Thị trường chứng quyền dần sôi động trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị giao dịch thị trường chứng quyền có dấu hiệu hồi phục, đạt mức trên 20 tỷ đồng/ngày sau gần 1 năm, khi chỉ số VN30 quay trở lại trên 1.100 điểm. Tuy nhiên, hoạt động thị trường chứng quyền vẫn còn thấp so với mức đỉnh giữa năm 2021 với giá trị giao dịch trung bình 180-200 tỷ đồng/ngày.
SSI nằm trong Top đầu nhà phát hành cung ứng ra thị trường khối lượng chứng quyền lớn nhất. SSI nằm trong Top đầu nhà phát hành cung ứng ra thị trường khối lượng chứng quyền lớn nhất.

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, trong tháng 6/2023, trên sàn này có 50 mã chứng quyền có bảo đảm (Covered warrant - CW) mới được niêm yết và chính thức đưa vào giao dịch. Khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 19,47 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 24,9 tỷ đồng; tương ứng tăng 64,67% về khối lượng bình quân và tăng 149,41% về giá trị giao dịch bình quân so với tháng 5/2023.

Giá trị giao dịch thị trường chứng quyền và chỉ số VN30 2021-2023H1.

Giá trị giao dịch thị trường chứng quyền và chỉ số VN30 2021-2023H1.

Điểm đáng lưu ý, trong nửa đầu năm, nhiều công ty chứng khoán thành viên dường như đang có sự giảm tốc về số lượng CW mới ra thị trường. Nổi bật chỉ có Công ty Chứng khoán HSC vẫn duy trì được hoạt động phát hành và niêm yết chứng quyền. Theo đó, đơn vị này cũng có thị phần giao dịch chứng quyền khá lớn, khoảng 47% trong nửa đầu năm.

Trên thực tế, mỗi tổ chức phát hành sẽ có những chiến lược phát hành chứng quyền khác nhau. Tuy nhiên, việc các công ty chứng khoán giảm tốc việc phát hành chứng quyền trong nửa đầu năm 2023 có thể xuất phát từ một số yếu tố như thanh khoản, thời điểm thị trường và hạn mức phát hành.

Dựa trên mức độ quan tâm hiện tại của nhà đầu tư với những chứng quyền đang giao dịch trên thị trường, tổ chức phát hành sẽ cân nhắc có thực hiện phát hành chứng quyền mới ra thị trường hay không và nếu phát hành thì số lượng chừng nào cho phù hợp.

Khi phát hành chứng quyền, các tổ chức phát hành cũng cần mua cổ phiếu để phòng ngừa rủi ro. Do vậy, các công ty chứng khoán cũng cần cân nhắc thời điểm thị trường an toàn để phát hành, vừa giảm rủi ro khi thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro, vừa giảm rủi ro thua lỗ cho nhà đầu tư khi tham gia giao dịch.

Mỗi công ty chứng khoán có giới hạn về room phát hành, nếu sử dụng hết sẽ phải đợi tới khi chứng quyền của họ đáo hạn mới có thể phát hành mới.

Bên cạnh đó, nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư đối với chứng quyền suy giảm mạnh trong bối cảnh thị trường cơ sở không thuận lợi khiến quy mô giao dịch của thị trường chứng quyền giảm. Tuy nhiên, phòng ngừa rủi ro danh mục chứng quyền được thực hiện hiệu quả hơn, nên kết quả đạt được của hoạt động kinh doanh chứng quyền được cải thiện đáng kể.

Nhìn tổng quan sản phẩm chứng quyền đã phát triển sau khi ra mắt và dần được nhà đầu tư biết đến nhiều hơn. Trong 4 năm qua, mỗi năm thị trường có 8 - 10 công ty chứng khoán tham gia phát hành, với số mã chứng quyền cung ứng ra thị trường trung bình khoảng 200 mã/năm.

Số lượng chứng quyền niêm yết 2021-2023H1.

Số lượng chứng quyền niêm yết 2021-2023H1.

Theo ông Nguyễn Đức Thông - Giám đốc Giao dịch phái sinh, Công ty chứng khoán SSI, dựa trên số lượng mã chứng quyền phát hành, SSI là đơn nằm trong Top 4, nhưng xét trên quy mô phát hành, SSI nằm trong Top 2 nhà phát hành cung ứng ra thị trường khối lượng chứng quyền lớn nhất.

Về thanh khoản, thị trường chứng kiến sự biến động qua từng năm, tăng trưởng mạnh trong 2 năm đầu tiên. Thời điểm thị trường chứng khoán sôi động nhất vào năm 2021, giá trị giao dịch khớp lệnh của toàn bộ thị trường chứng quyền một phiên từng chạm ngưỡng 100 tỷ đồng. Sau đó, thanh khoản thị trường chứng quyền cũng sụt giảm cùng với đà giảm nói chung của thị trường chứng khoán năm 2022.

Xác suất đầu tư hiệu quả với sản phẩm chứng quyền giai đoạn thị trường bước vào chu kỳ tăng giá mới sẽ tăng lên, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng. Tuy nhiên, để đạt được mức lợi suất tối ưu, ông Thông cho rằng, nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm sau.

Thứ nhất, phân bổ tỷ trọng hợp lý vì nhà đầu tư có thể chịu rủi ro thua lỗ là toàn bộ vốn đầu tư. Nhà đầu tư nên xác định mức lỗ tối đa có thể chấp nhận, chỉ nên bỏ tối đa vốn ở mức này vào sản phẩm chứng quyền.

Thứ hai, nhà đầu tư cần xem thanh khoản của chứng quyền. Nếu thanh khoản chứng quyền ở mức cao sẽ giúp nhà đầu tư dễ giao dịch mua bán với khối lượng lớn, qua đó giúp tối ưu hóa được lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro.

Thứ ba là yếu tố cơ bản của cổ phiếu và giá trị thời gian của chứng quyền. Dù giao dịch ngắn hạn hay đầu tư dài hạn, nhà đầu tư cũng cần lựa chọn giao dịch chứng quyền trên những cổ phiếu đang được thị trường đặt nhiều kỳ vọng (dự án sắp triển khai, kết quả kinh doanh quý tới có đột biến…).

Vì chứng quyền là sản phẩm có vòng đời hữu hạn, nên nếu trong thời gian nắm giữ, chứng khoán cơ sở không tăng giá hoặc công ty niêm yết không có sự kiện để thị trường đặt kỳ vọng cao hơn, giá trị chứng quyền của nhà đầu tư sẽ hao mòn theo thời gian. Mức độ hao mòn tùy thuộc trạng thái chứng quyền (OTM, ATM hay ITM) và thời gian còn lại tới đáo hạn (xa hay gần).

Thứ tư, trường hợp nhà đầu tư muốn chọn nắm giữ chứng quyền tới đáo hạn hoặc nắm giữ qua đợt phát hành sơ cấp (IPO), nhà đầu tư nên lựa chọn chứng quyền đã ITM (giá thị trường cao hơn hẳn giá thực hiện) và chọn chứng quyền dựa trên chứng khoán cơ sở có nền tảng tốt và giá mục tiêu của cổ phiếu này cho giai đoạn nắm giữ ở mức hấp dẫn so với hiện tại.

Cuối cùng, nhà đầu tư dự định giao dịch sản phẩm chứng quyền trong dài hạn, nên dành thời gian tìm hiểu về các tham số liên quan tới sản phẩm, cách tính giá và quan sát đồng thời biến động của chứng khoán cơ sở và các chứng quyền tương ứng trong một thời gian để lựa chọn mã chứng quyền theo sát nhất với diễn biến chứng khoán cơ sở.

Mai Anh
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ