Vùng đáy ngắn hạn
Cảm giác trong các phiên giao dịch vừa qua là thị trường tăng điểm nhưng chưa thuyết phục, đó cũng là điều dễ hiểu khi một lượng tiền không nhỏ được nhận định đã bị rút ra. Do đó, Quỹ AFC đánh giá, giá trị giao dịch hiện tại xoay quanh 15.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE vẫn là tích cực, dù chỉ bằng một nửa trước đó.
Đích đến của dòng tiền trên thị trường hiện nay rất khắt khe, tập trung vào các cổ phiếu cơ bản, có định giá hấp dẫn, hạn chế chảy vào những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ.
AFC cho rằng, thị trường đang ở vùng đáy ngắn hạn. Quỹ này không đề cập đến điểm số tuyệt đối của VN-Index, mà chọn định nghĩa vùng đáy đến từ yếu tố định giá khi P/E hiện tại xoay quanh mức 13 lần, là mức hấp dẫn.
Trong khi đó, thông tin xấu gần như đã bão hòa, áp lực từ nợ vay giao dịch ký quỹ (margin) không còn cao khi dư nợ hiện giảm 30 - 40%, cơ quan quản lý tăng cường giám sát thị trường, lực mua và bán đang ở giai đoạn cuối của đợt “tranh chấp”, tâm lý sợ hãi vẫn còn nhưng tâm lý “tham lam” đã xuất hiện...
Khi đặt vị trí của mình vào bên bán, tâm lý bi quan có thể hòa cùng lực bán T+3 kéo chỉ số xuống dưới ngưỡng hỗ trợ. Khi đó, tâm lý bi quan và thận trọng sẽ bao trùm, tạo ra lực ép xuống mạnh hơn.
Đối với bên mua, việc tập trung giải ngân vào các cổ phiếu cơ bản có định giá hấp dẫn sẽ là một hàng thủ vững chắc dưới áp lực bán. Khi những yếu tố cơ bản “đối đầu” với kỹ thuật giao dịch, thị trường sẽ phân hóa và tâm lý giao dịch của nhà đầu tư dần ổn định.
Cục diện trận đấu chung kết bóng đá nam giữa Việt Nam và Thái Lan trong kỳ SEA Games 31 được so sánh như bên mua và bán trên sàn chứng khoán. Khi vượt qua được áp lực, thời cơ phản công sẽ tới và bàn thắng đến như là quả ngọt sau cả một quá trình. Trong khi đó, việc lựa chọn cổ phiếu tốt và nắm giữ ở thời điểm này có khả năng mang lại lợi nhuận khả quan.
Triển vọng dài hạn
Trong bản khuyến nghị gửi tới các nhà đầu tư của Công ty Chứng khoán Tân Việt mới đây có đề cập tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tích cực trong dài hạn.
Các chỉ báo vĩ mô ở Việt Nam duy trì ở mức ổn định, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mục tiêu 6,5% trong năm 2022. Nhiều ngành, lĩnh vực đang ghi nhận kết quả hoạt động tốt hơn những năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nổi bật là xuất nhập khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 242,19 tỷ USD, tăng 16,1%; xuất siêu ước tính đạt 2,53 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp nhìn chung tăng trưởng tốt. Trong đó, các doanh nghiệp phi tài chính ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 48,4%; các doanh nghiệp tài chính bao gồm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm có lợi nhuận ròng tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số P/E hiện tại của thị trường chung đang ở vùng định giá hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Đó là chưa kể, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi sẽ là động lực quan trọng của thị trường trong thời gian tới.
Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” do BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á công bố ngày 25/5/2025 nhận định, thị trường chứng khoán trong năm nay có các đợt điều chỉnh nhưng sẽ ổn định hơn, lành mạnh hơn. Dự báo, chỉ số VN-Index đến cuối năm ở kịch bản tích cực là 1.610 điểm (tăng 7,5%), ở kịch bản tiêu cực là 1.440 điểm (giảm 3,9%).