Thị trường dịch chuyển theo tâm lý

(ĐTCK) Tâm lý của NĐT đã xấu đi rất nhiều sau khi một loạt công ty bị Sở GDCK TP. HCM đưa vào diện kiểm soát: sau BBT, TRI đến lượt REE, VTA, BHS, VHG, vì phát sinh lợi nhuận âm. Trong phiên mở cửa ngày hôm qua (10/2), REE - vang bóng một thời là cổ phiếu đầu tiên xuống sàn và diễn biến đó không thay đổi cho đến khi thị trường đóng cửa. Đã có xấp xỉ một triệu cổ phiếu REE được đặt bán tháo trong phiên. Bên cạnh đó, một số công ty lỗ trong 3 quý đầu năm nhưng vẫn chưa nộp báo cáo tài chính quý IV/2008. Mối quan tâm của khá nhiều NĐT hiện tại là danh sách các cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát còn có thể dài ra thêm! VN-Index lại trở nên mong manh vì cả các khó khăn về vi mô lẫn vĩ mô.

Mong manh

Kể từ đầu năm 2009 đến nay, số phiên tăng điểm liên tiếp của VN-Index chưa bao giờ vượt quá con số 3. Thị trường vừa có hai phiên giao dịch khởi sắc với mức tăng điểm tương đối mạnh nhờ một số tin tức hỗ trợ tâm lý NĐT: tạm dời thuế thu nhập cá nhân đến ngày 31/5/2009; Thông tư 02 quy định cụ thể về gói kích cầu lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên ngoài, chỉ số chứng khoán Mỹ và nhiều TTCK quan trọng khác đã có sự phục hồi đáng kể so với đáy gần nhất, do NĐT kỳ vọng vào việc thông qua gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ trị giá hơn 800 tỷ USD… Sau khi thị trường lao xuống đáy mới, NĐT kỳ vọng khá nhiều vào các tin tức hỗ trợ giúp VN-Index phục hồi, tạm thời lấy lại một phần những gì đã mất.

Tuy nhiên, ở phía đối lập, tin xấu nhiều hơn không kém. Các con số thống kê cho thấy, các tác động gián tiếp nhưng đáng ngại của cuộc khủng hoảng kinh tế đã thấm sâu vào nền kinh tế Việt Nam: sản xuất công nghiệp ngay trong tháng đầu tiên của năm giảm 4,4% so với tháng 1/2008; lượng đăng ký FDI tháng 1/2009 chỉ đạt 185 triệu USD, bằng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng thực hiện đạt 300 triệu USD, chỉ bằng 79% so với tháng 1/2008; xuất khẩu tháng 1/2009 ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với tháng trước và bằng 3/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các nhóm ngành hàng dệt may, thủy sản, cà phê, gỗ đều giảm mạnh cả về giá trị và sản lượng. Tuy nhiên, khó khăn vĩ mô đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu và nằm trong dự báo của giới phân tích…

Tâm lý của NĐT đã xấu đi rất nhiều sau khi một loạt công ty bị Sở GDCK TP. HCM đưa vào diện kiểm soát: sau BBT, TRI đến lượt REE, VTA, BHS, VHG, vì phát sinh lợi nhuận âm. Trong phiên mở cửa ngày hôm qua (10/2), REE - vang bóng một thời là cổ phiếu đầu tiên xuống sàn và diễn biến đó không thay đổi cho đến khi thị trường đóng cửa. Đã có xấp xỉ một triệu cổ phiếu REE được đặt bán tháo trong phiên.  Bên cạnh đó, một số công ty lỗ trong 3 quý đầu năm nhưng vẫn chưa nộp báo cáo tài chính quý IV/2008. Mối quan tâm của khá nhiều NĐT hiện tại là danh sách các cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát còn có thể dài ra thêm! VN-Index lại trở nên mong manh vì cả các khó khăn về vi mô lẫn vĩ mô.

Thị trường vẫn đang tìm đáy

Nhận định về các yếu tố tác động đến TTCK Việt Nam tại thời điểm hiện tại, ông Ken Tai, chuyên gia của Tập đoàn Kim Eng đưa ra hai nhận định quan trọng.

Thứ nhất, so với mức đáy gần nhất 7.800 điểm, chỉ số Dow Jones vừa qua đã phục hồi tương đối khá, hơn 500 điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phục hồi tạm thời do kỳ vọng của NĐT vào gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ. Điều rất dễ nhận thấy là trong bối cảnh hiện tại, NĐT thường mua vào khi có nhiều tin đồn đoán - thị trường còn nhiều kỳ vọng và họ nhanh chóng chốt lời khi các thông tin xác thực. Tiêu biểu, TTCK Mỹ đã tăng lên trước và giảm điểm rất mạnh sau hàng loạt sự kiện: Thượng viện thông qua gói cứu trợ 700 tỷ USD (đầu tháng 10/2008); bầu cử Tổng thống Mỹ (đầu tháng 11/2008); Tổng thống mới lên nắm quyền (trung tuần tháng 1/2009). Diễn biến hiện tại cũng không là ngoại lệ.

Thứ hai, theo ông Ken Tai, yếu tố tỷ giá gợi nên nhiều suy nghĩ. Chỉ số USD/VND NDF 12 tháng đang giao dịch ở mức gần 20.000 đồng. Điều này có nghĩa, khá nhiều NĐT trên thị trường tiền tệ đang kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên 20.000 đồng vào tháng 2/2010. NĐT nước ngoài ngập ngừng khi quyết định đầu tư vào TTCK Việt Nam ở thời điểm này. Họ sẽ phải phải hoán đổi một khoản kỳ vọng gần 15% từ chênh lệch tỷ giá so với việc đầu tư vào TTCK ngay ở thời điểm hiện tại.

Khi VN-Index rơi xuống dưới 300 điểm, giá cổ phiếu đã được coi là rẻ hay chưa? Bộ phận phân tích CTCK VNDirect sử dụng số liệu của HSBC để nêu lên một vài sự so sánh. Khi VN-Index ở 300 - 310 điểm, TTCK Việt Nam có mức P/E 2008 là 9,2 - 9,5 lần. So sánh với lịch sử P/E của các thị trường khác: chỉ số S&P500 (Mỹ) có mức P/E bình quân thấp nhất lịch sử là 5 lần; chỉ số MSCI châu Á (trừ Nhật Bản) có mức P/E thấp nhất trong khủng hoảng 1997 là 10 lần và đã giảm xuống mức kỷ lục 7 lần vào tháng 10/2008. Như vậy, so với các mức thấp nhất trong lịch sử tại các TTCK khác, mức P/E hiện nay của VN-Index chưa phải là mức thấp kỷ lục.

Đồng thời, VNDirect đã tiến hành so sánh hệ số P/E của Việt Nam đầu năm 2009 với các thị trường trong khu vực. Hiện tại, TTCK Việt Nam có hệ số P/E ở mức 9 lần, thấp hơn mức trung bình của khu vực (hiện khoảng 11 lần). Cụ thể, Việt Nam cao hơn Thái Lan (7 lần), Indonesia (8 lần), nhưng thấp hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Philippine (khoảng 10 lần), Malaysia (12 lần) và Hồng Kông (gần 13 lần), Đài Loan (20 lần)… Tuy nhiên, hệ số thị giá/giá trị sổ sách (P/B) của TTCK Việt Nam là 1,56 lần, cao hơn mức trung bình của khu vực là 1,3 lần.

Phòng Phân tích nghiên cứu của Vietstock bình luận, diễn biến thị trường thời gian ngắn sắp tới có lẽ bắt nguồn từ quyết định "không bán giá thấp" của NĐT nhiều hơn là khả năng chủ động của bên mua. Hơn nữa, khi phần lớn NĐT mong đợi có sự đảo chiều ở một mốc cụ thể nào đó thì thông thường, động thái đón đầu có thể sẽ đến sớm hơn một vài phiên.

Ngọc Giang
Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục