Năng lượng: Giá dầu tăng 3%, khí LNG giảm 4 tuần liên tiếp
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng hơn 2% vào thứ Sáu (11/7), khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết thị trường thắt chặt hơn dự kiến.
Cụ thể, dầu thô Brent tăng 1,72 USD (+2,5%) lên 70,36 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,88 USD (+2,8%) lên 68,45 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 3% và dầu WTI tăng khoảng 2,2%.
IEA cho biết, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể đang thắt chặt hơn so với dự kiến, với nhu cầu được hỗ trợ bởi hoạt động lọc dầu đạt đỉnh vào mùa hè để đáp ứng nhu cầu du lịch và sản xuất điện.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần qua đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động trong tuần thứ 11 liên tiếp, theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
IEA đã tăng dự báo tăng trưởng nguồn cung trong năm nay, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu, ngụ ý thị trường dư thừa.
“OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC cùng các nhà sản xuất lớn, bao gồm cả Nga) sẽ nhanh chóng tăng sản lượng dầu, nên thị trường có khả năng dư cung đáng kể. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá dầu vẫn được hỗ trợ”, các nhà phân tích của Commerzbank cho biết.
Về dài hạn, OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong giai đoạn 2026-2029 do nhu cầu của Trung Quốc chậm lại trong Báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2025, được công bố hôm thứ Năm (10/7). Phiên này, giá dầu giảm hơn 2%.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ giảm vào ngày 11/7 do dự báo thời tiết bớt nóng và nhu cầu thấp hơn dự kiến vào tuần tới đã bù đắp cho lượng LNG tăng tại các nhà máy xuất khẩu.
Cụ thể, giá LNG tương lai giao tháng 8 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 2,3 Uscent (-0,7%) xuống 3,314 USD/MMBtu và giảm khoảng 3% trong tuần, cũng là tuần giảm thứ tư liên tiếp (3 tuần trước đó giảm khoảng 12%).
LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 106,6 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay trong tháng 7, tăng từ mức cao kỷ lục hàng tháng là 106,4 bcfd vào tháng 6.
LSEG dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 107,3 bcfd trong tuần này lên 108,4 bcfd vào tuần tới trước khi giảm xuống 107,3 bcfd trong 2 tuần tiếp theo.
Kim loại: Vàng lên cao nhất 3 tuần; đồng biến động mạnh; quặng sắt, thép tiếp tục đi lên
Ở nhóm kim loại quý, chốt phiên giao dịch 11/7, giá vàng thế giới giao ngay tăng 31 USD lên 3.354 USD/ounce - mức cao nhất kể từ ngày 24/6/2025.
Thị trường vàng đi lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu 35% với toàn bộ hàng hóa Canada từ đầu tháng 8/2025, cao hơn hiện tại là 25%. Ông Trump còn tiết lộ kế hoạch áp thuế chung 15-20% với hầu hết đối tác thương mại khác.
“Chúng ta đang ở trong môi trường bất ổn. Nhà đầu tư vì thế đã tìm đến vàng để trú ẩn”, Aakash Doshi - Giám đốc Chiến lược vàng tại State Street Global Advisors nói và dự báo giá vàng dao động trong vùng giá 3.100-3.500 USD/ounce trong quý này.
Kim loại quý có xu hướng tăng trong thời kỳ bất ổn kinh tế và lãi suất thấp. Thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller hôm 11/7 cho biết, Fed vẫn có khả năng giảm lãi suất trong tháng 7. Việc này cho thấy sự chia rẽ về quan điểm trong Fed. Trước đó, biên bản cuộc họp tháng 6 của cơ quan này cho thấy hầu hết quan chức không ủng hộ giảm lãi tháng 7.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng tăng giá trong phiên: Giá bạc tăng 3,9% lên 38,46 USD/ounce - mức cao nhất kể từ tháng 9/2011; bạch kim tăng 2,8% lên 1.399 USD/ounce; palladium bật mạnh 6,5% lên 1.216 USD/ounce .
Ở nhóm kim loại màu, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá khi khép lại tuần giao dịch vừa qua. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/7, giá đồng COMEX ghi nhận mức tăng tuần gần 11%, đạt 12.356 USD/tấn. Trong khi đó, giá đồng LME giảm hơn 2% về 9.661 USD/tấn.
Theo ghi nhận của MXV, kể từ cuối tháng 2 đầu năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo Bộ Thương mại mở một cuộc điều tra về nhập khẩu đồng vì lý do an ninh quốc gia, làn sóng tích trữ đã diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ. Giá đồng COMEX đã thiết lập nhiều chuỗi tăng và mốc cao kỷ lục. Mới nhất, ngày 9/7, ông Trump bất ngờ công bố sẽ áp thuế 50% đối với toàn bộ đồng nhập khẩu kể từ ngày 1/8 tới càng khiến cho giá mặt hàng đồng trở nên đắt đỏ.
Mỹ nhập khẩu gần một nửa lượng đồng - kim loại được sử dụng phổ biến trong máy móc, đồ điện tử, hàng gia dụng, cho tới xây dựng - mà nước này tiêu thụ.
Trước đó, hôm thứ Ba (8/7), giá đồng ở Mỹ tăng 13% - đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ năm 1989, đóng cửa ở mức kỷ lục 12.445 USD/tấn. Trong khi đó, giá đồng trên sàn LME ở London chỉ tăng 0,3%.
Chênh lệch giá đồng trên sàn COMEX so với sàn LME trong phiên giao dịch thứ Sáu (11/7) lên tới 26,7% - tương đương hơn 2.600 USD/tấn.
Theo dự báo của Công ty Benchmark Mineral Intelligence, đến tháng 8/2025, khi thuế quan 50% của Mỹ đối với đồng có hiệu lực, người tiêu dùng ở Mỹ có thể sẽ phải mua đồng với giá 15.000 USD/tấn, trong khi phần còn lại của thế giới chỉ phải trả mức giá 10.000 USD/tấn.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong năm 2024, nước ta chỉ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 14,7 tấn đồng phế liệu và 42,8 tấn đồng tinh luyện. Lượng xuất khẩu này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồng của Việt Nam, cho thấy mức độ phụ thuộc vào thị trường Mỹ là không đáng kể. Do đó, mức thuế cao mà Mỹ vừa công bố nhiều khả năng sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu đồng của Việt Nam trong thời gian tới.
Ở nhóm kim loại đen, giá thép và quặng sắt tại các sàn châu Á đồng loạt đi lên nhờ kỳ vọng vào các biện pháp cải tổ ngành thép và gói kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.
Cụ thể, trên sàn SHFE - Thượng Hải, hợp đồng thép cây giao tháng 3/2026 tăng 42 CNY lên 3.158 CNY/tấn; hợp đồng thép thanh giao tháng 7 tăng 1,18% lên 3.091 CNY/tấn. Một số mặt hàng khác như thép cuộn cán nóng và thép không gỉ ghi nhận mức tăng nhẹ.
Trong khi đó, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 – giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên, tăng gần 2% lên 751 CNY (tương đương 104,64 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2025. Trong khi đó, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 7 ổn định quanh mức 748 CNY/tấn.
Tại Singapore, giá quặng sắt giao tháng 7 tăng 3 phiên liên tiếp, chạm mức 97,6 USD/tấn - cao nhất 3 tuần qua; quặng sắt giao tháng 8 nhích lên 97,95 USD/tấn - cao nhất từ cuối tháng 5/2025.
Giá than cốc và than mỡ trên sàn Đại Liên cũng tăng mạnh, trên mức 2,6%.
Đà tăng hiện tại được hỗ trợ bởi kỳ vọng vào chính sách kiểm soát sản lượng thép cũng như diễn biến phục hồi của thị trường than luyện kim. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo cán cân cung - cầu vẫn còn yếu, và ảnh hưởng từ nguồn cung sụt giảm chỉ có thể rõ rệt vào cuối tháng 7.
Trong ngắn hạn, giá thép được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là các chính sách kinh tế từ Trung Quốc. Việc Bắc Kinh thực hiện cải cách sản lượng có thể là yếu tố chính hỗ trợ giá thép tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, nhu cầu tiêu thụ thực tế và yếu tố thời tiết sẽ là những biến số quan trọng ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường.
Nông sản: Đồng loạt giảm giá
Trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá lúa mì tương lai quay đầu giảm vào phiên 11/7, trong bối cảnh mùa thu hoạch tại Mỹ đang diễn ra thuận lợi, gia tăng nguồn cung ra thị trường. Đồng thời, kỳ vọng về sản lượng cao hơn tại khu vực gieo trồng lúa mì Xuân càng tạo thêm áp lực giảm giá.
Cụ thể, hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa Đông tháng 9 (WU25) giảm 9,5 cent về 5,45 USD/giạ; lúa mì cứng đỏ Đông tháng 9 của Kansas (KWU25) giảm 10,5 cent về 5,2425 USD/giạ; lúa mì Xuân tháng 9 của Minneapolis (MWEU25) giảm mạnh 18 cent về mức 6,1375 USD/giạ.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng lúa mì toàn quốc được ước tính đạt 1,929 tỷ giạ - cao hơn dự báo trước đó là 1,921 tỷ giạ và vượt xa kỳ vọng trung bình 1,915 tỷ giạ từ khảo sát của Reuters. Riêng sản lượng lúa mì Xuân được nâng lên 504 triệu giạ, trong khi giới phân tích chỉ kỳ vọng ở mức 475 triệu giạ.
Giá ngô kỳ hạn trên sàn CBOT tiếp tục suy yếu do điều kiện thời tiết thuận lợi ở khu vực Trung Tây Mỹ giúp cây trồng phát triển tốt, nâng cao triển vọng về một vụ thu hoạch dồi dào vào mùa thu.
Cụ thể, hợp đồng ngô giao tháng 12 (CZ25) giảm 4,25 cent về 4,1225 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.
Theo báo cáo hàng ngày từ USDA, lượng mưa gần đây duy trì độ ẩm đất cần thiết và nền nhiệt vẫn nằm trong ngưỡng an toàn đối với cây trồng. Báo cáo cung cầu hàng tháng cũng cho thấy tồn kho ngô Mỹ có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trước khi bước vào vụ thu hoạch được kỳ vọng là kỷ lục.
Giá đậu tương kỳ hạn giảm trong phiên 11/7 do thời tiết thuận lợi tiếp tục hỗ trợ cây trồng phát triển mạnh, dù báo cáo mới từ USDA đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo sản lượng niên vụ này.
Cụ thể, hợp đồng đậu tương tháng 11 (SX25) lùi 6,5 cent về 10,0725 USD/giạ; bột đậu nành tháng 8 (SMQ25) lùi 1,1 USD về 270,30 USD/tấn ngắn; ngược lại, dầu đậu nành tháng 8 (BOQ25) tăng 0,26 cent lên 53,75 cent/pound.
Sản lượng đậu tương năm nay được ước tính đạt 4,335 tỷ giạ, giảm so với mức 4,340 tỷ giạ trong dự báo tháng trước. Con số này tương đương với mức trung bình mà giới phân tích kỳ vọng (4,334 tỷ giạ). Tuy nhiên, USDA lại nâng dự báo tồn kho cuối vụ 2025-2026 lên 310 triệu giạ - cao hơn mức 295 triệu giạ trong tháng 6.
Trong báo cáo cung cầu tháng 7, USDA cũng đã nâng mạnh dự báo tiêu thụ dầu đậu nành cho sản xuất nhiên liệu sinh học tại Mỹ lên mức kỷ lục 15,5 tỷ pound trong niên vụ 2025-2026. Ngược lại, xuất khẩu dầu đậu nành được hạ xuống 700 triệu pound - giảm mạnh so với mức 2,6 tỷ pound của mùa hiện tại do nhu cầu nội địa tăng cao.
Nguyên liệu công nghiệp: Cà phê robusta giảm 13%, đường cũng đi xuống, ca cao tăng giá, cao su diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (11/7), trên sàn ICE - New York, hợp đồng cà phê Arabica kỳ hạn (KC2!) giảm 0,5% về 2,865 USD/pound, trong phiên có thời điểm đã chạm mức cao nhất 10 ngày là 2,976 USD/pound do lo ngại từ căng thẳng thương mại giữa Brazil và Mỹ. Áp lực từ tiến độ thu hoạch nhanh tại Brazil đã khiến giá đảo chiều.
Brazil – quốc gia trồng và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đang đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu kể từ ngày 1/8 tới. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố sẽ tìm giải pháp ngoại giao, nhưng cũng sẵn sàng đáp trả nếu mức thuế được thực thi.
Hiện có tới 33% lượng cà phê tiêu thụ tại Mỹ đến từ Brazil. Nếu mức thuế mới được thông qua, dòng chảy cà phê từ Brazil vào thị trường Mỹ có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá cà phê kỳ hạn tăng. Dù vậy, trong ngắn hạn, các chuyên gia nhận định, giá cà phê Arabica trên sàn ICE được hỗ trợ do nhu cầu gia tăng từ Mỹ đối với cổ phiếu cà phê được chứng nhận.
Ngược lại, tại sàn LME - London, giá cà phê Robusta tiếp tục giảm mạnh, với mức giảm 3,1% xuống 3.216 USD/tấn - thấp nhất trong vòng 1 năm và cả tuần mất tới 13% giá trị.
Trong khi đó, giá ca cao New York (CC2!) ghi nhận mức tăng 1,5% lên 8.177 USD/tấn, còn giá ca cao London gần như đi ngang, giữ ở mức 5.289 GBP/tấn.
Tương tự, giá đường thô (SB1!) tăng 1,9% lên 16,57 cent/pound, còn đường trắng (SF1!) ít biến động, neo tại 483,7 USD/tấn.
Mặc dù có liên quan đến Brazil - quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới, song giới đầu tư phần lớn cho rằng, mức thuế 50% từ Mỹ không tác động đáng kể đến thị trường đường do Brazil không xuất khẩu nhiều mặt hàng này vào Mỹ.
Giá cao su kỳ hạn trên các sàn châu Á ghi nhận diễn biến trái chiều. Tại Nhật Bản, giá cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) tăng 1,6 JPY (+0,5%) lên 313,2 JPY/kg. Trên sàn SHFE - Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 8 tăng 100 CNY (+0,7%) lên 14.325 CNY/tấn. Ngược lại, tại Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 8 không thay đổi, giữ nguyên ở mức 72,26 baht/kg.
So với cuối tuần trước, giá cao su tại Trung Quốc tăng mạnh nhất với mức tăng 2%, theo sau là Nhật Bản tăng nhẹ 0,4%. Riêng thị trường Thái Lan giảm 1,2%.
Thị trường cao su đang được thúc đẩy bởi đà phục hồi của ngành ô tô Mỹ. Theo báo cáo từ Công ty Môi giới Galaxy Futures, khối lượng lốp xe nhập khẩu của Mỹ trong tháng 6/2025 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, đơn hàng mới trong lĩnh vực ô tô và linh kiện tại Mỹ cũng tăng trong tháng 5/2025, cho thấy sản xuất đang khởi sắc, kéo theo nhu cầu cao su nguyên liệu tăng theo.
Theo European Rubber Journal, Chính phủ Brazil vừa quyết định gia hạn thêm 5 năm thuế chống bán phá giá đối với lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi hoàn tất đợt rà soát thứ ba. Mức thuế từ 1,25-1,77 USD/kg tiếp tục được áp dụng với các dòng lốp ô tô phổ biến có kích thước mâm 13-14 inch và bề rộng từ 165-185mm.
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập)
(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).