Tuần qua, thị trường nông sản chịu tác động của các nguồn thông tin cơ bản trái chiều. Thời tiết xấu và tiến độ mùa vụ chậm là những thông tin hỗ trợ giá. Cùng lúc, những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung và Mỹ - Mexico là nguyên nhân tạo áp lực khiến giá giảm điểm.
Cà phê và đường bắt đầu một tuần giao dịch biến động mạnh bằng hai phiên tăng điểm, nhờ đồng Real Brazil tăng lên mức cao gần 2 tháng. Cà phê tăng lên mức cao 3 tháng, tạo áp lực bán ra mạnh khiến giá giảm mạnh nhất 4 năm trong phiên 5/6. Cùng phiên, giá đường cũng trượt sâu trong bối cảnh giá dầu thô lao dốc. Đến cuối tuần, dầu thô phục hồi cùng áp lực bán giảm giúp giá tăng trở lại.
Sự hồi phục của thị trường chứng khoán thế giới trong tuần giúp tăng triển vọng nhu cầu ca cao, hỗ trợ mặt hàng này tăng điểm trong 3 phiên liên tiếp. Ngoài ra, đà tăng được đảm bảo khi Tây Phi – nơi sản xuất tới 70% sản lượng ca cao toàn cầu gặp các vấn đề canh tác.
Chưa có một thông tin lạc quan nào có thể giúp giá bông bật tăng và thoát ra khỏi vùng giá thấp kể từ đầu tháng 5. Trong tuần qua, bông tiếp tục chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dao động gần mức kết thúc phiên cuối tuần trước.
Giá bạc đầu tháng 6 tiếp tục đà tăng từ tuần trước. Kim loại quý này hiện có chuỗi 7 phiên lên điểm liên tiếp, có lúc giá đã vượt 15 USD/ounce, lên mức cao nhất từ đầu tháng 5. Đồng USD suy yếu, thị trường lo ngại căng thẳng thương mại toàn cầu và kỳ vọng lãi suất nước Mỹ sẽ giảm là các nhân tố hỗ trợ cho giá kim loại quý.
Trong khi đó, giá đồng dao động quanh ngưỡng 2.6 USD/pound. Giá không thể bật tăng do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu kim loại công nghiệp giảm từ phía Trung Quốc. Có lúc, đồng đã chạm mức thấp nhất 5 tháng trong phiên 4/6.
Cao su trên sàn TOCOM sau ba tuần dao động quanh mức 190 JPY/kg đã có 3 phiên tăng điểm mạnh mẽ vào nửa cuối tuần. Đặc biệt, giá đã lên mức cao nhất 3 tháng trong phiên 7/6. Giá tăng do hoạt động mua mạnh của các quỹ nước ngoài, trong bối cảnh giá cao su giao ngay ở Thái Lan đi lên vì nguồn cung bị thắt chặt.