Thị trường hàng hóa tuần từ 25/6-2/7: Giá dầu, vàng tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (25/6-2/7), bên cạnh việc giá LNG và ngũ cốc bật tăng mạnh, thị trường hàng hóa thế giới còn chứng kiến sự tiếp tục đi lên của giá dầu, vàng…, trong khi giá đồng, sắt thép, cà phê… quay đầu giảm..
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu biến động nhẹ, LNG tăng cao nhất 8 năm

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua 2/7, giá dầu biến động trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp về sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+ về việc nới lỏng hơn nữa chương trình cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2021 – cuộc họp lẽ ra tổ chức hôm 1/7 nhưng bị hoãn.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 33 US cent (+0,4%) lên 76,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 7 US cent (-0,1%) xuống 75,16 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá cả hai loại dầu đều tăng, với dầu Brent tăng thêm 1,1% và dầu WTI tăng 1,5% so với tuần trước.

Tuần vừa qua, yếu tố tác động mạnh nhất đến giá dầu là các thông tin liên quan đến cuộc họp chính sách của OPEC+, do cuộc họp này sẽ quyết định sản lượng trong nhóm từ tháng 8/2021 cho đến năm sau.

Giá dầu đã tăng mạnh khi phần lớn các thành viên đồng ý với mức tăng sản lượng lên 400,000 thùng/ngày và kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, việc UAE kiên quyết yêu cầu thay đổi cách tính sản lượng cơ sở và phản đối việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sau tháng 4/2022 đe dọa phá vỡ thỏa thuận chung. Nếu UAE tăng sản lượng trong thời gian tới có thể kéo theo hành động tương tự từ các nước khác.

Đồng thời, thị trường dầu thô còn tồn tại những bất ổn bởi khả năng quay trở lại thị trường của Iran vẫn còn khi nước này tiếp tục các vòng đàm phán hạt nhân với Mỹ. Bên cạnh đó, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại khi biến thể Delta hiện đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới và làm giảm nhu cầu sử dụng năng lượng.

Chuyên gia của PVM Oil nhận định, thị trường đã trở nên tương đối “miễn nhiễm” với diễn biến của đại dịch, nhưng nếu tình trạng ngừng hoạt động xảy ra ở những khu vực có nhu cầu năng lượng lớn ở châu Á, sự thờ ơ của thị trường đối với Covid-19 có thể giảm bớt.

Trong nhóm năng lượng, khí tự nhiên (LNG) là mặt hàng tăng giá mạnh nhất với mức giá đóng cửa phiên cuối tuần 2/7 tăng 5,11% lên 13,7 USD/MMBtu – cao nhất kể từ năm 2013.

Thị trường lo ngại rằng, mức tăng tiêu thụ kỷ lục trong hè này khi nhiệt độ tăng cao tại khắp vùng Bắc Mỹ kết hợp với tồn kho ở mức thấp nhất trong 10 năm tại châu Âu kéo dài đà tăng của giá LNG. Điều này có thể tiếp tục dẫn đến thiếu hụt khí tự nhiên vào mùa đông năm nay, khi nhu cầu tăng cao do người dân tăng sử dụng các thiết bị sưởi ấm.

Kim loại: Vàng tăng tuần thứ 2, kim loại công nghiệp cùng giảm

Ở nhóm kim loại quý, kết thúc tuần qua, giá vàng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp từ mức thấp nhất 2 tháng do USD yếu và các nhà đầu tư cân nhắc về triển vọng thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố với nhiều tín hiệu lạc quan.

Theo đó, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.784,21 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 18/6/2021; vàng kỳ hạn tháng 8/2021 tăng 0,4% lên 1783,3 USD/ounce.

Số liệu cho thấy số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở Mỹ cao hơn dự kiến với mức tăng 850.000 việc trong tháng 6/2021, cho dù tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên mức 5,9% so với mức 5,8% trong tháng trước.

Các quan chức của Fed gần đây đã gợi ý rằng, ngân hàng trung ương nên bắt đầu giảm mua tài sản trong năm nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và USD cũng giảm sau báo cáo này, hỗ trợ giá vàng do lợi suất thấp làm giảm chi phí.

Bên cạnh đó, việc số ca nhiễm Covid-19 đang tăng và tốc độ tiêm chủng giảm tại một số nơi của Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ thận trọng tăng lãi suất, hỗ trợ giá vàng trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vàng đang đối mặt với mức kháng cự kỹ thuật quanh 1.790 USD/ounce và có thể giữ ở mức này cho tới khi có số liệu kinh tế yếu hơn dự kiến.

Trải qua một tuần với nhiều tin tức kinh tế, giá các mặt hàng kim loại quý khác cũng biến động trái chiều nhau. Đơn cử, giá bạc đóng cửa phiên 2/7 tăng 1,43% lên 26,5 USD/ounce, ngược lại, giá bạch kim giảm 1,63% về 1087,7 USD/tấn.

Thực tế, giá bạc đi ngang gần như cả tuần, trước khi tăng vào thứ Sáu (ngày 2/7) khi các nhà đầu tư có phần bối rối trước những tin tức trái chiều của thị trường lao động Mỹ. Đối với bạch kim, xu hướng giảm đang hình thành nên lực bán mạnh hơn hẳn so với lực mua, đặc biệt là ở các vùng kỹ thuật, cho nên các tin tức cơ bản cũng khó đưa giá đóng cửa tuần với sắc xanh.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, kết thúc phiên 2/7, giá đồng tăng do một số nhà đầu tư coi đợt suy thoái gần đây như cơ hội để mua vào và số liệu việc làm của Mỹ lạc quan. Số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng tốc trong tháng 6 cũng khích lệ giá kim loại tăng.

Theo đó, đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,6% lên 9.381 USD/tấn, sau khi giảm khoảng 9% trong tháng 6. Tại Mỹ, giá đồng trên sàn Comex tăng 1,1% lên 4,28 USD/lb.

Trên sàn Thượng Hải, giá đồng kỳ hạn tháng 8/2021giảm 0,7% xuống 68.260 CNY (10.531,84 USD)/tấn (tính cả tuần giảm 0,9%). Hoạt động luyện đồng trên toàn cầu giảm trong tháng 6 khi các nhà máy Trung Quốc đóng cửa để bảo dưỡng.

Sự đảo chiều của USD cũng góp phần khiến giá đồng tăng. Trước đó, USD đã đạt mức cao nhất 3 tháng so với các đồng tiền chủ chốt trước khi giảm trở lại khiến các kim loại định giá bằng USD rẻ hơn cho người giữ các đồng tiền khác. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá đồng giảm nhẹ.

Tương tự, giá quặng sắt tuần qua cũng giảm tuần thứ 2 liên tiếp, bất chấp việc tăng nhẹ trở lại phiên 2/7, trong bối cảnh nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc - tăng cường nỗ lực hạn chế sản lượng để đáp ứng mục tiêu khí thải carbon.

Kết thúc phiên 2/7, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 0,8% lên 1.182,5 CNY (182,41 USD)/tấn, sau khi giảm 2,6% phiên trước đó; quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2021 tại Singapore giảm 0,1% xuống 204,7 USD/tấn.

Việc sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt cao kỷ lục 99,5 triệu tấn trong tháng 5/2021 khiến tổng sản lượng 5 tháng đầu năm nay đạt 466,3 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc trong phiên cuối tuần qua 2/7 ở mức 218 USD/tấn, giảm 2 USD so với tuần trước đó và giảm 6,2% so với mức kỷ lục, theo Công ty Tư vấn SteelHome. Thép thanh tại Thượng Hải và thép cuộn cán nóng đều giảm 0,6% sau 7 phiên tăng liên tiếp. Thép không gỉ giảm 3%.

Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc đạt cao kỷ lục trong tháng 5/2021 do nhu cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, giá đã giảm trở lại do chính phủ Trung Quốc hành động để hạ nhiệt đà tăng một phần do đầu cơ và do nhu cầu thép trong nước suy yếu theo mùa.

Nông sản: Đồng loạt bật mạnh

Đóng cửa phiên cuối tuần qua 2/7, giá các mặt hàng nông sản giao dịch tại sàn Chicago biến động trái chiều, với giá ngô và lúa mỳ giảm, còn giá đậu tương tăng.

Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 9,25 US cent (-1,57%) xuống 5,7975 USD/bushel, - giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 cũng giảm 12,75 US cent (-1,57%) xuống 6,5275 USD/bushel. Ngược lại, giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 3,5 US cent (+0,25%) lên 13,99 USD/bushel.

Tính chung cả tuần, giá cả 3 loại ngũ cốc này đều bật mạnh do xuất khẩu tăng cao, trong đó ngô tăng gần 12%, lúa mì tăng gần 2% và đậu tương tăng hơn 10%.

Ngô kết tuần tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản chủ yếu do kỳ vọng nguồn cung ở cả Brazil và Mỹ đều sẽ bị thắt chặt. Tuy nhiên, đà tăng đã bị hạn chế do số liệu bán hàng đáng thất vọng của Mỹ trong báo cáo Export Sales tuần vừa qua và lực bán chốt lời ở quanh ngưỡng kỹ thuật quan trọng 6 USD/bushel.

Với đậu tương, lo ngại về triển vọng tồn kho sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục khi diện tích gieo trồng thấp hơn dự đoán là yếu tố chính giải thích cho mức tăng mạnh này. Giá khô đậu tương và dầu đậu tương theo đó cũng nhảy vọt lên nhờ có xu hướng tăng lan tỏa trên cả thị trường nông sản.

Lúa mì có mức tăng thấp hơn hẳn các mặt hàng nông sản khác. Diện tích gieo trồng lúa mì tăng nhẹ trong khi thị trường kỳ vọng sẽ giảm xuống, kết hợp với thời tiết thuận lợi ở Nga là những yếu tố khiến giá lúa mì tăng yếu, bất chấp đà tăng lan tỏa trên khắp thị trường. Ngoài ra, việc USD tăng mạnh khiến cho giá lúa mì CBOT kém cạnh tranh hơn cũng tạo áp lực lên giá mặt hàng này.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cà phê, cao su và đường cùng giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 đóng cửa phiên cuối tuần qua 2/7 tăng 0,21 US cent (+1,2%) lên 18,15 US cent/lb, tính cả tuần tăng 6,9%. Tuy nhiên, đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 giảm 0,4 USD (-0,1%) xuống 450,3 USD/tấn.

Các đại lý cho biết, sương giá có thể ảnh hưởng tới diện tích trồng mía tại Brazil. Nước này đã xuất khẩu 2,75 triệu tấn đường trong tháng 6/2021, tăng so với mức 2,71 triệu tấn của cùng kỳ năm trước.

Giá cà phê cũng biến động trái chiều trong phiên 2/7. Theo đó, giá cà phê robusta giao tháng 9/2021 tăng 6 USD lên 1.707 USD/tấn, trong khi giá kỳ hạn giao tháng 11/2021 giảm 6 USD xuống 1.699 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê trên sàn ICE US - New York (Mỹ) có phiên sụt giảm thứ tư liên tiếp. Giá cà phê arabica giao tháng 9/2021 giảm 3,35 US cent xuống 153,05 US cent/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 cũng giảm 3,35 US cent xuống 155,95 US cent/lb.

Giá cà phê tại thị trường New York sụt giảm liên tiếp thời gian qua khi nhiều thông tin cho biết đợt không khí lạnh cuối tháng 6/2021 ở miền Nam Brazil không gây hại gì đáng kể cho cây cà phê arabica vốn đã được di dời về phía Bắc nóng ấm hơn.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê từ Honduras, nhà xuất khẩu cà phê arabica hàng đầu Trung Mỹ, tăng 28,4% trong tháng 6/2021 so với một năm trước.

Cao su Nhật Bản giảm giá suốt 5 phiên của tuần qua, xuống mức thấp nhất 8 tháng do số liệu sản xuất yếu từ Trung Quốc và số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trên thế giới.

Cụ thể, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch Osaka đóng cửa phiên 2/7 giảm 1,8 JPY (-0,8%) xuống 218,2 JPY (2 USD)/kg. Tính cả tuần, giá cao su giảm 9%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2020.

Cao su kỳ hạn tháng 9/2021 tại Thượng Hải giảm 35 CNY xuống 12.705 CNY (1.959 USD)/tấn. Tồn trữ cao su tại các kho của sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,4% so với một tuần trước đó.

Cao su kỳ hạn tháng 8/2021 tại Sàn giao dịch SICOM (Singapore) giảm 0,9% xuống 156,4 US cent/kg.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục