Thị trường hàng hóa tuần từ 13-20/5: Giá kim loại hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 13-20/5, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục ghi nhận sự hồi phục của giá kim loại sau nhiều tuần giảm, trong khi giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tiếp, các mặt hàng khác biến động nhẹ.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu tăng 4 tuần liên tục, giá khí đi xuống, Trung Quốc tăng nhập khẩu than

Trên thị trường dầu, giá tiếp tục tăng nhẹ do kế hoạch cấm dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 làm giảm bớt lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại - yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.

Cụ thể, kết thúc phiên 20/5, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 tăng 51 cent (+0,5%) lên 112,55 USD/thùng; dầu Tây Texas (WTI) của Mỹ giao tháng 6/2022 tăng 1,02 USD (+0,9%) lên 113,23 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối cùng của kỳ hạn này.

Tính chung cả tuần, dầu WTI đã ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp với mức tăng khoảng 1,5%; dầu Brent cũng tăng khoảng 1% sau khi giảm ở mức tương tự trong tuần trước.

“Triển vọng thị trường dầu vẫn trong đà đi lên... do Trung Quốc mở cửa trở lại và EU tiếp tục nỗ lực hướng tới lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga”, Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết.

Trên thị trường khí đốt, giá khí bán buôn tại Hà Lan và Anh đều giảm trong phiên 20/5 do xuất khẩu của Na Uy tăng trở lại sau khi sớm khắc phục sự cố ngừng hoạt động, lượng cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng lên và sau một thỏa thuận của EU về việc lấp đầy kho dự trữ của các thành viên trong khối.

Cụ thể, giá bán khí đốt giao ngay tại Hà Lan giảm 0,95 euro xuống 87,05 euro/megawatt giờ (MWh), trong khi hợp đồng tháng 6/2022 giảm 0,35 euro xuống 89,50 euro/MWh.

Dòng chảy khí qua đường ống Langeled đã phục hồi lên 62 triệu mét khối (mcm) mỗi ngày sau khi kết thúc sớm việc bảo trì tại mỏ khí Troll (Na Uy).

Trên thị trường than, Trung Quốc đã xuất khẩu 23,55 triệu tấn than trong tháng 4/2022, tăng so với mức 16,42 triệu tấn vào tháng 3/2022 và 21,73 triệu tấn của tháng 4/2021, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này cho biết.

Ở chiều ngược lại, từ tháng 1-4/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 75,41 triệu tấn than, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Giá than nhiệt điện Newcastle (Anh) đạt mức cao kỷ lục 440 USD/tấn vào đầu tháng 3/2022. Giá than tăng cao do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt khi các nước phương Tây tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hệ thống tài chính và các sản phẩm năng lượng của Nga, sau khi nước này xung đột với Ukraine.

Do giá than toàn cầu vẫn ở mức cao, trong khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các công ty khai thác tăng sản lượng và giới hạn giá thành trong nước. Các thương nhân Trung Quốc sau đó đã ngừng mua các mặt hàng nhập khẩu đắt đỏ để chuyển sang sử dụng các nguồn hàng nội địa.

Trung Quốc đặt mục tiêu đạt kỷ lục 12,6 triệu tấn than mỗi ngày và duy trì giá than theo hợp đồng kỳ hạn ở mức 570-770 CNY/tấn (tương đương 84,99-114,81 USD/tấn).

Trong khi đó, Cục Kế hoạch hóa nhà nước Trung Quốc vào tháng 4/2022 đã thúc giục 14 khu vực (bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Chiết Giang - chủ yếu dựa vào than nhập khẩu) ký hợp đồng dài hạn hơn với các trung tâm khai thác hàng đầu nội địa như Sơn Tây, Thiểm Tây và Nội Mông. Nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cũng có thể bị sụt giảm sau khi các nhà máy công nghiệp trên khắp Trung Quốc đóng cửa do dịch Covid-19 bùng phát.

Dữ liệu do Wind tổng hợp cho thấy, tồn kho khoảng 30 triệu tấn than tại một số nhà máy điện lớn cạnh các tỉnh ven biển Trung Quốc vào cuối tháng 4/2022, tăng so với mức trung bình khoảng 25 triệu tấn trong giai đoạn 2016- 021.

Bộ Tài chính Trung Quốc đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với tất cả các loại than xuống 0% từ ngày 1/5/2022 đến 31/3/2023 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh giá cả thế giới tăng cao. Dù vậy, các nhà giao dịch vẫn băn khoăn điều này có thúc đẩy nhập khẩu hay không.

Kim loại: Đồng loạt hồi phục

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng trong phiên 20/5 do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và nhu cầu trú ẩn vào vàng tăng.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.843,29 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6/2022 tăng 0,1% lên 1.842,10 USD. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng khoảng 1,8% sau 4 tuần giảm liên tiếp.

Tương tự, giá bạc tăng 3,2% và đang dần lấy lại mốc 22 USD/ounce sau khi đánh mất khoảng 18% trong 1 tháng qua. Trong khi đó, nhờ vùng hỗ trợ cứng 900 USD/ounce, giá bạch kim đã khôi phục sắc xanh với mức tăng 1,12% lên 941 USD/ounce.

Nhóm kim loại quý được hưởng lợi chủ yếu do USD ghi nhận tuần suy yếu đầu tiên kể từ cuối tháng 3/2022, làm giảm áp lực đối với chi phí nắm giữ vật chất. Lo ngại về lạm phát xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và sự không chắc chắn về những hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai đã thúc đẩy vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tiếp tục tăng nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu hồi phục do Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay và tiến trình nới lỏng chính sách phong tỏa chống Covid-19.

Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên 20/5 tăng 0,1% lên 9,422 USD/tấn, có thời điểm chạm mức 9.510 USD/tấn - cao nhất kể từ ngày 6/5/2022. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng 3%, là tuần tăng đầu tiên kể từ đầu tháng 4/2022.

Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên các sàn Đại Liên và Singapore cũng tăng mạnh vào thứ Sáu (20/5), làm tăng thêm mức tăng giá hàng tuần khi Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ tham chiếu đối với các khoản thế chấp bằng một biên độ rộng bất ngờ, thúc đẩy hy vọng chính phủ nước này sẽ hỗ trợ thêm nữa để phục hồi nền kinh tế.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc tăng 5,3% lên 842,50 CNY (126,23 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao dịch tháng 6/2022 tăng 6,1% lên 134,25 USD/tấn.

Giá thép trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải và các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép khác ở Đại Liên cũng tăng. Cụ thể, thép thanh vằn tăng 2,6%; thép cuộn cán nóng tăng 2,3% và thép không gỉ tăng 3,4%.

Nông sản: Giá ngô và lúa mì vẫn giảm, đậu tương tiếp tục đi lên

Giá lúa mì trên sàn Chicago giảm phiên thứ 3 liên tiếp, lùi xa khỏi mức cao nhất 2 tháng đạt được vào đầu tuần qua do lực bán kỹ thuật gây áp lực lên thị trường. Giá ngô cũng giảm trong bối cảnh Mỹ tăng cường trồng ngô và thông tin Argentina có thể mở rộng giới hạn khối lượng ngô xuất khẩu. Trong khi đó, đậu tương tăng nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.

Cụ thể, đóng cửa phiên 20/5, giá lúa mì kỳ hạn tham chiếu trên Sàn giao dịch thương mại Chicago (CBOT) giảm 31-3/4 cent xuống 11,68-3/4 USD/bushel, tính chung cả tuần giảm 0,7%.

Giá ngô giảm 4-1/2 cent xuống 7,78-3/4 USD/bushel, cũng là tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Ngược lại, giá đậu tương tăng 14-3/4 cent lên 17,05-1/4 USD/bushel, cả tuần tăng 3,6%.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường và cao su tăng giá, cà phê và dầu cọ giảm giá

Giá đường thô trên sàn ICE kết thúc phiên 20/5 tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện bởi các nhà đầu đầu tư cho rằng, nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Brazil sẽ tăng sản lượng ethanol trong mùa này và giảm sản lượng đường. Bên cạnh đó, giá phân bón và ngũ cốc tăng cũng hỗ trợ cho giá đường.

Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 0,18 cent (+0,9%,) lên 19,95 cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất trong một tháng là 20,24 cent vào thứ Ba (17/5) do lo ngại về đợt băng giá ở Brazil. Giá đường trắng giao tháng 8/2022 trên sàn London cũng tăng 6,30 USD (+1,1%) lên 558,10 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 kết thúc phiên 20/5 giảm 2,85 cent (- 1,3%) xuống 2,1585 USD/lb, sau khi giảm 4% vào thứ Tư (18/5), do nhà đầu tư bớt lo ngại về nguy cơ thời tiết băng giá ở Brazil làm ảnh hưởng tới sản lượng. Giá cà phê robusta cùng kỳ hạn cũng giảm 24 USD (-1,2%) về 2.056 USD/tấn.

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần qua theo xu hướng giá ở Thượng Hải và do nguồn cung nguyên liệu bị thắt chặt, mặc dù JPY ổn định hơn và áp lực lạm phát đã hạn chế mức tăng.

Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Osaka tăng 1,7 JPY (+0,7%) lên 246,2 JPY (1,92 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá tăng 2,2%.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 130 CNY (+4,6%) lên 13.085 CNY (1.961,18 USD)/tấn.

Giá dầu cọ Malaysia giao tăng trong phiên 20/5 do thông tin nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới Indonesia khôi phục quy định bán hàng trong nước, một ngày sau khi tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Theo đó, hợp đồng dầu cọ giao tháng 8/2022 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 47 ringgit (+0,77%) lên 6.119 ringgit (1.394,80 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính cả tuần vẫn giảm 3,9% - là tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục