Ồ ạt mở điểm bán lẻ giành thị phần
Trong năm 2016, Điện Máy Xanh có thêm 180 điểm bán lẻ được mở mới, tăng gấp 3 lần so với tổng số điểm trong giai đoạn 2010 - 2015 của doanh nghiệp này. Tính đến hết tháng 12/2016, Điện Máy Xanh có 266 siêu thị tại 63 tỉnh, thành. Không dừng lại ở đó, hãng này có kế hoạch tiếp tục mở thêm điểm bán lẻ trong năm nay với mục tiêu đầy tham vọng.
Sự gia tăng nhanh của Điện Máy Xanh khiến các hãng khác sốt ruột lên kế hoạch mở rộng địa bàn. Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Marketing MediaMart cho biết: “Thị trường điện máy cạnh tranh khốc liệt, nhưng cơ hội chia đều cho tất cả. Điện Máy Xanh đi theo hướng phủ rộng điểm bán, còn các hãng khác chú trọng xây dựng hệ thống chuỗi siêu thị lớn. Năm 2017, chúng tôi cũng có kế hoạch mở thêm 18 điểm bán, nâng tổng số siêu thị điện máy của Media Mart lên con số 60”.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, bà Vũ Thị Ngọc Huệ, Giám đốc marketing Hệ thống siêu thị điện máy Pico cho biết, Hãng cũng có kế hoạch mở rộng hệ thống trong năm nay. Hiện tại, Pico có 11 siêu thị điện máy và mục tiêu trong năm 2017, hãng có 30 siêu thị, tăng trưởng gần gấp ba về số lượng và tăng 1,5 lần về doanh thu.
Đây là một bước đi lớn, bởi mô hình điểm bán của Pico là các siêu thị có quy mô đạt mức tiêu chuẩn với số lượng sản phẩm trưng bày lớn, đặc biệt là những sản phẩm phân khúc cao cấp, đòi hỏi doanh nghiệp cần tập trung các nguồn lực tài chính.
"Trong ngành điện máy đang có cuộc cạnh tranh mạnh mẽ và các hãng sát phạt nhau bằng nhiều mánh khóe"
- Ông Vũ Vinh Phú,
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.
“Chúng tôi có chiến lược phát triển riêng không bị quá ảnh hưởng bởi các đối thủ khác. Phát triển nhưng đảm bảo đầu tư trong mức kiểm soát, các siêu thị hoạt động có lãi”, bà Huệ cho hay.
Lý giải về việc các doanh nghiệp ồ ạt mở rộng địa bàn, ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đây là chiến thuật để các hãng điện máy giành lại thị phần từ kênh bán hàng truyền thống. Bởi hiện nay tất cả các hãng gộp lại mới chỉ chiếm khoảng hơn 40% thị phần, còn lại phần lớn thuộc về các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ.
Năm 2015, thống kê cho thấy, kênh bán hàng truyền thống chiếm 52,5% thị phần, Nguyễn Kim chiếm 12%, Điện Máy Xanh 8%, Điện máy Chợ Lớn 7,5%, các chuỗi điện máy khác chiếm 20%. Sau sự gia tăng điểm bán lẻ trong năm 2016, thị phần có sự thay đổi, Điện Máy Xanh ước đạt 17% thị phần.
“Dự kiến, cuối năm 2017, kênh phân phối truyền thống sẽ chỉ chiếm 20% thị phần và kênh hiện đại chiếm 80%”, ông Nguyễn Thanh Hải dự báo.
CEO Điện Máy Xanh, ông Nguyễn Đức Tài cũng rất tự tin khi cho rằng mục tiêu đạt 30% thị phần trong năm 2017 là “hoàn toàn trong tầm tay”.
Không chỉ thay đổi về quy mô hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp cũng tập trung đẩy mạnh kênh bán hàng online và đầu tư vào chiến dịch quảng cáo.
Rủi ro tăng trưởng nóng
Đứng trước sự phát triển nóng và ồ ạt của thị trường điện máy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp cần lường trước rủi ro xảy ra, thậm chí nhiều mặt hàng sẽ rơi vào tình trạng bão hòa và tăng trưởng chững lại như tủ lạnh, máy giặt, tivi…
Ngành điện máy Thái Lan và Singapore đang gặp phải câu chuyện này khi tăng trưởng thụt lùi. Doanh thu của ngành này tại Singapore trong quý III/2016 bằng doanh thu cùng kỳ 5 năm trước đó.
Nhìn nhận về câu chuyện nêu trên, đại diện MediaMart cho rằng:“Thị trường điện máy Singapore đã phát triển đến đỉnh cao và đang đi xuống. Nhưng họ đi trước mình 30 - 40 năm. Ở Việt Nam, tôi nghĩ vẫn còn đà tăng trưởng mạnh, 20 năm nữa ngành điện máy vẫn còn đất sống khỏe”.
Bà Ngọc Huệ, Giám đốc Marketing Pico cùng chung nhận định khi cho rằng thị trường điện máy ở Việt Nam vẫn đảm bảo mức tăng trưởng trên 10% hàng năm và mức này sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiều năm nữa. Theo bà Huệ, các nhà sản xuất điện máy luôn cập nhật công nghệ mới, mẫu mã mới để kích thích nhu cầu cho phân khúc sản phẩm cao cấp. Ngoài ra, một số khu vực thị trường ở các tỉnh, thành tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khai phá. Những sản phẩm điện máy, đồ gia dụng gia đình hiện đại hay các sản phẩm công nghệ cao vẫn còn là thứ “xa xỉ”.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lại cho rằng, thị trường điện máy Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2017 – 2018, sau đó sẽ đi vào thoái trào. “Thị trường sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa khi sức mua giảm, doanh thu lợi nhuận giảm, hàng tồn kho nhiều mà nguồn lực tài chính không đủ mạnh”, ông Phú nhận định.
Theo ông Phú, ngành điện máy đang “có cuộc cạnh tranh mạnh mẽ và các hãng sát phạt nhau tranh giành thị phần bằng nhiều mánh khóe”. Ông cũng khẳng định đây là ngành có nhiều phức tạp và ẩn chứa những rủi ro tăng trưởng: “Người ta thường nói đi vào thị trường điện máy như đi vào rừng, bởi hàng thật giả khó phân biệt, các sản phẩm hạ giá nhanh; liên tục trong cuộc đua giành khách hàng với đủ chiêu quảng bá”.
Tỷ suất lợi nhuận thấp (khoảng 6 - 15%) trong khi mức độ rủi ro hàng tồn kho cao bởi các dòng sản phẩm liên tục cập nhật mẫu mã, công nghệ mới khiến doanh nghiệp thường xuyên phải tìm cách “xả hàng”.
Công ty Thế giới di động (MWG - sở hữu hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh) hiện là một trong những doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất thị trường, với doanh thu hợp nhất năm 2016 đạt 45.612 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 7.214 tỷ đồng, chiếm 15% tổng doanh thu. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng thiết bị di động, thiết bị điện tử, máy tính xách tay. Đáng chú ý, doanh nghiệp này cũng “đau đầu” với hàng tồn kho trị giá 9.370 tỷ đồng, riêng hàng thiết bị gia dụng tồn kho 647 tỷ đồng, hàng thiết bị điện tử tồn kho 2.962 tỷ đồng, điện thoại di động tồn kho nhiều nhất với 4.445 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) cũng chỉ chiếm 11% tổng doanh thu và giá trị tồn kho lớn gấp hai lần lợi nhuận. Báo cáo tài chính của TAG cho thấy, năm 2016, doanh nghiệp này có doanh thu 4.098 tỷ đồng, lợi nhuận 484 tỷ đồng, tồn kho 958 tỷ đồng.
Trong khi đó, cả doanh thu và lợi nhuận năm 2016 của CTCP Thế giới số (DGW) đều giảm so với năm 2015. Theo báo cáo tài chính của DGW, doanh thu năm 2016 đạt 3.844 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 241 tỷ đồng (chiếm 6,2% tổng doanh thu). Trong khi năm 2015, con số này lần lượt đạt 4.203 tỷ đồng và 264 tỷ đồng (cao hơn 23 tỷ đồng so với năm 2016). Hàng tồn kho của DWG trong năm ngoái khoảng 715 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì những rủi ro tăng trưởng cao mà tỷ suất lợi suất thấp, trong khi nguồn lực tài chính hạn hẹp.
Đại diện Pico cho rằng, thị trường điện máy không còn là một “miếng bánh ngon dễ ăn nữa, mà là một miếng bánh kén người ăn”, nên các doanh nghiệp cần có những bước đi thận trọng hơn. Bà Huệ cho hay: “Đôi khi chúng tôi cũng có những dự báo thị trường chưa chính xác, hoặc một số sản phẩm mang tính mùa vụ lại không được thời tiết ủng hộ nên việc tồn kho vẫn xảy ra”. Pico từng đóng cửa hai siêu thị tại TP.HCM và Giảng Võ (Hà Nội) để cơ cấu lại mặt hàng và hình thức kinh doanh.
“Tăng trưởng nóng luôn gắn liền với những nguy cơ, các doanh nghiệp cần phải tỉnh táo nhìn nhận lại, thị trường Việt Nam sắp bão hòa ở lĩnh vực này, đặc biệt là tại các thành phố lớn”, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh.
Năm 2017 - 2018 có thực sự là đỉnh cao của ngành điện máy hay không vẫn còn nằm ở dự báo, nhưng thực tại, các doanh nghiệp đang vẫn trong cuộc đua tăng trưởng đầy cam go và khốc liệt.