Thị trường đang củng cố cho nhịp phục hồi trong ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều mã cổ phiếu đã chiết khấu sâu từ 30%-40% kể từ đỉnh cũng đã đủ hấp dẫn thu hút dòng tiền nhập cuộc.
Thị trường đang củng cố cho nhịp phục hồi trong ngắn hạn

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK VPBank cho rằng, các tín hiệu kỹ thuật đều cho thấy thị trường đã giảm sâu vào vùng quá bán và bật trở lại trong những phiên vừa qua. Chỉ số VN-Index cũng đã vượt lên trên trung bình động MA9, củng cố cho tín hiệu một vùng đáy trung hạn của thị trường có thể đã được xác nhận ở vùng đệm 1.000+/-20 điểm. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần thêm 2, 3 tuần đầu tháng 11 tích lũy và kiểm định sức cung - cầu để thu hút dòng tiền nhập cuộc.

Thị trường đã đi qua những biến động lớn trong tháng 10 và đã có 2 phiên khởi đầu tháng 11 khá hứng khởi. Điều này có đủ chỉ báo cho một nhịp hồi phục mới của thị trường không, theo ông?

Nhìn lại nhịp giảm tháng 10, diễn biến thị trường chịu áp lực từ khá nhiều yếu tố, từ quốc tế đến trong nước. Bên cạnh những yếu tố ngoại biên như việc lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ vượt đỉnh 5%, mức cao nhất từ 2007 trở lại đây, khiến cho thị trường chứng khoán trên thế giới phải lao đao. Bên cạnh đó, áp lực tăng mạnh của đồng USD tạo nên làn sóng rút vốn mạnh khỏi khu vực châu Á trước áp lực tỷ giá, cũng khiến dòng vốn ngoại bán ròng mạnh trên thị trường Việt Nam.

Trong nước, áp lực đến từ việc tỷ giá gia tăng, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa trên thị trường liên ngân hàng nhằm thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa VND-USD. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể nào.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK VPBank

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK VPBank

Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng mạnh nhất là những tuần gần đây khiến nhà đầu tư trong nước quay trở lại tâm lý thận trọng, thanh khoản giảm. Diễn biến bán mạnh các cổ phiếu “trụ cột” của VN-Index như nhóm VHM, VIC trước thông tin phát hành trái phiếu quốc tế, hay đà giảm mạnh của MSN, SAB… cũng ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến thị trường.

Sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp kết thúc vào 1/11 vừa qua, một số yếu tố rủi ro gây áp lực cho thị trường chứng khoán như lợi suất trái phiếu và đà tăng của USD đã dần hạ nhiệt. Điều đó có thể làm giảm bớt áp lực cho tỷ giá trong nước. Tuy nhiên, biến số về tỷ giá vẫn là yếu tố quan trọng trong thời điểm này, bởi theo quan sát của tôi trong nhiều năm qua, tỷ giá phải hạ nhiệt thì thị trường mới lên bền vững được.

Tôi cho rằng, áp lực từ các biến số vĩ mô như tỷ giá, lãi suất vẫn sẽ chi phối thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm. Trong bối cảnh Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thận trọng trong quá trình nâng lãi suất và duy trì nền lãi suất cao như hiện nay, thì áp lực tỷ giá vẫn là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, có thể kỳ vọng tỷ giá sẽ bình ổn trở lại vào cuối năm nay với các chính sách thu hút vốn FDI, thặng dư thương mại tăng, cùng với cách thức điều hành linh hoạt như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ được tỷ giá trong mức cho phép, đảm bảo sự cân bằng và phù hợp giữa các mục tiêu tại từng thời gian nhất định.

Có ý kiến cho rằng đáy ngắn hạn của thị trường đã được xác lập, còn đâu là quan điểm của ông?

Chỉ số VN-Index giảm khoảng 230 điểm từ vùng đỉnh tháng 9, tương ứng giảm khoảng hơn 18% cho thấy đây là một nhịp giảm mạnh nhất trong năm nay và chỉ thua hai sóng giảm lớn diễn ra trong 2022. So với một sóng giảm hiệu chỉnh thông thường từ 13%-15%, thì nhịp giảm vừa qua đã đủ cho một sóng giảm thậm chí đã có tín hiệu quá đà.

Nhìn về các tín hiệu kỹ thuật đều cho thấy đều đã giảm sâu vào vùng quá bán và bật trở lại trong những phiên vừa qua, chỉ số VN-Index cũng đã vượt lên trên trung bình động MA9 củng cố cho tín hiệu một vùng đáy trung hạn của thị trường có thể đã được xác nhận ở vùng đệm 1.000+/-20 điểm. Thị trường sẽ cần thêm 2, 3 tuần đầu tháng 11 tích lũy và kiểm định sức cung - cầu để thu hút dòng tiền nhập cuộc. Điều kiện đủ là thanh khoản cần phục hồi và tăng dần đều trong những phiên tới củng cố cho nhịp phục hồi trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, nhiều mã cổ phiếu đã chiết khấu sâu từ 30%-40% kể từ đỉnh cũng đã đủ hấp dẫn thu hút dòng tiền nhập cuộc. Bởi trong một nhịp chiết khấu sâu như vậy thì rủi ro cho việc mua mới hoặc cơ cấu danh mục đối với cổ phiếu đã giảm đáng kể.

Chỉ số VN-Index đã giảm hơn 18% kể từ vùng đỉnh tháng 9/2023, nhưng một số nhóm cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn. Sau nhịp giảm mạnh, các nhóm cổ phiếu đang có mức chiết khấu như trên sẽ được dòng tiền chú ý không, theo ông? Cụ thể đâu là nhóm cổ phiếu có khả năng bật lại từ áp lực “lò xo nén”?

Theo tôi, ở giai đoạn chỉ số tìm được điểm cân bằng hoặc khi chỉ số có tín hiệu phục hồi, nhóm cổ phiếu mang tính thị trường giảm sâu hoặc đã có mức chiếu khấu hấp dẫn sẽ được dòng tiền lựa chọn trước. Trong đó, thị trường sẽ tham gia mạnh ở hai nhóm chính: 1) Có mức giảm sâu từ 30%-40% so với đỉnh; 2) Thanh khoản cao (trung bình >1 triệu đơn vị/phiên); 3) Beta cao từ 1,3 – 1,5 lần trở lên.

Hiện tại, nhiều cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản, thép, bán lẻ đã giảm khoảng 30%-40% kể từ đỉnh trong khi nhóm ngân hàng giảm bình quân 15%-18%, do đó nhóm chứng khoán, bất động sản, thép, bán lẻ sẽ được lựa chọn để bắt đáy nhiều hơn. Theo thống kê, nhóm cổ phiếu chứng khoán là nhóm có mức sinh lời tốt nhất trong những lần chỉ số VN-Index tạo đáy trung và dài hạn.

Nhà đầu tư hiện tại cũng có thể xây dựng chiến lược cho riêng mình với 2 nhóm cổ phiếu chính: 1) Nhóm cổ phiếu đã giảm sâu trong nhịp điều chỉnh vừa qua như: chứng khoán, bất động sản, thép, đầu tư công… và 2) nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế đã qua đáy như: Ngân hàng, bán lẻ, hàng hóa cơ bản (dầu khí, phân bón,…), bất động sản khu công nghiệp…

Liên quan đến câu chuyện margin. Hiện dư nợ margin tại các CTCK đã ghi nhận giảm 15% - 20% so với mức đỉnh của tháng 9. Tuy nhiên, tỷ lệ margin/Tổng vốn hóa thị trường vẫn đang ở mức khá cao. Điều này có đáng ngại không, theo góc nhìn của ông?

Ước tính ở 50 công ty chứng khoán, dư nợ cho vay cuối tháng 9 vào khoảng hơn 156.000 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh vào quý I/2022 (184.000 tỷ đồng), dư nợ cuối tháng 9 thấp hơn 28.000 tỷ đồng. Ở một số công ty cho vay margin lượng lớn trên thị trường như SSI, VNDirect, Mirae Asset, TCBS, ACBS..., tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức thấp cho thấy room cho vay vẫn còn lớn vì ngưỡng quy định là 2,0 lần, rủi ro căng margin không có như một số giai đoạn thị trường bùng nổ trước đây.

Theo quan sát của tôi, thanh khoản xuống thấp trong tháng 10 xuất phát từ một lượng lớn tiền của các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức, tự doanh đã rút ra khỏi thị trường khi mà các nhóm này đã liên tục bán ra trong những nhịp tăng điểm trước. Với việc dòng tiền mang tính đầu cơ cao, dòng tiền lớn đã tạm thời rút khỏi thị trường khoảng gần 2 tháng nay.

Chúng ta có thể thấy thanh khoản của thị trường và thanh khoản các cổ phiếu mang tính đầu cơ điều chỉnh giảm khá nhiều. Trong ngắn hạn, theo tôi dòng tiền này sẽ chưa sớm quay lại thị trường nên chúng ta sẽ làm quen dần với thanh khoản duy trì ở mức trung bình thấp.

Hải Vân thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục