Thị trường giảm sâu, cơ hội mua cổ phiếu ngành nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bản chất thị trường đang điều chỉnh theo quy luật tăng mạnh thì chỉnh, hay là “sập”, nếu không “sập” thì đã xuất hiện cơ hội khi thị trường tạo đáy chưa?
Thị trường giảm sâu, cơ hội mua cổ phiếu ngành nào?

Đây là câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra cho chuyên gia trong chương trình Bí mật đồng tiền số 17 vừa qua.

Nếu nhìn về phân tích cơ bản để nói về đà giảm điểm của thị trường, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng với hơn 20 năm kinh nghiệm bám thị trường, và mày mò nghiên cứu sâu về phân tích kỹ thuật cho rằng, thời điểm VN-Index trên 1.500 điểm thì phải nhìn cả P/E thị trường, và dùng kinh nghiệm về tiền và hàng để nhìn nhận.

Các nhà đầu tư lớn khi Index ở vùng này họ đều đã ra hàng lặng lẽ từ quý 4/2021. Nhìn lại giá và khối lượng từ quý 4 tới quý 1/2022 (nhất là khoảng tháng 11,12 năm 2021 tới hết quý 1/2022) cho thấy các tổ chức đang phân phối rõ nhất, không chỉ nước ngoài mà cả các tổ chức trong nước.

Theo ông Dũng, khối lượng đoạn này rất lớn, cá nhân không thể đẩy khối lượng lớn như vậy, mà là tổ chức bán ra, còn nhà đầu tư cá nhân lại dùng margin để đi vào. Như vậy, tới nay thị trường xuống, tài khoản giảm là đúng quy luật, là chức năng của thị trường, có lên và xuống. Đây là tín hiệu mà nhà đầu tư cần để ý và nhìn nhận ra, chỉ trong khoảng 1.400 - 1.500 thì biên độ dao động ở đoạn này được đẩy bởi một số cổ phiếu lớn đi lên, để cân bằng, không làm cho nhà đầu tư nhỏ cảm nhận được việc phân phối.

“Tôi từng nói rằng, thị trường đang có sự hỗn loạn của các tổ chức, nhưng cái này nó hơi khó với các nhà đầu tư chưa nhiều kinh nghiệm. Tôi đã khuyên bạn bè tôi lúc đó phải hạ hết margin và tránh cổ phiếu đầu cơ tuyệt đối, chỉ giữ cổ phiếu tốt và đã nắm giữ trước đó 1-2 năm, thì việc biến động trên tài khoản 20-30% không vấn đề gì”, ông Dũng cho biết.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) có phần không đồng tình lắm với quan điểm trên.

Bởi theo số liệu cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến giờ cũng bán ròng, khoảng 250 triệu USD, nhưng việc mua của họ vẫn có, việc cho rằng chỉ nhà đầu tư cá nhân mới đang kẹt ở đỉnh cũng không phải, bởi trong đợt đầu tháng 4, các quỹ đầu tư Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) vẫn vào Việt Nam qua hình thức ETF và vẫn mua cổ phiếu Việt Nam ở thời điểm này. Nhưng tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam hiện nay thấp, nên giao dịch của họ ảnh hưởng không nhiều.

Dĩ nhiên, do tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân lớn, 90-95% trên thị trường, trong khi đối tượng này có đặc điểm dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài nhiều hơn, và thời điểm này, ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) đều đang bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin liên quan xử lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nên thị trường có xu hướng không tích cực lắm, ông Hưng bày tỏ quan điểm.

Vậy cơ hội mua vào ở vùng giảm sâu này đã xuất hiện nay chưa, nhóm ngành triển vọng nào?

Ông Dũng nhìn nhận, bây giờ là lúc nhà đầu tư nhặt nhạnh cơ hội đầu tư cho trên 12 tháng, khả năng quý 4 sẽ tốt hơn, thời điểm này không phải thích hợp để đầu cơ.

Ông Dũng đưa ra quan điểm cá nhân về danh mục gồm FPT có thể quan sát và mua dần, FRT trong 1 năm tới cổ phiếu này vẫn là cổ phiếu tốt, quan sát HPG, cũng có thể xem xét thủy sản, dệt may

Ông Hưng cho rằng, nhóm cổ phiếu xuất khẩu như thủy sản, dệt may, vận chuyển quốc tế - ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường hiện nay; hoặc các cổ phiếu hết room cũng được săn đón rất nhiều, giá cổ phiếu như FPT, MBB khá vững. Mọi người cũng nên nhìn lại 1 lần nữa, cá nhân mình có khả năng trading trong ngắn hạn không, chứ thua lỗ 20-30% trong vài tháng thì nếu được, có thể ủy thác đầu tư. Bởi một số quỹ có NAV tăng trưởng khá tốt.

Nói về diễn biến giảm giá của cổ phiếu ngân hàng, ông Trần Tiến Dũng, cho rằng, thị trường đảo chiều đi xuống thì các nhóm nào cũng đa phần đi xuống chung, trừ trường hợp các biệt. Số lượng cổ phiếu lưu hành của nhóm ngân hàng rất nhiều, bản thân tôi nắm giữ lượng cổ phiếu ngân hàng lớn và giữ lâu, tích lũy dần, và tôi vẫn đánh giá ngân hàng có cơ hội 5-10 năm tới. Quy mô vốn điều lệ 30-40 ngàn tỷ của ngân hàng thì lớn ở Việt Nam, như so với trong khu vực thì còn nhỏ, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng.

“Với cổ phiếu ngân hàng, phải mua và nắm giữ mới thấy lãi kép phát huy nhiều như thế nào”, ông Dũng nói.

Nhưng với nhà đầu tư cầm cổ phiếu ngân hàng và sử dụng tỷ lệ margin khá cao, có nên bán bằng mọi giá trong bối cảnh thị trường hiện nay?

Ông Hưng đưa ra lời khuyên chắc chắn nên bán bằng mọi giá, nhưng nếu margin cao thì sẽ áp lực. Nói rộng ra, hiện Chính phủ đang cố gắng lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng chung đến ngành tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Nhà đầu tư đang lo ngại với các ngân hàng có danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhiều thì bị ảnh hưởng trước trong ngắn hạn. Nên cần lựa chọn cổ phiếu hợp lý, ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và có kết quả kinh doanh tốt hơn.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục