Không nằm ngoài dự đoán chung của thị trường, chỉ số VN-Index đã đảo chiều điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 23/9 sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp cuối tuần trước. Điểm tích cực chính là dù sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử nhưng áp lực bán không quá lớn khiến các cổ phiếu chủ yếu giảm trong biên độ hẹp (sàn HOSE có 6 mã giảm sàn và 4 mã tăng trần) và VN-Index cũng chỉ biến động nhẹ quanh vùng giá 1.270 điểm.
Thanh khoản thị trường lùi về mức thấp khi tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng đón pha điều chỉnh, đồng thời do chỉ số VN-Index đang tiến gần hơn với vùng kháng cự mạnh 1.280 – 1.300 điểm. Trong đó, dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu bank – chứng – thép. Đây là tín hiệu cho thấy tâm lý kỳ vọng nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn sẽ là động lực chính giúp thị trường sớm khởi sắc trở lại.
Đóng cửa, sàn HOSE có 261 mã giảm, gần gấp đôi số mã tăng (137 mã), VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,28%) xuống 1.268,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 564,2 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 12.900 tỷ đồng, giảm 37,2% về khối lượng và 40,88% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 20/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 108,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.447 tỷ đồng.
Nhóm VN30 kết phiên giảm gần 5 điểm với 9 mã tăng và 19 mã giảm. Trong đó, SSB bị bán khá mạnh sau những phiên tăng khá tích cực trong tuần trước, đóng cửa SSB giảm 3,63% xuống mức giá thấp nhất ngày 15.950 đồng/CP; ngoài ra VRE giảm 2,6%, PLX giảm 1,6%, các mã FPT và MWG cùng giảm 1%...
Ở chiều ngược lại, BVH tăng 1,6%, SSI tăng 1,3%, TPB tăng 1%, còn lại đều tăng chưa tới 0,5%.
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý là ITA. Sau chuỗi ngày giảm liên tiếp, phiên hôm nay ITA đã bị bán tháo với khối lượng khớp lệnh chưa tới 1 triệu đơn vị và dư bán sàn tới hơn 5,1 triệu đơn vị. Nguyên nhân là do cuối tuần vừa qua, HOSE đã có quyết định chính thức về việc đưa cổ phiếu ITA từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 26/9 bởi Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.
Mặt khác, SVD có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, với khối lượng khớp lệnh đạt gần nửa triệu đơn vị, gấp hơn 10 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây.
Xét về nhóm ngành, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép chuyển qua trạng thái phân hóa nhưng vẫn hút mạnh dòng tiền. Trong đó, VPB sôi động nhất thị trường khi có hơn 29 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng nhẹ 0,3%. Các mã khác thuộc top 5 thanh khoản cao nhất cùng thuộc các nhóm ngành và đều đóng cửa trong sắc xanh, gồm SSI, MBB, HPG và TPB với khối lượng khớp lệnh trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.
Điểm sáng nhỏ là nhóm cổ phiếu đường đã đi ngược thị trường thành công với LSS tăng 4,1%, SBT tăng 0,75%, QNS tăng 2,52%.
Trên sàn HNX, áp lực bán trên diện rộng cùng sức ép đến từ nhóm HNX30, đã khiến thị trường duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, sàn HNX có 67 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,39%) xuống 233,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,37 triệu đơn vị, giá trị 767,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,62 triệu đơn vị, giá trị 84,77 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 gia tăng thêm sức ép trong phiên chiều khi đóng cửa ở vùng thấp nhất với mức giảm hơn 3 điểm. Trong đó có 18 mã giảm và chỉ còn 6 mã tăng với biên độ biến động chủ yếu chỉ trên dưới 1%.
Điểm sáng của nhóm cổ phiếu trên là MBS khi ngược dòng thị trường chung và ngược dòng nhóm cổ phiếu chứng khoán. Đóng cửa, MBS tăng 1,8% lên mức 28.900 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất thị trường với gần 6,3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tiếp theo đó, cổ phiếu SHS và CEO lần lượt khớp lệnh 5,63 triệu đơn vị, 2,88 triệu đơn vị và 2,14 triệu đơn vị, đều đóng cửa giảm 1,3%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điểm sáng là NRC tăng 3,7%, API tăng 3,5%, ITQ tăng kịch trần, thanh khoản 0,8-0,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, thị trường đã may mắn thoát hiểm thành công ở phút cuối.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,01%) lên 93,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,88 triệu đơn vị, giá trị 413 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 137 tỷ đồng, trong đó riêng HNG thỏa thuận 5,77 triệu đơn vị, giá trị đạt 29,27 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu mía đường QNS đã có phiên giao dịch khởi sắc. Đóng cửa, QNS tăng 2,5% lên mức 48.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 3 thị trường, đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 3,37 triệu đơn vị giao dịch thành công và đóng cửa giữ mức tăng nhẹ 0,4%, đứng tại mức giá 23.900 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giảm nhẹ, với VN30F2410 đáo hạn gần nhất vào ngày 17/10, đóng cửa giảm 4,5 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.325,5 điểm, khớp lệnh gần 129.850 đơn vị, khối lượng mở 53.940 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CHPG2404 có thanh khoản cao nhất đạt 4,58 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống mức 10 đồng/cq. Theo sau là CHPG2405 với 2,22 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 37,5% xuống 50 đồng/cq.