Từ một tuần trước, những NĐT theo trường phái phân tích kỹ thuật đã cảnh báo thị trường đang tạo đáy khi thanh khoản thấp. Và đúng phiên giao dịch thứ Hai tuần này, thị trường đã bật tăng trở lại khi chạm mức kháng cự mạnh.
Tuy nhiên, các đồ thị kỹ thuật được vẽ ra không thể giải thích đầy đủ cho những phiên tăng hay giảm bất ngờ của thị trường. Phải là yếu tố thông tin. Đầu tuần này, thông tin về việc Ủy ban Chứng khoán sẽ áp dụng giao dịch T+3 vào cuối năm 2012 và T+2 vào đầu năm 2013, đồng thời xem xét nới lại biên độ giao dịch của 2 sàn được các NĐT đặc biệt quan tâm. Đây không phải là thông tin quá bất ngờ, nhưng được đưa ra đúng vào ngày mà thị trường chạm mức kháng cự, nên đã có tác động cộng hưởng. Chính vì thế, thanh khoản của thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần đã tăng lên đáng kể.
Nhưng thị trường đã không kéo dài được sự hứng khởi sang ngày hôm sau. Lý do trước tiên là sự nghi ngờ của chính những NĐT theo trường phái phân tích kỹ thuật. Trước đó, thị trường cũng đã có vài phiên tăng điểm với thanh khoản cải thiện và kỳ vọng VN-Index sẽ tăng đến 430 điểm. Rốt cuộc, thị trường lại đã sớm quay đầu giảm điểm. Mặt khác, dự đoán về việc tăng giá xăng tiếp tục được đưa ra sáng thứ Ba (7/8) cũng đã góp phần làm cho NĐT mất hào hứng với thị trường vào cuối giờ giao dịch buổi sáng.
Theo TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP. HCM, chưa có yếu tố nào có thể tạo sự đột biến trên TTCK. Chính phủ, ngân hàng muốn bơm tiền ra bằng cách giảm lãi suất, nhưng vấp phải vật cản là tổng cầu yếu. Chưa kể, một phần trong các khoản tín dụng mới là để đảo nợ.
Theo CTCK HSC (HCM), trong những tuần gần đây, cả thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp đều đã sôi động hơn, mà tăng trưởng tín dụng kém khiến các ngân hàng có tiền mặt dồi dào là nguyên nhân đầu tiên. Như vậy, trước mắt, hy vọng thị trường (cổ phiếu) phục hồi nhờ ngân hàng bơm được vốn cho doanh nghiệp một cách dồi dào khi lãi suất giảm là khó khả thi.
Một phiên tăng điểm mạnh với khối lượng giao dịch cải thiện làm tốn khá nhiều giấy mực của các CTCK trong việc tìm kiếm lý do, đánh giá cơ hội đầu tư. Nhưng rõ ràng, chưa có một lý do nào đủ mạnh để hậu thuẫn cho thị trường tăng điểm ở thời điểm này.
Nhìn vào diễn biến giá của các cổ phiếu. Các cổ phiếu lớn ở mức giá trung bình xét trên khía cạnh P/E đang ở mức từ 7 đến 10 lần. Các năm trước (không tính năm 2008 do khủng hoảng kinh tế), trong mỗi đợt biến động của thị trường, giá các cổ phiếu lớn có thể giảm về mức P/E 5 - 6 lần, trước khi thị trường tăng trở lại.
Các cổ phiếu của doanh nghiệp không được xếp vào hàng blue-chip thì vẫn được định giá ở mức rẻ với P/E từ 3 đến 5 lần, cộng với nhiều cổ phiếu nằm dưới mệnh giá. Tuy nhiên, tương lai của các doanh nghiệp này không ổn định và thanh khoản cổ phiếu thấp, nên không thu hút được NĐT lớn tham gia. Khoảng cách về giá xét trên góc độ định giá theo P/E giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường là khá xa.
Nhưng điều đó không có nghĩa là việc đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ sẽ mang lại tỷ lệ lợi nhuận lớn hơn đầu tư vào cổ phiếu lớn, một điều thường thấy sau mỗi đợt phục hồi của TTCK sau khi tạo đáy.
Nhiều NĐT cá nhân trước đây thường tìm kiếm những cổ phiếu thị giá nhỏ để gom mua, chờ bán ra khi thị trường phục hồi để đạt tỷ lệ lợi nhuận cao hơn so với trung bình thị trường, cao hơn so với tỷ lệ lợi nhuận ở các cổ phiếu lớn trong cùng thời gian. Nhưng trường phái đầu tư này hiện nay đã không còn. Ngày càng nhiều NĐT cá nhân chuyển hướng sang các cổ phiếu lớn như FPT, VNM, HPG, KDC… để tìm kiếm lợi nhuận với sự đảm bảo về thanh khoản, thay vì coi đây là các cổ phiếu “nặng” như trước.
Một phiên tăng điểm mạnh của thị trường hôm đầu tuần chưa thay đổi được xu thế, nhưng cũng đủ để NĐT cảm nhận thị trường vẫn còn cơ hội kiếm được tiền.