Thị trường chứng khoán và tiến trình hội nhập

(ĐTCK-online) Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực Đông Nam Á, với khoảng 8,4% năm 2007. Hệ số tín nhiệm quốc gia do các tổ chức định giá thế giới đưa ra hiện nay là Ba3 và sẽ tiếp tục được cải thiện trong tương lai. Việt Nam còn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, dần hoàn thiện và hướng tới thông lệ quốc tế.
Năm 2007, TTCK Việt Nam phát triển vượt bậc và trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới. Năm 2007, TTCK Việt Nam phát triển vượt bậc và trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới.

Trong hai năm qua, tiến độ CPH các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được đẩy mạnh hơn nhiều lần - cả về lượng và chất - so với giai đoạn trước. Nếu như trước đây, hầu như chỉ tiến hành CPH những công ty nhỏ, thì trong năm qua, các DN có quy mô rất lớn, các tổng công ty/tập đoàn có giá trị hàng đầu Việt Nam đã và đang thực hiện CPH. Đây chính là cơ hội đầu tư, là sức hút thực sự đối với NĐTNN. 

Trong thời gian gần đây, TTCK Việt Nam đã bùng nổ và trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới. Trong năm 2007, TTCK Việt Nam đã huy động được 90.000 tỷ đồng cho các DN, bao gồm cả hoạt động phát hành, đấu giá trên thị trường chính thức. Tính đến ngày 14/12/2007, mức vốn hoá toàn thị trường chiếm 39,4% GDP.

Việc gia nhập WTO và lộ trình mở cửa TTCK cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tạo điều kiện cho nhà đầu tư (NĐT) được hưởng các lợi ích đáng kể từ giá cả cạnh tranh đến chất lượng dịch vụ. Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện và công ty liên doanh với đối tác trong nước, trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49%. Sau 5 năm kể từ khi gia nhập, sẽ cho phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài và các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài cũng sẽ được thành lập chi nhánh.

Việc mở cửa thị trường cho NĐT có tổ chức nước ngoài như các quỹ đầu tư, các công ty quản lý quỹ sẽ mang lại các công cụ đầu tư tập thể mới. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán của các nước phát triển có thể mang đến các sản phẩm chứng khoán mới như sản phẩm phái sinh, bao gồm hợp đồng tương lai và quyền chọn và các hàng hoá đa dạng khác, cho phép NĐT có được sự lựa chọn đầu tư khác nhau trên TTCK. Bên cạnh đó, số lượng các thành viên trên TTCK sẽ tăng đáng kể với sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài. Điều này sẽ tạo nên một hệ thống các nhà trung gian thị trường lớn mạnh. Với sự tham gia của họ thông qua liên doanh, TTCK trong nước sẽ có được lợi ích về kiến thức và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, sự cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài sẽ là áp lực khiến các nhà cung cấp dịch vụ trong nước nâng cao năng lực hoạt động.

Tuy nhiên, đồng xu luôn có hai mặt. Việc gia nhập WTO cũng mang lại sự cạnh tranh khốc liệt, có thể dẫn đến mất thị phần, phá sản của các CTCK trong nước và làn sóng sáp nhập, thâu tóm của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài. Hiện tượng đang diễn ra trên TTCK Việt Nam là NĐT cá thể trong nước chỉ theo các NĐTNN để mua và bán cổ phiếu. Do thiếu kinh nghiệm và chuyên môn, họ hầu như không có chiến lược kinh doanh và hành động theo bầy đàn. Các NĐTNN chuyên nghiệp hơn có thể lợi dụng điều này và thao túng TTCK, đặt NĐT trong nước vào vị thế những người theo đuôi và chịu rủi ro.   

Gia nhập WTO cũng mang lại những thách thức đối với việc giám sát thị trường, với sự tham gia của các thành viên mới, công cụ kinh doanh mới, kỹ năng kinh doanh mới. Hệ thống giám sát thị trường phải được củng cố và đủ tinh xảo để xử lý các tình huống xảy ra như hành vi thao túng thị trường, lạm dụng thị trường, lừa đảo quốc tế và rửa tiền. 

Các dòng vốn quốc tế có thể mang theo rủi ro và gây ra những tác động tiêu cực về vĩ mô và cơ cấu tổ chức, đặc biệt là những dòng vốn ngắn hạn được sử dụng với mục đích đầu cơ có thể dễ dàng có tác động ngược chiều nếu mục đích hoặc sự kỳ vọng thay đổi. Mặt khác, nó cũng có thể gây ra hiện tượng bong bóng giá trên TTCK. Về mặt kinh tế vĩ mô, dòng vốn chảy vào quá lớn và quá nhanh mà nền kinh tế không thể thẩm thấu một cách hiệu quả có thể gây ra sức ép đối với đồng nội tệ, tác động tiêu cực đến cạnh tranh xuất khẩu và dẫn đến áp lực lạm phát. 

Việc kết nối với thị trường quốc tế sẽ làm cho thị trường trong nước trở nên nhạy cảm hơn với những cú sốc bên ngoài. Khủng hoảng TTCK tại một nước trong khu vực có thể dễ dàng tác động đến thị trường hầu hết quốc gia khác. Các NĐTNN không có sự tham gia sâu vào nền kinh tế trong nước có thể dễ dàng rút vốn đầu tư với khối lượng lớn, gây ra hiệu ứng đô-mi-nô, có thể dẫn nền kinh tế đến tình trạng khủng hoảng như cơn bão tài chính/tiền tệ từng xảy ra vào năm 1997 tại Đông Nam Á.

Niêm yết trên thị trường nước ngoài là một việc còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN). Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập về thị trường vốn, nhiều DNVN đã bày tỏ mong muốn ra niêm yết tại thị trường nước ngoài để tiếp cận với các nguồn đầu tư mới cũng như quảng bá hình ảnh. Hiện nay, UBCK cùng với các thành viên của Diễn đàn Thị trường vốn châu Á (ACMF) phối hợp thực hiện việc hài hoà hoá khuôn khổ pháp lý và thực hành trên thị trường đối với niêm yết chéo, thiết lập các quỹ tương hỗ công ty có thể giao dịch tự do trong khu vực, liên kết các Sở GDCK... Luật Chứng khoán ra đời đã tạo ra khung pháp lý cho DNVN niêm yết ở TTCK nước ngoài, UBCK đã có hướng dẫn cụ thể dựa trên Điều 6 và Mục 2 Chương III, Nghị định 14. DN ra niêm yết ở thị trường nước ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại và tuân thủ các điều kiện niêm yết của Sở Giao dịch mà họ niêm yết. Khi nộp hồ sơ niêm yết tại Sở GDCK nước ngoài, DN phải đồng thời nộp cho UBCK bản sao hồ sơ niêm yết. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được chấp thuận niêm yết, DN phải gửi cho UBCK bản sao giấy chấp thuận niêm yết và công bố thông tin về việc niêm yết.

Việc hội nhập với nền kinh tế thế giới và việc ra niêm yết ở nước ngoài là một cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Trước khi quyết định ra niêm yết ở nước ngoài, điều quan trọng là phải tìm hiểu về thị trường đó về điều kiện niêm yết, các luật lệ phải tuân thủ trong quá trình niêm yết, khả năng tiếp cận với các NĐTNN, sự hiểu biết của thị trường đó đối với DNVN. Quan trọng nhất là, các DN phải xác định được mục tiêu cụ thể và định hướng rõ ràng khi thực hiện niêm yết ở thị trường vốn nước ngoài. Tìm được nguồn vốn là rất quan trọng, nhưng các DN cần luôn tâm niệm: duy trì và không ngừng nâng cao hình ảnh của mình trong mắt NĐT quốc tế.

Chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam tầm nhìn 2010-2020 đặt ra mục tiêu tăng trưởng rất cao và chúng ta sẽ phải cần đến một lượng vốn khá lớn. Niêm yết tại thị trường nước ngoài sẽ là cơ hội tiếp cận các nguồn vốn này. Trong thời gian tới, khung pháp lý cho việc chào bán chứng khoán ra nước ngoài của các công ty trong nước và của các tổ chức phát hành nước ngoài sẽ được giải quyết nhằm tạo cơ hội cho NĐT và DN tiếp cận với thị trường quốc tế. Nhưng để vươn ra bên ngoài, bản thân DN phải tăng cường hiệu quả hoạt động, tăng cường quản trị công ty một cách minh bạch. DNVN đủ tiềm lực và có cơ hội để tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, vấn đề còn lại chỉ là thời gian nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong giai đoạn 2008 - 2010, các công ty lớn của Việt Nam sẽ có mặt tại các Sở Giao dịch quốc tế.

Nguyễn Ngọc Cảnh Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Nguyễn Ngọc Cảnh Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tin cùng chuyên mục