Kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ
Tháng 5 vừa qua là tháng đặc biệt đánh dấu giai đoạn tăng điểm mạnh khởi đầu từ mốc hỗ trợ 705 điểm trước khi giao dịch quanh vùng 715 - 720 điểm và bùng nổ vượt đỉnh không thể ấn tượng hơn với thanh khoản tăng vọt (chỉ số VN-Index đã tăng hơn 10 điểm, vượt ngưỡng 745 điểm với giá trị giao dịch hơn 5.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 22/5). Diễn biến thị trường hết sức tích cực khi các kỷ lục đã liên tiếp bị phá vỡ.
Chỉ số VN-Index lần đầu tiên trong vòng 9 năm vượt lên đỉnh cao mới khi thành công vượt ngưỡng kháng cự mạnh 732,2 điểm và tiếp tục vươn tới ngưỡng kháng cự 745 - 750 điểm. Bên cạnh đó, khối lượng cổ phiếu tích lũy - dòng tiền tham gia vào thị trường rất lớn, đồng thời có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Điều đáng nói là kể từ sau thời kỳ khủng hoảng năm 2008 đến nay, thị trường chứng khoán đã vượt qua giai đoạn vùng đáy 2010 - 2012 và đang vận động theo xu hướng tăng mạnh với nhiều kỷ lục bị xô đổ xét trên các tiêu chí vốn hóa thị trường, số lượng các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán và cả các phiên giao dịch bùng nổ với giá trị giao dịch trung bình trên 2 sàn giao dịch khoảng 5.000 tỷ đồng, thậm chí lên tới 6.000, 7.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Các phiên giao dịch kể trên cùng đà tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu blue chips là một trong những yếu tố quan trọng đã nâng đỡ chỉ số VN-Index lên các tầm cao mới.
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Các chỉ báo vĩ mô vẫn đang phản ánh nền kinh tế Việt Nam ở trong tình trạng cải thiện tốt. Tăng trưởng GDP ổn định (5,8%/5 tháng đầu năm), lạm phát được kiểm soát, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang tăng trưởng gần như tốt nhất khu vực ASEAN, vượt qua cả Thái Lan và hiện tiệm cận ở mức 55.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất, số lượng đơn hàng mới gia tăng mạnh so với thời điểm tháng 5/2015. Chưa kể đến số liệu tăng trưởng tín dụng tăng vọt gần 6% so với cuối năm 2016.
Mặt khác, ở kỳ xem xét lại danh mục mới đây của iShares MSCI Frontier 100 Index - tỷ trọng rổ cổ phiếu Việt Nam được tăng từ 8,01% lên 12,63%.
Bên cạnh 6 cổ phiếu đủ tiêu chuẩn thì 9 cổ phiếu mới được thêm vào rổ là SSI, ROS, HSG, TCH, KBC, NVL, DPM, PVS và SAB. Đây có thể coi là tin hỗ trợ giúp cải thiện chỉ số niềm tin nhà đầu tư và là yếu tố ủng hộ đà tăng điểm của thị trường chứng khoán nói chung.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh sắp khai mở có thể coi là bước đột phá mới, mở toang cánh cửa, phá bỏ rào cản tâm lý, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa các kênh đầu tư.
Điều này cũng thu hút không ít các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán, trong đó có các tổ chức, cá nhân nước ngoài quan tâm đến sản phẩm phái sinh, giúp gia tăng thanh khoản toàn thị trường.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê, nhà đầu tư ngoại đã và đang gom mua các cổ phiếu trên 2 sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam với tần suất khá ổn định, tính từ đầu năm đến nay.
Trong đó, đáng chú ý, khối lượng gia tăng mạnh ở tuần 3 tháng 5 (đặc biệt là phiên ngày 22/5 với giá trị gần 500 tỷ đồng), dòng tiền giải ngân tập trung chủ yếu vào các blue chips lớn như VNM, ROS, PLX, SAB, KBC…
Tổng cộng giá trị mua ròng của các nhà đầu tư ngoại tính từ đầu năm đến nay đã vào khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tiền đầu cơ luân chuyển nhanh, chớp cơ hội theo "sóng" không dễ
Hiện tại, chỉ số VN-Index đang gặp thử thách tiếp cận vùng kháng cự 750 điểm, tương ứng thang fibo 127,2% và diễn biến điều chỉnh biên độ hẹp có thể diễn ra trong một thời gian, rất có thể sẽ sớm quay đầu lấp khoảng trống mà nó đã tạo ra ở vùng 730 - 732 điểm.
Do đó, mặc dù lạc quan với diễn biến thị trường trong năm nay nhưng nhiều khả năng, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn cổ phiếu để có lãi do dòng tiền đầu cơ chuyển dịch nhanh giữa các nhóm ngành.
Bên cạnh đó, diễn biến phân hóa cổ phiếu vẫn tiếp tục diễn ra. Một số cổ phiếu blue chips luân phiên tăng điểm đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường, nhường đà tăng mạnh cho các cổ phiếu vốn hóa vừa (mid cap), vốn hóa nhỏ (smallcap) và cổ phiếu đầu cơ truyền thống bởi biên độ dao động chỉ số VN-Index trong tháng 6 nhiều khả năng sẽ không lớn.
Đi sâu vào vận động các nhóm ngành theo vốn hóa trụ đỡ thị trường hiện nay, nhóm cổ phiếu lớn thuộc VN30 vẫn đang có diễn biến tăng giá tích cực. Ưu thế tăng điểm vượt trội trong nhóm đang phản ánh việc chỉ số VN-Index tăng điểm nhờ các trụ đỡ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 nằm trong các nhóm ngành.
Nếu chia nhỏ các nhóm ngành theo % vốn hóa, có thể quan sát thấy nhóm ngành chủ chốt đang ở trạng thái tích cực nâng đỡ thị trường hiện nay gồm nhóm ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, bất động sản, điện, nước và xăng dầu khí đốt. Đây cũng là các nhóm sẽ đóng vai trò hỗ trợ thị trường chứng khoán trong tháng 6.
Ở chiều ngược lại, những nhóm ngành hiện đang là rào cản kìm hãm đà tăng của chỉ số bao gồm nhóm tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu, hóa chất, hàng và dịch vụ công nghiệp…
Một điều mà nhà đầu tư quan tâm là trong trường hợp chỉ số VN-Index điều chỉnh và hồi phục, nhóm ngành nào sẽ trở thành điểm đến tiềm năng thu hút dòng tiền?
Quan sát sự vận động của cổ phiếu trong các nhóm ngành về trạng thái và lực cầu mua, có thể thấy dòng cổ phiếu ngân hàng, dịch vụ tài chính, thực phẩm và đồ uống, điện nước và xăng dầu khí đốt, y tế… vẫn sẽ là tâm điểm chú ý của dòng tiền. Diễn biến phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 6.
Trong trường hợp thị trường điều chỉnh quay lại vùng 730 - 733 điểm, bên cạnh việc các nhóm ngành kể trên thu hút nguồn tiền tích cực, nhiều khả năng dòng tiền sẽ chuyển dần sang các nhóm ngành đang theo chiều hướng đi lên như: hàng và dịch vụ công nghiệp, xây dựng và vật liệu, hóa chất, tài nguyên cơ bản.
Chiến lược giao dịch
Qua số liệu và các phân tích thống kê vừa nêu, tháng 6 vẫn sẽ là tháng thuận lợi cho đầu tư chứng khoán dưới góc độ giao dịch ngắn hạn lẫn đầu tư trung hạn.
Diễn biến điều chỉnh ngắn của chỉ số VN-Index quanh biên độ hẹp 730 - 750 điểm cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cơ cấu danh mục, chuyển dòng vốn từ các cổ phiếu yếu sang cổ phiếu mạnh.
Nếu tính toán đến các tiêu chí cơ bản, quá trình tích lũy và tăng giá, thanh khoản…, các cổ phiếu như NKG, DHG, KDC, VCS, HSG, KBC… là những cái tên đáng lưu ý.