Thị trường chứng khoán Việt Nam, 10 năm nhìn lại

Vậy là TTCK Việt nam đã tròn 10 tuổi! 10 năm so với lịch sử tồn tại vài ba trăm năm của TTCK thế giới thì chẳng là bao, nhưng 10 năm tuổi so với khoảng thời gian tồn tại của một đời người thì không phải là ngắn.
Ông Hồ Công Hưởng Ông Hồ Công Hưởng

Đó là một khoảng thời gian đủ để một cậu bé vừa cất tiếng khóc chào đời có thể tập đi, tập chạy rồi sải những bước chân vững vàng trong chặng đường phía trước. Đó cũng là khoảng thời gian để cậu bé có thể mở mắt nhìn, nghe, cảm nhận rồi mở rộng dần tầm nhận thức về thế giới bên ngoài. Với tôi, dù TTCK Việt Nam đã 10 năm tuổi nhưng những ký ức về thị trường trong buổi đầu chập chững ấy vẫn còn khắc ghi đậm nét.

Phần 1: Những kỷ niệm khó quên thủa ban đầu

Khoảng tháng 6/1999, khi đang là Trưởng Phòng Kế hoạch phát triển, tiền thân của Ban Kế hoạch phát triển Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày nay, tôi được chị Phùng Thị Vân Anh, Chủ tịch HĐQT và anh Trịnh Ngọc Hồ, Tổng giám đốc BIDV gọi lên để trao đổi về khả năng tham gia ngay từ đầu và vai trò của BIDV trên TTCK Việt Nam; trao đổi về kế hoạch điều động tôi về Ban trù bị thành lập công ty chứng khoán (CTCK). Sau này tôi được biết, lý do của sự lựa chọn này là trong số gần 6.000 cán bộ nhân viên của toàn hệ thống BIDV vào thời điểm đó, tôi là một trong số ít cán bộ nghiên cứu chứng khoán từ rất sớm, ít ra là từ năm 1992.

Thú thực, lý do của việc lựa chọn lĩnh vực chứng khoán để nghiên cứu (sau này là nghề và nghiệp chứng khoán) của tôi cũng khá ngẫu nhiên. Ngày ấy, từ những năm 80, tôi đã đặt mục tiêu bảo vệ luận án Phó tiến sỹ trong chặng đường học tập của mình. Mãi đến năm 1992, tôi chính thức nộp hồ sơ đăng ký học các chứng chỉ tối thiểu tại Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Để nắm chắc khả năng bảo vệ thành công luận án, tôi quyết định chọn lĩnh vực chứng khoán để nghiên cứu.

Thực vậy, với yêu cầu khá khắc khe của một luận án khoa học (dĩ nhiên, một luận án nghiêm túc) là phải tìm ra một các gì mới, mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn Việt Nam . Vào thời điểm đó, còn đề tài nào thích hợp hơn đề tài về chứng khoán và TTCK?

Thật không may, con đường nghiên cứu, học tập của tôi cũng không phải là con đường bằng phẳng! Trong lúc đang chuẩn bị hoàn thành các công trình nghiên cứu còn thiếu, khoảng giữa năm 1995, tôi được Khoa Sau đại học thông báo, Chính phủ sắp có chủ trương bãi bỏ hệ đào tạo Phó tiến sỹ nên các nghiên cứu sinh như tôi phải chờ có văn bản hướng dẫn mới mới được xem xét bảo vệ!

Đó quả thật là một tin buồn, khá buồn nhưng vẫn không làm tôi nản chí; tôi quyết tâm tiếp tục nghiên cứu về chứng khoán để mở rộng thêm kiến thức và chờ cơ hội bằng cách đặt mua và tìm bất cứ tài tiệu nào có liên quan đến chứng khoán để đọc. Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực tham gia các khóa hội thảo về TTCK do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy; khóa học nào không thể tham dự được vì điều kiện công tác thì tôi tìm và sao chụp đầy đủ tài liệu để tự nghiên cứu.

Ngày nay, đọc lại các tài liệu từ các dự án hỗ trợ kỹ thuật thành lập TTCK Việt Nam do chuyên gia nước ngoài thực hiện, theo tôi, hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Hàn Quốc là quan trọng nhất và đáng ghi nhận nhất bởi tính khoa học, tính đầy đủ, tính thực tiễn và tính khả thi của dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng cơ hội cũng đến với tôi. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học Ngân hàng một số chỉ tiêu để đào tạo văn bằng Tiến sỹ theo hệ mới. Nắm bắt cơ hôi này, tôi lại tiếp tục thi vào Viện và trở thành một trong những nghiên cứu sinh đầu tiên của Viện. Và lĩnh vực chứng khoán lại vẫn là lĩnh vực tôi quan tâm theo đuổi.

Một chút vài dòng về con đường học hành nghiên cứu chứng khoán của tôi cũng chỉ cốt để nói lên một sự thật rằng, mặc dù lượng kiến thức về chứng khoán và TTCK mà tôi thu thập được qua chặng đường nghiên cứu không phải là ít, nhưng quả thực, nhiệm vụ mà Ban lãnh đạo BIDV giao cho tôi và Ban trù bị thành lập CTCK quả là hết sức nặng nề và đầy khó khăn, thách thức: (1) Làm đầu mối xây dựng đề án hoạt động, quy trình hoạt động cho Ngân hàng chỉ định thanh toán; (2) Xây dựng đề án hoạt động, quy trình nghiệp vụ cho tất cả các dịch vụ của CTCK BSC; (3) Tư vấn đăng ký, định giá và niêm yết trái phiếu BIDV trên TTCK Việt Nam.

Khó khăn thứ nhất là phần lớn các tài liệu học tập về chứng khoán được viết bằng tiếng Anh. Mà tiếng Anh trong lĩnh vực chứng khoán thì đầy rẫy các thuật ngữ chuyên môn (long, short, position,…) lẫn các từ ngữ đầy hình ảnh ẩn dụ (bull, bear, píg, chicken, whipsaw, haircut…) nên quả là thật “khó nuốt, khó tiêu hóa”. Nếu không có kiến thức chuyên ngành, nếu không có các từ điển tốt, nếu không đủ đam mê để kiên nhẫn tra cứu thì không thể nào biết tác giả muốn nói gì chứ chưa nói đến việc dịch thuật, diễn giải cho mọi người cùng hiểu.

Qua 10 năm cọ sát với thị trường, tiếng Việt trong lĩnh vực chứng khoán cũng đã có một bước tiếng rõ rệt trong việc Việt hóa những thuật ngữ tương đương của tiếng Anh nhưng cho đến nay, vẫn còn có rất nhiều thuật ngữ mà đến nay tiếng Việt chưa có khả năng lột tả hết được!

Khó khăn thứ hai là yêu cầu khắt khe của Ban lãnh đạo BIDV vào thời điểm đó: phải xây dựng tất cả các quy trình hoạt động cho CTCK, kể cả quy trình thanh toán tiền của CTCK trong mối quan hệ với Ngân hàng chỉ định.

Mọi người đều biết, xét về mặt logic, quy trình chỉ có thể xây dựng và khái quát nên từ các tình huống, các nghiệp vụ phát sinh trong các hoạt động thực tiễn. Nói một cách khác, quy trình là cái có sau, thực tiễn phải là cái đi trước. Vì vậy, xây dựng quy trình trong điều kiện chưa biết hệ thống giao dịch và thanh toán của thị trường sẽ hoạt động ra sao, dựa trên mô hình nào,…quả thực là nhiệm vụ không đơn giản chút nào!

Khó khăn thứ ba, khó khăn bao trùm nhất, vẫn là tình trạng thiếu kinh nghiệm, thiếu thực tiễn. May mắn thay, vào đầu năm 2000, anh Bùi Nguyên Hoàn, lúc bấy giờ là Vụ trưởng, Trưởng Văn phòng đại diện của SSC tại TP. HCM đã liên hệ được 3 chỉ tiêu nghiên cứu tại CTCK Phoenix (Hồng Kông) thông qua sự giới thiệu của Raymond C.P. Chiang, Giáo sư Trường Đại học Hồng Kông. Điều kiện tham dự khóa học: phải là lãnh đạo CTCK và phải giao tiếp được bằng tiếng Anh. Lúc bấy giờ, tôi, nguyên Giám đốc CTCK BSC cùng anh Đặng Giao, nguyên Giám đốc CTCK Thăng Long (đã mất) và anh Phạm Ngọc Long, nguyên Giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam đã có vinh dự được cử đi tham dự khóa học này trong thời gian một tháng.

Từng đã được “cưỡi ngựa xem hoa” TTCK ở nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, và sau này ở Úc (2003), Trung Quốc (2003), Mỹ (2005), cả ba chúng tôi rất thích thú khi được tham dự khóa học này vì nó cực kỳ bổ ích! Khác với những khóa học ở nước ngoài mà chúng tôi từng tham dự, trong giờ giao dịch, chúng tôi được bố trí vào học việc với các cán bộ môi giới; kết thúc giờ giao dịch, chúng tôi được lãnh đạo Công ty giảng giải rất kỹ về mô hình tổ chức và hoạt động của CTCK, về các dịch vụ tư vấn, dịch vụ tài trợ chứng khoán…. Nhờ thâm nhập thực tế tại Phoenix, với tôi, những mảng kiến thức lý thuyết về chứng khoán và TTCK tưởng chừng như rời rạc trước đây nay đã được chắp nối và liên kết với nhau một cách chặt chẽ, sinh động. Và mọi vấn đề khúc mắc trước đây dường như đã được giải quyết một cách cơ bản!

Trở về nước từ Hồng Kông, tôi cùng các cộng sự trong Ban trù bị bắt tay vào hoàn thiện các quy trình có liên quan do Ban lãnh đạo BIDV giao. Và đến nay, BIDV vẫn là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tham gia vào TTCK với đầy đủ ba vai trò: Ngân hàng chỉ định thanh toán đầu tiên và duy nhất thực hiện dịch vụ thanh toán các giao dịch chứng khoán; ngân hàng đầu tiên thành lập CTCK; ngân hàng đầu tiên phát hành và niêm yết trái phiếu trên TTCK Việt Nam. 

Về ngân hàng thanh toán, ngay từ đầu, cũng đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng của BIDV trong việc thực thi vai trò này. Tuy nhiên thực tế chứng minh, 10 năm qua, BIDV đã đảm đương tốt vai trò ngân hàng thanh toán trên TTCK.

Vai trò tích cực của BIDV không chỉ dừng lại ở đấy. Trong thời kỳ đầu, do chỉ có hai mã cổ phiếu niêm yết là REE của CTCP Cơ điện lạnh và SAM của CTCP Cáp và vật liệu viễn thông, và sau này bổ sung thêm HAP của CTCP Hapaco và TMS của CTCP Kho vận giao nhận ngoại thương (04/08/2000), để tạo thêm sự phong phú cho chủng loại hàng hóa, theo sự gợi ý của lãnh đạo SSC, Ban lãnh đạo BIDV quyết định đăng ký và niêm yết trái phiếu BIDV có kỳ hạn 5 năm trên thị trường.

Khi nhận nhiệm vụ tư vấn cho BIDV thực hiện niêm yết trái phiếu, khó khăn mà BSC gặp phải không nằm ở thủ tục niêm yết mà nằm ở kỹ thuật định giá trái phiếu. Thực vậy, trái phiếu BID1_100 mà BIDV niêm yết thời điểm đó là loại trái phiếu lai tạp giữa trái phiếu chiết khấu (discount bond) và trái phiếu có lãi suất thả nổi (floating - rate bond). Với các đặc tính riêng có ở Việt Nam như vậy, việc định giá chúng hoàn toàn không dễ dàng vì trái phiếu có các thuộc tính như vậy không hề có công thức trong các giáo trình tài chính hiện đại, kể cả trong giáo trình đầu tư, tài chính công ty hiện đại của nước ngoài, các giáo trình đào tạo MBA chuyên ngành tài chính của Mỹ. May sao, bài toán định giá trái phiếu lai tạp này đã được giải quyết một cách khá thuyết phục bằng mô hình chiết khấu hai lần do chính tôi tìm được và vận dụng từ các tài liệu giảng dạy của các giáo sư Hàn Quốc. Công thức định giá được SSC chấp thuận và BIDV đã xác lập được kỷ lục là ngân hàng đầu tiên niêm yết trái phiếu trên TTCK Việt Nam .

BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên thành lập CTCK. Ngày nay, mọi người đều biết CTCK Bảo Việt (BVSC) được xem là CTCK đầu tiên của Việt Nam, nhưng có một thực tế ít ai biết rằng, vào thời điểm đó, việc chuẩn bị thành lập BSC cũng được chuẩn bị rất bài bản, gấp rút. Hồ sơ thành lập BSC cũng đã sớm được đệ trình cho SSC nhưng vì một số lý do, BSC nhận giấy phép số hai! 

Ngày nay, khi quy mô giao dịch của TTCK Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, với gần 600 cổ phiếu niêm yết, hơn 100 CTCK, thật khó có thể hình dung TTCK Việt Nam ngày nay lại bắt đầu từ một mô hình thử nghiệm hết sức giản đơn đến khó tin: 1+1+2+2 (1 Trung tâm GDCK kiêm cả chức năng đăng ký và thanh toán bù trừ chứng khoán (HSTC), 1 ngân hàng thanh toán (BIDV), 2 cổ phiếu (REE và SAM), 2 CTCK (BVSC và BSC). 

Thế nhưng thật thú vị, trái ngược với không khí trầm lắng của thị trường trái phiếu, ngay từ phiên giao dịch đầu tiên diễn ra vào ngày 28/07/2000, thị trường cổ phiếu đã là tiêu điểm thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng đầu tư. Mặc dù cho đến thời điểm khai trương chỉ có một số lượng nhỏ của 2 loại cổ phiếu niêm yết là SAM và REE nhưng tại các sàn giao dịch của 2 CTCK, lệnh đặt mua cổ phiếu REE và SAM vẫn liên tục được nhập vào hệ thống giao dịch. Với tổng khối lượng đặt mua cho 2 loại cổ phiếu này là 355.000 cổ phiếu trong khi số lượng chòa bán chỉ giới hạn ở con số 4.200 cổ phiếu, phiên giao dịch đầu tiên đã diễn ra suôn sẻ nhưng kết thúc với tổng giá trị giao dịch quá khiêm tốn: 70,4 triệu đồng.

Trong bối cảnh nguồn cung chứng khoán quá khan hiếm, và có lẽ còn do ảnh hưởng của tin đồn rằng giá chứng khoán sẽ lên gấp 10 lần và hàng nghìn người đã xếp hàng tại sân vận động để chờ mua cổ phiếu như TTCK Trung Quốc dạo mới khai trương, trong những ngày đầu thị trường mở cửa, rất nhiều nhà đầu tư đã đến sàn giao dịch của BSC từ trước 5 giờ sáng để chờ đặt lệnh mặc dù giờ giao dịch chính thức của BSC là 7g30 phút. Đến chờ trước 5 giờ sáng nhưng không mua được, nhiều nhà đầu tư đã đẩy giờ chờ đợi lên sớm hơn nữa và tự làm “giám sát viên” cho BSC để xác nhận ai là người thực sự đến trước. Kỷ lục được ghi nhận tại sàn giao dịch của BSC về sự kiên trì chờ đợi của nhà đầu tư là 2 giờ sáng trong những ngày có phiên giao dịch.

Trong thực tế, do sản phẩm của TTCK thời đó quá ít, cái gọi là “thị phần môi giới” của CTCK này so với CTCK khác là tốc độ gõ lệnh của các đại diện giao dịch tại sàn. Mặt khác, thị phần cao của các CTCK trong một chừng mực nào đó cũng phản ánh chính sách ưu tiên của công ty cho những nhà đầu tư lớn (cá nhà đầu tư đặt lệnh lô lớn 9.900 cổ phiếu, theo quy định trước đây). Kết cục là thị trường mất dần đi tính khách quan, công bằng, tính đại chúng, gây bất bình cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Để tranh các tranh chấp không cần thiết và cũng để tránh tình trạng xếp hàng chờ đợi, BSC đã tổ chức bốc thăm để xác định thứ tự ưu tiên lệnh được nhập vào hệ thống. Và đó cũng là nguồn gốc sản sinh phần mềm xổ số điện toán để xác định trật tự ưu tiên cho các nhà đầu tư tại BSC.

Phần 2: Những dấu mốc đáng nhớ

T.S Hồ Công Hưởng, Giám đốc CTCK Hoàng Gia, nguyên Giám đốc CTCK BSC
T.S Hồ Công Hưởng, Giám đốc CTCK Hoàng Gia, nguyên Giám đốc CTCK BSC

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,250.46 1.83 0.15% 233,085 tỷ
HNX 234.52 1.56 0.66% 2,523 tỷ
UPCOM 91.57 0.47 0.51% 880 tỷ