Thị trường đang “nóng” và có thể “nóng hơn” nếu...

(ĐTCK-online) VN-Index lần đầu tiên vượt qua mốc 600 điểm trong vòng hơn một năm qua. Trên thế giới, chỉ số DJIA của Mỹ vượt mốc 10.000 điểm, chỉ số chứng khoán Thượng Hải quay lại trên mức 3.000 điểm. Thị trường cổ phiếu toàn cầu đang tỏ ra lạc quan trong giai đoạn đón chờ báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Thị trường đang chờ đợi những bất ngờ có tính tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý III của các DN niêm yết - Ảnh: ĐTCK.

Những báo cáo kết quả kinh doanh khả quan: kết quả của các gói hỗ trợ kinh tế, lãi suất thấp và cắt giảm chi phí

Mặc cho nhiều chuyên gia trên thế giới, trong đó có những người đã phần nào dự đoán được đợt khủng hoảng tài chính vừa qua, tiếp tục lo ngại sự phục hồi của kinh tế thế giới sẽ không mạnh mẽ như kỳ vọng hồi phục theo hình chữ V, giá cổ phiếu trên nhiều TTCK vẫn có xu hướng tăng vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, khiến chỉ số chứng khoán phá vỡ những mốc số tròn quan trọng.

Điều đầu tiên cần nhận thấy là cả ở thị trường Việt Nam và quốc tế, nhiều nhà phân tích đánh giá rằng, lợi nhuận công bố được dự báo là khả quan và giá cổ phiếu đã phần nào phản ánh những thông tin đó từ trước. Tuy nhiên, các thị trường vẫn kỳ vọng những bất ngờ có tính tích cực. Thị trường Mỹ đang đón nhận những thông tin kinh doanh khả quan hơn dự đoán của Intel và JP Morgan, khiến kỳ vọng của NĐT vào triển vọng tương lai càng lạc quan và tiếp tục kích thích giá cổ phiếu tăng lên.

Về mặt cơ bản, kết quả lợi nhuận khả quan của các công ty ở Mỹ hay ở Việt Nam được hỗ trợ từ những gói kích thích kinh tế của chính phủ, một mức lãi suất thấp và từ hoạt động cắt giảm chi phí (trong đó có cắt giảm nhân sự). Điều này khiến các nhà kinh tế lo ngại, vì như vậy nghĩa là thành quả tăng lợi nhuận này đi kèm với một tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và một tâm lý tiết kiệm lớn hơn của người dân ở các nước phát triển (tại Mỹ và Anh, tỷ lệ tiết kiệm trên tổng thu nhập tăng lên). Tỷ lệ tiết kiệm nhiều hơn có thể khiến tỷ lệ tiêu dùng ở các nước này giảm xuống và do đó sẽ ảnh hưởng tới xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới.

Ở một khía cạnh khác, từ Trung Quốc tới Mỹ đều nổi lên lo ngại về mức thâm hụt ngân sách và yêu cầu phải siết chặt kiểm soát tín dụng. Điều này nghĩa là những gói kích thích kinh tế tiếp theo sẽ không dễ dàng được thông qua và tín dụng cho nền kinh tế sẽ bị giới hạn. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà kinh tế và những người trực tiếp tham gia vào việc hoạch định chính sách của các nước đều lo ngại rằng, xu thế hồi phục sẽ không thể là một hình chữ V và họ vẫn đề cập tới xu hướng hồi phục song đáy (double dip) hay hình chữ W.

Nói chung, sự lo ngại của giới chuyên gia kinh tế tập trung vào nhu cầu tiêu dùng sẽ khó tăng mạnh do xu thế tiết kiệm ngày càng tăng lên ở những nước giàu - những nhà nhập khẩu chính - và việc không tiếp tục có những gói kích thích kinh tế lớn nữa (vì nhiều nước hiện nay có mức thâm hụt ngân sách lớn và tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP đạt mức cao). Đó là chưa kể nỗi lo về lạm phát, tuy đang tạm lắng dịu, nhưng chỉ cần có manh nha về nguy cơ lạm phát thì các nước nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Một mức lãi suất không còn thấp có nghĩa là chi phí vay mượn của các công ty tăng lên.

 

Thị trường cổ phiếu: tăng nhờ dòng tiền, thanh khoản và đòn bẩy tài chính

Thông tin trên thị trường Mỹ và Anh cho thấy, giá cổ phiếu tăng mạnh nhờ vào xu hướng quay lại với các tài sản rủi ro của giới đầu tư, trong đó những người giàu có, các quỹ đầu tư đóng vai trò không nhỏ.

Xu thế thanh khoản quay lại thị trường Mỹ đã khá rõ ràng trong một vài tháng gần đây. Khi mà giá cổ phiếu tăng thì đồng USD giảm giá, chứng tỏ NĐT giải ngân nguồn tiền ra khỏi chỗ trú ẩn là USD để nhắm vào cổ phiếu. Có một giai đoạn trong năm trước, khi mà giá cổ phiếu Mỹ và nhiều thị trường khác giảm mạnh, thì đồng USD mạnh lên, chứng tỏ một lượng NĐT quốc tế đã tìm chỗ trú ẩn là USD. Năm nay, họ tiến hành giải ngân lượng tiền này vào cổ phiếu, thì đồng USD mất giá trở lại (điều này diễn ra vài tháng trước khi có những thông tin về việc sụt giảm vai trò đồng tiền quốc tế của USD hay thông tin về việc các nước Ả Rập xem xét định giá dầu bằng đồng tiền khác). Thanh khoản gia tăng, dòng tiền trở lại, tạo ra sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu và thu hút nhiều dòng tiền lớn quay lại với loại hình đầu tư này.

Bên cạnh đó, đòn bẩy tài chính được sử dụng nhiều trở lại nhằm gia tăng lợi nhuận. Xu hướng này thể hiện khá rõ ở Việt Nam. Đây là sự khác biệt đáng kể giữa nền tảng tăng giá cổ phiếu và thanh khoản của TTCK hiện nay với đợt tăng giá bắt đầu vào tháng 3.

Hiện tại, một lượng thanh khoản của thị trường đang được tạo ra nhờ nguồn đòn bẩy tài chính này. Điều này không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước khác với các hình thức khác nhau, vì giải pháp đòn bẩy tài chính không xa lạ ở những TTCK phát triển. Đòn bẩy tài chính có thể giúp thị trường tăng mạnh, nhưng nguy cơ là sự tháo chạy nhanh và làm mất thanh khoản bất ngờ trên thị trường. Đây chính là yếu tố rủi ro hơn của thị trường cổ phiếu hiện tại so với cách đây vài tháng.

 

Hy vọng vào người tiêu dùng và người cho vay

"Hy vọng dựa trên người tiêu dùng và cho vay" (hopes rest on spenders and lenders) - tên một bài báo đăng trên Financial Times, có lẽ là phù hợp nhất để hình dung thị trường vào lúc này. Chừng nào chưa có những tín hiệu rõ ràng về việc tiêu dùng sụt giảm, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tín dụng bị giới hạn, chi phí vay tăng lên, thì kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế của giới đầu tư sẽ vẫn lạc quan và thanh khoản thị trường vẫn được duy trì tốt, khiến dòng tiền tiếp tục ở lại với chứng khoán. Theo đó, giá cổ phiếu có thể duy trì xu thế tăng điểm.

Tuy nhiên, thị trường hiện tại vẫn sẽ phản ứng chủ yếu theo xu hướng kỹ thuật và các dự báo về khả năng hồi phục và triển vọng của doanh nghiệp. Nói cách khác, xu hướng hiện nay sẽ là đầu tư theo xu thế thị trường hơn là nhắm vào giá trị, bởi vì chỉ số P/E hoặc P/B của phần lớn cổ phiếu đều đã hoặc sẽ nâng lên ra khỏi khu vực được xem là thấp và hấp dẫn theo tiêu chuẩn đầu tư giá trị. Nhìn chung, các chỉ số kỹ thuật sẽ sớm đi vào trạng thái mua vào quá nhiều (overbought), nhưng kinh nghiệm các đợt tăng trước đây cho thấy, miễn là tâm lý thị trường còn lạc quan thì dù thị trường được các nhà phân tích trong và ngoài nước nhận định là "nóng", nó vẫn có thể "nóng hơn nữa".

Mặc dù vậy, thị trường hiện tại rủi ro hơn giai đoạn mới khôi phục khá nhiều và một lượng thanh khoản thị trường được duy trì nhờ đòn bẩy tài chính là điều cần lưu ý. Nếu không đảm bảo đòn bẩy tài chính được sử dụng ở mức có thể chấp nhận được, mà để nó đi quá xa, thị trường sẽ lại chứng kiến những đợt tăng nhanh và giảm còn nhanh hơn mà chúng ta đã từng thấy.

Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh tiến sỹ, Đại học Manchester, Anh
Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh tiến sỹ, Đại học Manchester, Anh

Tin cùng chuyên mục