Thị trường chứng khoán Việt Nam “lạc dòng” và sự phi lý ở nhiều mã cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TTCK lại mất mốc 1.200 điểm kéo theo nhiều mã cổ phiếu đã rớt về giá trước thời điểm 1.000 điểm. VN-Index lạc điệu với nhiều thị trường chứng khoán khu vực châu Á, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tốt lên.
Thị trường chứng khoán Việt Nam “lạc dòng” và sự phi lý ở nhiều mã cổ phiếu

Hiệu ứng khuếch đại tâm lý

Thống kê của SGI Capital cho thấy, tính từ mức điểm thấp nhất vào giữa tháng 5 vừa qua, VN-Index đã giảm 24% chỉ sau 6 tuần, đưa Việt Nam vào top 3 TTCK giảm mạnh nhất thế giới trong 2022 chỉ sau Hungary và Nga.

Nếu nhìn sang các thị trường Đông Nam Á, “thành tích” đi lùi này còn đáng chú ý hơn khi TTCK Indonesia, Phillippines, Thái Lan vẫn duy trì xu hướng tăng dài hạn và chỉ điều chỉnh giảm 3-5% so với đỉnh.

Thị trường hồi phục lên 1.300 điểm vào tuần cuối tháng 5 đầu tháng 6 với rất nhiều nỗ lực “lấy lại niềm tin” của nhà đầu tư, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, 2 tuần giảm điểm gần đây đã thổi bay những những nỗ lực của 4 tuần trước đó.

Sự khốc liệt của thị trường thể hiện rõ ở việc có tới hàng trăm mã chứng khoán giảm 70-75% so với cuối tháng 3, thị giá nhiều cổ phiếu xuống thấp hơn mức giá hồi 2018, chỉ bằng gần một nửa giá trị sổ sách, thậm chí có những doanh nghiệp tiền mặt và tương đương tiền hiện gấp rưỡi, gấp đôi vốn hóa trên sàn.

Đợt giảm kỷ lục này là hiệu ứng cộng hưởng từ nhiều lý do cả trong và ngoài nước.

Dưới góc nhìn của Guru “đầu bạc” Đào Phúc Tường, trong nước áp lực lớn nhất là dòng tiền ngắn hạn rút mạnh khỏi thị trường do ảnh hưởng từ việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời với đó là các giải pháp xử lý hoạt động thao túng TTCK.

Những động thái trên lại rơi đúng vào đợt biến động lớn tại Mỹ, đỉnh điểm về lạm phát và tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

“Nhà đầu tư trong nước đọc tin tức hàng ngày, có xu hướng quan tâm quá lớn, quá nhiều về thị trường Mỹ”, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI nhận xét và nói thêm, bối cảnh kinh tế Mỹ và Việt Nam khác nhau, tương tự là nhiều nước châu Á khác.

Cụ thể, doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế Mỹ đã trải qua giai đoạn được bơm tiền rất lớn, dẫn đến lạm phát cao kỷ lục, kinh tế đã vào pha tăng trưởng cao hơn 1 năm mở cửa sau đại dịch, trong khi lạm phát ở Việt Nam và nhiều nước châu Á vẫn thấp dưới 3%, doanh nghiệp vừa gượng dậy sau đại dịch, gói kích cầu chưa ra đến nền kinh tế…

“Nút thắt thời điểm hiện nay có lẽ là giải ngân đầu tư công chậm và hạn mức tín dụng của các ngân hàng chưa được Ngân hàng Nhà nước giao thêm, tạo nên áp lực thiếu vốn cho nền kinh tế và làm chậm lại vòng quay của tiền trên thị trường tài sản”, Tổng giám đốc SGI nêu quan điểm.

Chuyên gia Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần dỡ bỏ cơ chế cấp room tín dụng và quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng. Cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng này chỉ nên là giải pháp tạm thời trong 1-2 năm nữa.

Trong thời gian sử dụng tạm thời, để các ngân hàng không bị gián đoạn hoạt động kinh doanh, NHNN xem xét cấp hạn mức theo từng tháng hoặc mở thêm hạn mức khi ngân hàng có nhu cầu thay cho việc gom lại một đợt rồi cấp thêm room như hiện nay.

Sự phi lý “ngược chiều”

Cuối năm 2021, trong một cuộc trao đổi với các nhà báo tài chính, khi đề cập đến việc tăng giá được cho là phi lý ở nhiều cổ phiếu penny, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Finn Group cho biết, do quy luật cung cầu, cổ phiếu định giá cao ngất ngưởng mà có dòng tiền vào vẫn tăng.

Nay giải thích cho sự phi lý trên TTCK Việt Nam khi VN-Index giảm hơn 11% trong 2 tuần gần nhất, nhiều cổ phiếu nằm sàn, giảm bất chấp trong khi nội tại doanh nghiệp vẫn rất tốt có lẽ chẳng có lý do nào khác vẫn là tâm lý và quy luật cung/cầu.

Nói về hoạt động doanh nghiệp, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc BCG cho biết, hiện nay các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn đang đi theo đúng các nội dung đã được thông qua tại ĐHĐCĐ. Quý II/2022, Tập đoàn kỳ vọng sẽ đạt được doanh thu và lợi nhuận như kế hoạch đề ra.

Việc siết chặt trái phiếu và tín dụng bất động sản không ảnh hưởng tới hoạt động của Công ty, bởi lãi suất là lãi suất cố định, chứ không phải lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản trọng điểm của tập đoàn đã được thu xếp nguồn từ trước để đảm bảo cho hoạt động phát triển. Dòng tiền để trả nợ sẽ chủ yếu đến từ nguồn doanh thu ghi nhận từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

BCG hiện có thế chân kiềng về nguồn thu

Ở mảng bất động sản, ông Tuấn chia sẻ, BCG có nhiều đại lý chiến lược rất hùng mạnh trên thị trường đồng hành cùng tập đoàn. Số lượng môi giới tham gia bán hàng lên đến hàng ngàn nhân sự, ngoài ra Tập đoàn còn hợp tác với các đại lý chuyên bán cho khách nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Khi thị trường thanh khoản kém cũng không thể nói là chúng tôi không bị ảnh hưởng tuy nhiên các dự án mà chúng tôi đang phát triển nằm ở những vị trí đắc địa, đông dân cư, sản phẩm phù hợp và giá thị trường có thể hấp thụ được và đã chứng minh qua từng giai đoạn bán hàng như giai đoạn 1 của King Crown Infinity năm 2021, 2 giai đoạn của Malibu Hội An và Hoian D'or vào năm 2019-2021".

Dự án King Crown Infinity đang nhận được phản hồi tích cực từ thị trường, các giỏ hàng đã được booking gần hết.

Dự án King Crown Infinity đang nhận được phản hồi tích cực từ thị trường, các giỏ hàng đã được booking gần hết.

Ở mảng điện, hiện BCG đang vận hành 550 MW điện mặt trời. Từ đầu năm 2022, tỷ lệ giảm công suất tại các nhà máy điện mặt trời rất thấp, trung bình chỉ khoảng 1% đến 2%, dòng tiền thu về ổn định.

Ở các hoạt động đầu tư, ông Tuấn cho biết, các hoạt động đầu tư tài chính được BCG xem xét một cách linh hoạt nhưng kỹ lưỡng để tạo nên dòng tiền nhanh cho tập đoàn khi cần thiết.

Nói về kế hoạch tăng vốn của Tập đoàn, ông Tuấn chia sẻ: “Việc phát hành tăng vốn không sử dụng cho mục đích trả nợ, mà sẽ được sử dụng cho việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, và các mảng kinh doanh trọng điểm nhiều tiềm năng khác như dịch vụ tài chính.

Bên cạnh việc phát hành ra công chúng, Tập đoàn còn tiếp cận nhiều kênh huy động vốn khác. BCG đã tiếp cận với các đối tác chiến lược để tìm kiếm cơ hội hợp tác ở nhiều cấp độ. Hiện nay, Tập đoàn đang trong quá trình thương thảo với một số đối tác tiềm năng về cơ hội đầu tư.

Trong trường hợp, tình hình thị trường chứng khoán không thuận lợi cho việc phát hành huy động vốn, thì dòng tiền hiện nay vẫn đủ để phát triển các dự án và hoạt động kinh doanh hiện nay, việc phát triển các dự án mới sẽ được cân đối với việc quản trị dòng tiền”.

Như vậy, các nhà máy điện của BCG vẫn hoạt động với công suất tốt, các dự án bất động sản bắt đầu được ghi nhận doanh thu vào nửa cuối năm nay, sẽ tạo dòng tiền ổn định cho tập đoàn. Không có việc tập đoàn bị “gãy” trong dòng tiền như một số cổ đông của BCG lo ngại khi quyết định bán cổ phiếu giá thấp.

Thị trường đang thử thách bản lĩnh nhà đầu tư, nhưng gió sẽ đổi chiều rất nhanh khi áp lực tâm lý được giải tỏa, khi chính sách vĩ mô được lắng nghe và ban hành kịp thời để Việt Nam không tự đánh mất cơ hội và không “lạc dòng” với khu vực.

Ông Lê Chí Phúc nhận định: “TTCK luôn đi trước các diễn biến kinh tế và có thể đang phản ánh những lo lắng về lạm phát và rủi ro thắt chặt tiền tệ ở mức độ cao nhất. Khi những tín hiệu của rủi ro lạm phát giảm bớt, dòng tiền sẽ quay trở lại”.

Nếu các nhà đầu tư vội vã rời bỏ cổ phiếu cơ bản tốt, có thể sẽ phải tiếc nuối trong một tương lai gần.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục