Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa "bong bóng"

(ĐTCK) Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư khi chứng khoán thăng hoa thời nào cũng vậy, nhưng nền tảng cho đà tăng ở mỗi giai đoạn mỗi khác.
Ảnh: Dũng Minh.

Quy mô thị trường lớn hơn, nền tảng ổn định hơn

Thị trường thời điểm hiện tại và giai đoạn 2006 - 2007 đang có một số điểm tương đồng, như các chỉ số, giá cổ phiếu và thanh khoản tăng mạnh. Những phiên điều chỉnh trong xu hướng tăng diễn ra nhanh với biên độ giảm điểm thấp.

Ngoài ra, lực cầu bắt đáy của nhà đầu tư trong nước vẫn luôn chiếm ưu thế ở những phiên rung lắc và điều chỉnh, qua đó đẩy VN-Index tiến sát tới vùng giá kỷ lục trên 1.243 điểm của năm 2018.

Diễn biến này đang xây dựng niềm tin cho lớp nhà đầu tư mới về việc “cứ mua là thắng” như giai đoạn thị trường cách đây hơn 10 năm.

Tuy nhiên, thị trường ở giai đoạn hiện tại và 2006 – 2007, theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) có một số khác biệt. Thứ nhất, về bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới, giai đoạn 2006 - 2007, thị trường chứng khoán thế giới tăng nóng trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn.

Dòng tiền nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam khi nước ta tham gia WTO giúp thị trường chứng khoán trong nước tăng mạnh.

Còn hiện tại, đà tăng diễn ra sau khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, mặt bằng lãi suất thấp đang hỗ trợ dòng tiền vào thị trường.

Vĩ mô hiện tại cũng ổn định hơn nhiều giai đoạn trước, nhờ cung tiền M2 thấp, lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối dồi dào và các động lực tăng trưởng ổn định ngay cả khi bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Thứ hai là các yếu tố nội tại thị trường. Quy mô thị trường (về vốn hóa, thanh khoản, số tài khoản nhà đầu tư) giai đoạn 2006 - 2007 ở mức thấp, cung - cầu chênh lệch lớn khi dòng tiền đổ vào thị trường đẩy mức P/E lên đến 45 lần. Hiện tại, do quy mô thị trường lớn nên mức P/E khó đẩy lên quá 20 - 25 lần, do nhà đầu tư có nhiều lựa chọn với các cổ phiếu khác nhau.

Về kết quả kinh doanh, các công ty niêm yết có cơ hội cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh trong năm 2021 (dự báo tăng 28% lợi nhuận sau thuế trên HOSE) sau khi nền kinh tế đã lập đáy và hồi phục trở lại. Trong khi đó, kết quả kinh doanh giai đoạn 2006 – 2007 của các doanh gần như đạt đỉnh và không còn tăng trưởng ngắn hạn.

Về kết cấu thị trường, hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức, quỹ ETF chiếm khoảng 30% NAV toàn thị trường so với tỷ lệ chiếm đa số của nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn trước.

Về sản phẩm thị trường so với giai đoạn trước, nhà đầu tư đã có công cụ giao dịch margin, các sản phẩm phái sinh - điều này đang cải thiện sức mua và thanh khoản so với trước.

Thứ ba, các yếu tố ảnh hưởng tâm lý và dòng tiền. Việt Nam đang thực hiện nhiều cải cách về luật và các quy định nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán trong một vài năm tới. Điều này mang lại lợi ích cho thị trường về các sản phẩm mới có thể xuất hiện trong năm 2021 như T+0, bán chứng khoán chờ về, các sản phẩm phái sinh với cổ phiếu.

Cùng với những khác biệt có lợi thế về dòng tiền đầu cơ đang có sự tương đồng giữa hai thời điểm, đầu tư sử dụng ký quỹ, hoạt động tham gia và rút vốn linh hoạt của các quỹ ETFs sẽ là yếu tố khiến cho biến động của thị trường phức tạp hơn khi dòng tiền đảo chiều sau một chu kỳ tăng mạnh.

Ông Lu Hui Hung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Phú Hưng (PHFM) cho rằng, dòng vốn rẻ chảy mạnh vào thị trường nhiều chưa từng thấy trong lịch sử, giúp duy trì đà phục hồi nhất quán của thị trường từ tháng 4/2020 đến nay.

Dù vậy, định giá thị trường hiện vẫn duy trì ở mức hấp dẫn khi P/E dự phóng chỉ 13 lần nhờ lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang trên đà phục hồi, mà trong đó nhóm ngành ngân hàng đã chi phối đến 45 - 50%.

Cho đến khi dòng tiền rẻ đảo ngược, thì thị trường chứng khoán còn tiếp tục được hỗ trợ, giúp kỳ vọng vượt đỉnh thời đại 1.200 điểm của VN-Index trở nên khả thi hơn.

Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại, dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng về cơ bản vẫn có nhiều điểm khác biệt so với sóng tăng 2007.

Thứ nhất, xét về định giá, mức P/E hiện tại của thị trường dù không phải là rẻ nhưng chưa đến mức quá đáng lo ngại như thời điểm 2007, trong bối cảnh tiềm năng phục hồi vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hậu Covid-19 trong năm 2021 là tương đối sáng sủa.

Thứ hai, nếu động lực tăng trưởng chính của thị trường giai đoạn 2007 đến từ làn sóng IPO các doanh nghiệp nhà nước lớn (VCB, BVH…), Việt Nam gia nhập WTO, bên cạnh một số chính sách tiền tệ và vĩ mô hỗ trợ (nhưng thiếu ổn định), thì đà tăng của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế thấp kỷ lục (nhờ các chính sách mở rộng tài khóa và tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ), trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt, vĩ mô ổn định.

Sau cùng, biến động thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại cũng mang tính ổn định hơn, quy mô thị trường tăng mạnh với sự tham gia nhiều hơn của các quỹ đầu tư lớn, giúp dòng tiền đầu cơ ít mang tính chi phối hơn so với giai đoạn trước.

Về tổng thể, dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhịp tăng nóng, định giá lên vùng không còn thực sự hấp dẫn, tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hiện tượng bong bóng như giai đoạn năm 2007.

Đỉnh ở phía trước

Nhìn lại giai đoạn thị trường 2006 - 2007, dù thị trường tăng điểm mạnh trong khoảng thời gian ngắn hơn nhưng thanh khoản thấp hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.

Trong khi sóng chứng khoán năm nay không tăng quá sốc nhưng diễn ra liên tục và gây bất ngờ với nhà đầu tư nhiều hơn. Điểm khác lớn nữa trong năm nay đó chính là giá trị giao dịch toàn thị trường đã tăng rất mạnh.

Quy mô vốn hóa, số lượng các doanh nghiệp niêm yết lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn 2007 và kể cả năm 2018.

Chỉ tính trong tháng 12/2020, giá trị giao dịch đạt 286.270 tỷ đồng, tăng 59,85% so với tháng trước đó. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.440 tỷ đồng, tăng 45,95% so với tháng trước.

Bước sang những phiên đầu năm 2021, thanh khoản của thị trường tiếp tục được duy trì ở mức cao kỷ lục. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán trong năm 2021 là chủ đạo cho dù có những vùng điều chỉnh ngắn hạn. Trong quý I/2021, VN-Index có thể tiến đến khu vực 1.200 – 1.280 điểm.

Lạc quan hơn, ông Lu Hui Hung dự báo, chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng 1.400 điểm (tương đương mức P/E 20 lần). Dòng vốn ngoại cũng được kỳ vọng sẽ quay trở lại trong năm 2021 khi Việt Nam dự kiến sẽ nắm giữ tỷ trọng lớn nhất (28,76%) trong rổ MSCI Frontier Market 100 Index và cơ hội nâng hạng thị trường mới nổi đang rất gần.

“Tôi cho rằng, NHNN sẽ không thắt chặt tín dụng trong giai đoạn phục hồi này, thế nên các nhà đầu tư nên giữ chặt chứng khoán của mình, đừng để bị lung lay và văng khỏi đà tăng của thị trường” ông Lu chia sẻ.

Tâm lý nhà đầu tư đang tốt lên, nhưng rủi ro là có

Ông Nguyễn Hồng Nhân, Nhà đầu tư tại TP.HCM từng nhận giải nhà đầu tư tháng của Công ty Chứng khoán KB

Giai đoạn này thị trường ngày nào cũng tăng điểm, nhiều mã chứng khoán tăng không rõ lý do. Có điểm giống với giai đoạn 2006-2007 là đều có sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư mới, gọi là nhà đầu tư F0. Tuy nhiên, năm 2007 – 2008, thị trường còn sơ khai, hàng hóa còn ít, tiền vào thị trường nhiều quá khiến hàng hóa trên thị trường tức cổ phiếu nào cũng tăng. Nhà đầu tư F0 khi đó còn rất ngơ ngác với thị trường. Còn bây giờ, hàng hóa rất nhiều và nhà đầu tư F0 hiểu biết hơn cả về phân tích cơ bản cũng như phân tích kỹ thuật cũng như kiến thức về kinh tế vĩ mô mọi người đều biết cả.

Phải thừa nhận các gói hỗ trợ kinh tế đang phát huy tác dụng, tâm lý nhà đầu tư trong nước đang tốt lên nhưng rủi ro là có. Sự khác biệt lớn nhất ở thời điểm này hệ thống giao dịch của sàn có vấn đề. Thời gian qua tôi thấy lệnh mua nhiều hơn lệnh bán. Tôi không biết vận hành của công ty chứng khoán và sở giao dịch như thế nào nhưng nếu một ngày thị trường đảo ngược, toàn lệnh bán vào thị trường thì cũng sợ.

Với người chơi lâu năm như tôi thì giai đoạn này chỉ giải ngân 30 - 50% giá trị tài khoản và không chơi margin. Một vài cổ phiếu tôi thấy đã tăng quá cao so với định giá.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục