 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021 và 2021/2022. Trong niên vụ 2021/2022, sản lượng sẽ phục hồi tại EU, Thái Lan và Nga cũng như những nước khác. Brazil đã xuất khẩu 1,98 triệu tấn đường trong tháng 3/2021 so với 1,42 triệu tấn trong cùng tháng một năm trước. Sản lượng của các nhà máy đường Ấn Độ tăng gần 20% so với năm trước, lên 27,76 triệu tấn trong 6 tháng đầu của niên độ 2020/2021.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2021 chốt phiên cuối tuần qua giảm 1,9 US cent (-1,5%) xuống 1,216 USD/lb, chạm mức thấp nhất 1,5 tháng tại 1,205 USD trong ngày 31/3; robusta cùng kỳ hạn giảm 17 USD (-1,3%) xuống 1.325 USD/tấn, qua đó đánh dấu tuần giảm mạnh hơn 5% với cả 2 loại cà phê.

Giá cà phê arabica tiếp tục được củng cố bởi triển vọng sản lượng ít hơn của Brazil trong vụ thu hoạch 2021/22, nhưng số ca nhiễm virus Corona tăng, đặc biệt tại châu Âu, gây ra nghi ngờ về dự đoán nhu cầu cà phê arabica phục hồi.

Brazil đã xuất khẩu 241.589 tấn cà phê nhân trong tháng 3/2021, tăng so với mức 182.615 tấn của cùng kỳ năm trước.

Giá cao su Nhật Bản tăng lần đầu tiên trong 3 nhiên do báo cáo cho thấy tâm lý của các công ty sản xuất lớn đã phục hồi lên mức trước đại dịch.

Theo đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,7 JPY hay 1,5% lên 245,4 JPY/kg.

Hợp đồng cao su Thượng Hải giao tháng 5/2021 giảm 5 CNY xuống 13.850 CNY/tấn.

Tâm lý của các nhà sản xuất lớn Nhật Bản đã cải thiện lên mức trước đại dịch trong quý I/2021, trong khi các công ty tăng cường kế hoạch chi tiêu cho thấy nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này đang hưởng lợi từ sự phục hồi vững chắc của nhu cầu toàn cầu.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục