Năng lượng: Giá dầu tiếp tục tăng, than giảm mạnh, khí NLG giảm ở châu Âu, tăng ở châu Á
Giá dầu bất ngờ quay đầu giảm khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua 25/2, bất chấp việc tăng mạnh lúc đầu phiên do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.
Cụ thể, dầu Brent kỳ hạn tháng 4/2022 giảm 1,15 USD (-1,2%) xuống 97,93 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt mức giá 101,99 USD; kỳ hạn tháng 5/2022 được giao dịch nhiều hơn song cũng giảm 1,30 USD (-1,4%) xuống 94,12 USD.
Tương tự, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 1,22 USD (-1,3%) xuống 91,59 USD/thùng, có thời điểm chạm mức cao nhất phiên là 95,64 USD.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn tăng 4,7%, còn dầu WTI tăng 0,6%.
Dầu mỏ và khí đốt của Nga không nằm trong mục tiêu trừng phạt của phương Tây, bởi nước này là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới và là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn cho châu Âu.
Trên thị trường khí tự nhiên (LNG), giá khí đốt ở Anh và Hà Lan giảm mạnh trong phiên 25/2 do hoạt động bán chốt lời. Cụ thể, tại Hà Lan, hợp đồng giao tháng 3/2022 giảm 45,90 euro (-33,8%) xuống 90,10 euro/MWh, phiên liền trước giá đã tăng lên 140 euro/MWh.
Tại Anh, giá hợp đồng giao tháng 3/2022 giảm 96,42 pence (-30%) xuống 225,55 pence/therm, trong khi giá hợp đồng giao vào mùa hè năm 2022 giảm 31,82 pence xuống 225 pence/therm.
Ở khu vực châu Á, giá LNG trung bình giao tháng 4/2022 tới Đông Bắc Á ước tăng 13,1 USD (+53,6%) lên 37,50USD/mmBtu trong tuần qua do bị ảnh hưởng từ những biến động trên thị trường Đông Âu.
Trên thị trường than Trung Quốc, việc chính phủ nước này đặt ra giới hạn khiến giá mặt hàng này giảm mạnh. Theo đó, than luyện cốc trên sàn Đại Liên có thời điểm giảm 8,8% xuống 2.400 CNY (380,19 USD)/tấn và kết thúc phiên ở mức 2.512 CNY/tấn, tính cả tuần giảm 1,8%.
Giá than nhiệt trên sàn Trịnh Châu giảm 10% xuống 738 CNY/tấn.
Giá than cốc kỳ hạn giao tháng 5 trên sàn Đại Liên giảm 6,2% xuống 3.183 CNY/tấn và cả tuần giảm 4%.
Cơ quan hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đưa ra mức giá được gọi là “hợp lý” cho loại than nhiệt tiêu chuẩn 5.500 kcal giao dịch trung và dài hạn tại cảng Qinhuangdao ở mức 550-570 CNY/tấn.
Kim loại: Ngoại trừ nhôm, từ vàng, palladium… tới sắt, thép đều giảm giá
Ở nhóm kim loại quý, đóng cửa phiên 25/2, vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.887,05 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2022 giảm mạnh 2% xuống 1.887,60 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng hơn 3% trong phiên giữa tuần, lên mức 1.973,96 USD/ounce, trước khi giảm xuống dưới mức 1.890 USD/ounce ở những phiên cuối tuần.
Theo nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank, vàng dường như giảm giá quá sớm, có nguy cơ căng thẳng sẽ leo thang hơn nữa và giá giảm có thể chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời.
Bên cạnh đó, sự phục hồi trên thị trường chứng khoán toàn cầu cũng gây áp lực lên vàng, ngay cả khi các nhà phân tích kỳ vọng sự biến động của thị trường sẽ tiếp tục tăng cao.
Palladium cũng giảm 1,3% xuống 2.372,19 USD/ounce trong phiên này, sau khi đạt 2.711,18 USD/ounce trong phiên 24/2 - mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích thị trường của Kinesis cho biết: “Palladium là kim loại quý chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ sự kiện Nga - Ukraine. Với việc Nga là nhà sản xuất palladium lớn nhất, khả năng các lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm khắc hơn đối với nước này và các công ty Nga làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, sẽ dẫn đến tăng giá.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,6% xuống 24,05 USD/ounce, bạch kim giảm 0,5% xuống 1,051,88 USD.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, kết thúc phiên 25/2, giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London giảm 0,9% xuống 3,364 USD/tấn, rời khỏi mức cao kỷ lục 3,480 USD/tấn chạm tới hôm thứ Năm (24/2). Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn tăng khoảng 3%.
Giá nhôm giảm khỏi mức cao kỷ lục khi nhà đầu tư bớt lo ngại về nguồn cung điện ở phương Tây, sau khi lĩnh vực năng lượng của Nga được loại khỏi các lệnh trừng phạt và một số thương nhân đẩy bán kiếm lời trước kỳ nghỉ cuối tuần. Thực tế, nhôm là kim loại sử dụng nhiều năng lượng nhất để sản xuất, đã tăng cao do lo ngại về chi phí điện tăng vọt và lo ngại rằng nguồn cung từ nhà sản xuất lớn như Nga sẽ bị ảnh hưởng.
Giá nickel phiên này cũng giảm 1,9% xuống 24.240 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2011 trong phiên trước đó.
Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm của thế giới và chiếm khoảng 7% nguồn cung cấp mỏ nickel toàn cầu. Đây cũng là nhà sản xuất khí đốt chính được sử dụng để tạo ra điện, một thành phần chính trong sản xuất nhôm.
Về những kim loại công nghiệp khác, giá đồng giảm 0,2% xuống 9.841,50 USD/tấn; kẽm giảm 0,6% xuống 3,619 USD/tấn và thiếc giảm 1,6% xuống 44,480 USD/tấn, trong khi chì tăng 0,6% lên 2,358 USD/tấn.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn giao dịch trên sàn Đại Liên giảm 3,1% xuống 681 CNY/tấn, kết thúc tuần qua với tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Giá thép trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm, với thép cây giảm 1,9% xuống 4.617 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 1,1% xuống 4.796 CNY/tấn, trong khi thép không gỉ giao tháng 4 giảm 2,7% xuống 17.850 CNY.
Nông sản: Lúa mì và ngô giữ giá, đậu tương mất 1,2% giá trị
Kết thúc phiên 25/2, giá lúa mì Mỹ quay đầu giảm sau khi đạt mức cao nhất hơn một thập kỷ trong phiên trước đó, khi các nhà giao dịch đánh giá lại khả năng gián đoạn nguồn cung sau sự việc Nga - Ukraina.
Cụ thể, giá lúa mì đỏ mềm vụ Đông kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Chicago giảm kịch trần 75 US cent, xuống 8,59-3/4 USD/bushel, sau khi trước đó chạm mức cao nhất 13,5 năm, song cả tuần, giá vẫn tăng 6,9%. Lúa mì đỏ cứng vụ Đông phiên này cũng giảm kịch trần.
Tương tự, giá ngô giảm từ mức cao nhất 8 tháng ở phiên 24/2, trong khi đậu tương giảm khỏi mức cao nhất 9,5 năm khi các nhà giao dịch thanh lý các hợp đồng trước cuối tuần.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 5/2022 giảm 34-1/2 cent xuống 6,55-3/4 USD/bushel, nhưng cả tuần tăng 0,5%.
Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 69-1/2 cent xuống 15,84-1/2 USD/bushel và giảm 1,2% trong tuần - là tuần giảm đầu tiên sau 6 tuần liên tục trước đó.
Nga và Ukraine góp 29% xuất khẩu lúa mì, 19% xuất khẩu ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương của toàn thế giới.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường, cà phê, bông cùng giảm giá
Đóng cửa phiên 25/2, giá đường giảm trở lại sau đợt tăng đột biến giữa tuần, theo xu hướng giá dầu mỏ. Cụ thể, giá đường thô giảm hơn 1,2% xuống 18,10 cent/lb, giảm sâu khỏi mức 18,87 cent của phiên liền trước. Giá đường trắng giao tháng 5/2022 cũng giảm 1,2% xuống 493,4 USD/tấn.
Petrobras - công ty năng lượng nhà nước của Brazil, đã áp dụng chính sách chờ xem đối với giá nhiên liệu trong nước và do đó, trong ngắn hạn có thể tác động ít nhiều đến nhu cầu ethanol.
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tăng 0,25% lên 2,3850 USD/lb, sau khi giảm gần 4% vào thứ Năm (24/5); trong khi đó, cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 0,3% xuống 2.173 USD/tấn. Cả tuần, 2 loại cà phê cùng giảm khoảng 3%.
Cả hai mặt hàng cà phê đều chịu sức ép bán mạnh do ảnh hưởng của các yếu tố liên thị trường, thay vì các yếu tố cung - cầu. Mức tồn kho trên Sở ICE US giảm về dưới 1 triệu bao trong tuần qua cho thấy áp lực nguồn cung ngắn hạn ngày một gia tăng, nhưng cũng không đủ để hỗ trợ cho giá.
Giá bông giảm tuần thứ ba liên tiếp với mức đóng cửa thấp hơn khoảng 2,1% về 118,63 cents/pound. Nhu cầu tiêu thụ của bông bị ảnh hưởng trong bối cảnh đồng USD tăng giá và gây áp lực lên xuất khẩu. Báo cáo Export Sales cho thấy, doanh số bán hàng của tuần mới nhất dù tăng nhưng vẫn thấp hơn 7% so với mức 4 tuần gần nhất.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |