Thị trường gặp khó, một mã VN30 vẫn tăng mạnh vượt đỉnh 2 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi sức ép từ một số mã lớn đã khiến VN-Index khó hồi phục và tạm đóng cửa phiên cuối tuần giảm nhẹ, thì một mã VN30 vẫn tăng không ngừng nghỉ, tiếp tục xác lập đỉnh mới trong hơn 2 năm.
Thị trường gặp khó, một mã VN30 vẫn tăng mạnh vượt đỉnh 2 năm

Phiên giao dịch sáng cuối tuần diễn ra rung lắc nhẹ và đột ngột nới rộng biên độ giảm bởi áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index thủng mốc 1.260 điểm – được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ hiện tại của thị trường.

Bước vào phiên giao dịch chiều, tâm lý thị trường tiếp tục tiêu cực hơn khi lực bán lan rộng ra thị trường, nhanh chóng đẩy VN-Index về gần ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm.

Sau những nhịp giằng co ở vùng giá trên, những tưởng thị trường sẽ đón thêm pha điều chỉnh giảm mạnh thì VN-Index đột ngột bẻ lái, bật hồi 15 điểm chỉ trong hơn 10 phút giao dịch trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC và lấy lại sắc xanh.

Tuy nhiên, đà tăng kém bền vững bởi các mã lớn vẫn gia tăng sức ép trên thị trường, đã khiến VN-Index tạm khép lại phiên giao dịch dưới mốc tham chiếu. Điểm tích cực vẫn là thanh khoản sôi động, thị trường tiếp tục đón nhận thêm phiên giao dịch đạt giá trị lên tới hơn 27.500 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE.

Đáng chú ý, trong khi nhóm VN30 giao dịch phân hóa cùng thị trường chung với số mã tăng giảm khá cân bằng và đóng cửa vẫn giảm 3,9 điểm do một số mã lớn giảm sâu, thì GVR tiếp tục nới rộng biên độ tăng, ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần này, đồng thời xác lập mức giá cao nhất trong hơn 2 năm.

Đóng cửa, GVR tăng 5,49% lên mức giá cao nhất trong ngày 34.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 5,68 triệu đơn vị. Như vậy, tính trong tuần qua, GVR đã tăng tới 19,31% và nếu tính trong khoảng 1 năm thì tăng gần 140%.

Một trong những thông tin đáng chú ý tại GVR là ngày 29/3 tới đây Công ty sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2024. Theo tài liệu công bố, dù GVR đưa ra kế hoạch năm 2024 đi ngang với doanh thu dự kiến 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.101 tỷ đồng, nhưng Công ty sẽ dùng phần lớn lợi nhuận để chia cổ tức là 3% bằng tiền mặt.

Với diễn biến khả quan của GVR, cổ phiếu này cũng là nhân tố đóng góp lớn nhất tới hơn 1,86 điểm cho chỉ số chung. Tiếp theo đó là cặp đôi lớn GAS và BID cùng đóng góp hơn 0,7 điểm cho chỉ số chung.

Ngoài ra, nhóm VN30 còn đón nhận một vài điểm sáng trong phiên chiều thuộc dòng bank là VIB tăng 3,7%, MBB tăng 1,5%, BID tăng 1%, CTG tăng 0,9%...

Tuy nhiên, mã lớn nhóm bất động sản đã chịu áp lực bán và giảm tới 3,4% xuống mức giá thấp nhất trong phiên cuối tuần, đứng tại mức giá 44.400 đồng/CP, là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi hơn 1,4 điểm của chỉ số chung.

Bên cạnh đó, VCB cũng nới rộng biên độ giảm khi để mất 1,1% và đóng cửa đứng tại mức giá 94.000 đồng/CP, tiếp tục gia tăng sức ép khi lấy đi 1,35 điểm của chỉ số chung.

Các mã còn lại trên thị trường, điểm sáng vẫn thuộc về “tân binh” VTP khi cổ phiếu này có thêm phiên tăng mạnh. Đóng cửa, VTP tăng 5% lên mức giá 94.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,75 triệu đơn vị. Như vậy, nếu duy trì tốc độ tăng này, cổ phiếu VTP sẽ sớm gia nhập nhóm cổ phiếu có thị giá 3 chữ số trên thị trường.

Xét về nhóm ngành, sự suy yếu của cặp đôi cổ phiếu nhà Vingroup là VIC và VHM, đã khiến nhóm cổ phiếu bất động sản trở thành nhóm giảm mạnh nhất. Dù vậy, nhiều mã trong nhóm này vẫn ghi nhận phiên giao dịch ấn tượng.

Cụ thể, HDC vẫn trong trạng thái dư mua trần và đóng cửa đứng tại mức giá trần với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 15 triệu đơn vị; cổ phiếu DIG sôi động hơn với thanh khoản vượt trội, đạt gần 70 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,6%; DXG tăng 1,1% và khớp 29,13 triệu đơn vị, NVL, TCH, HQC, LCG đều giao dịch trên mốc tham chiếu với thanh khoản trên 10 triệu đơn vị.

Trong khi đó, với sự đảo chiều khởi sắc của một số mã như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chớm lấy lại sắc xanh khi đóng cửa. Tuy nhiên, EIB là mã có thanh khoản sôi động nhất dòng bank với 30,8 triệu đơn vị khớp lệnh, đã đóng cửa giảm nhẹ 0,6% xuống 17.850 đồng/CP.

Nhóm chứng khoán đã lấy giao dịch khởi sắc trở lại nhờ một số mã đảo chiều hồi phục ấn tượng. Điểm sáng là FTS sau nhịp nghỉ sức hôm qua và có chút điều chỉnh nhẹ sáng nay, đã tăng tốc mạnh trong phiên chiều, đóng cửa tăng hơn 4% lên mức giá cao nhất ngày 64.000 đồng/CP, đồng thời đây cũng là mức giá cao kỷ lục mới của mã này.

Các mã chứng khoán khác như VND tăng hơn 1%, VCI tăng 2,87%, TVS và TVB cùng tăng hơn 1%, BSI tăng 1,67%... Trong đó, VND có thanh khoản cao nhất nhóm với hơn 33,21 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chốt phiên, sàn HOSE có 217 mã tăng và 249 mã giảm, VN-Index giảm 0,48 điểm (-0,04%), xuống 1.263,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,07 tỷ đơn vị, giá trị 27.508,65 tỷ đồng, tăng 1,9% về khối lượng nhưng giảm 1,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 58,78 triệu đơn vị, giá trị 1.468,32 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự sàn HOSE và HNX-Index kém may mắn về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,06%) xuống 239,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 107 triệu đơn vị, giá trị 2.220,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,88 triệu đơn vị, giá trị 117,6 tỷ đồng.

Cặp đôi SHS và CEO vẫn có thanh khoản vượt trội trên thị trường, tương ứng đạt 29,22 triệu đơn vị và 17,73 triệu đơn vị, đóng cửa lần lượt đứng giá tham chiếu 19.100 đồng/CP và tăng nhẹ 0,5% lên 22.100 đồng/CP.

Cổ phiếu HUT hạ độ cao và chỉ còn tăng nhẹ 1,1%, đóng cửa đứng tại mức giá 18.800 đồng/CP, thanh khoản đứng ở vị trí thứ 3 với 5,62 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong bối cảnh nhóm chứng khoán chung khởi sắc hơn, các mã trong ngành này trên sàn HNX lại không “theo kịp”, ngoại trừ VFS vẫn giữ mức tăng nhẹ 1%, còn lại đều lình xình dưới mốc tham chiếu, với MBS giảm 0,3%, BVS giảm 1,5%, VIG giảm 1,1%, APS giảm 1,5%...

Trên UPCoM, thị trường cũng trong xu hướng điều chỉnh giảm trong phiên cuối tuần.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,29%) xuống 91,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,88 triệu đơn vị, giá trị 537,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,55 triệu đơn vị, giá trị 87,17 tỷ đồng.

Cổ phiếu DRI là điểm sáng thị trường khi đóng cửa trở lại mức giá trần thành công. Cụ thể, kết phiên, DRI tăng 14,1% lên 10.500 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 với 1,95 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trong khi đó, 4 mã giao dịch sôi động nhất là BSR, PVX, SBS đứng giá tham chiếu, DDV giảm nhẹ 0,7%, khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 5,26 triệu đơn vị và đều hơn 2,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu chứng khoán DSC tiếp tục nới rộng biên độ, đóng cửa tăng 5,1% lên mức 24.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,23 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm và 1 hợp đồng tăng, trong đó VN30F2403 giảm 0,8 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.260 điểm, khớp lệnh hơn 297.840 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.410 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng tràn ngập, trong đó CFPT2313 giao dịch sôi động nhất khi khớp hơn 3,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,5% xuống 2.350 đồng/cq. Tiếp theo là CMWG2316 khớp 2,44 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,2% lên 860 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục