Doanh nghiệp tư nhân ngày một lớn mạnh
Tính tới ngày 17/7/2020, thị trường có 30 cổ phiếu có vốn hóa vượt mức 1 tỷ USD, tổng vốn hóa 30 mã lớn nhất sàn là 2.783.505,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây đều là cổ phiếu niêm yết sau này, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của tư nhân và nhà nước.
30 mã cổ phiếu có mức vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Trong nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa vượt mức tỷ USD, có 13 mã cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với vốn hóa 1.168.593,24 tỷ đồng, chiếm 41,98% tổng vốn hóa của cả nhóm.
Trong đó, phải kể tới nhóm cổ phiếu họ VIN của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam). Cụ thể, Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã VIC) có vốn hóa 308.815,91 tỷ đồng, CTCP Vinhomes (mã VHM) vốn hóa 260.200,55 tỷ đồng và CTCP Vincom Retail (mã VRE) vốn hóa 60.216,44 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup tiền thân là phát triển bất động sản với thương hiệu chủ lực là Vinhomes, nhưng thời gian gần đây phát triển thêm mảng công nghiệp với thương hiệu VinFast chuyên về sản xuất ô tô, xe máy…, hay VinSmart với sản phẩm chính là điện thoại thông minh.
Tiếp đó là nhóm cổ phiếu liên quan tới tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán) đóng góp 2 mã cổ phiếu.
Cụ thể, CTCP Hàng Không VietJet (mã VJC) vốn hóa 56.574,57 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (mã HDB) vốn hóa 25.741,8 tỷ đồng. VJC hiện là hãng hàng không tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, còn HDB là ngân hàng tư nhân có quy mô trên thị trường.
Cổ phiếu của tỷ phú Trần Đình Long (người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán) với đóng góp của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vốn hóa 76.343,7 tỷ đồng. HPG được biết đến là doanh nghiệp sản xuất thép quy mô hàng đầu tại Việt Nam
Nhóm cổ phiếu của ông Hồ Hùng Anh (người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán) và ông Nguyễn Đăng Quang (người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán) đóng góp 3 cổ phiếu, lần lượt là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (mã TCB) vốn hóa 71.052,84 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) vốn hóa 66.162,37 tỷ đồng, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (mã MCH) vốn hóa 50.687,6 tỷ đồng… Trên thị trường, TCB được xem là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất, còn MSN và MCH nằm trong nhóm dẫn đầu lĩnh vực tiêu dùng.
Nhìn chung, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, nhóm doanh nghiệp tư nhân đưa cổ phiếu lên sàn không những góp phần tăng vốn hoá thị trường mà còn thực hiện được việc huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức, cũng như khoản vay dễ dàng hơn so với các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Doanh nghiệp có vốn nhà nước còn nhiều tiềm năng khai thác
Nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 17/30 mã cổ phiếu, đạt mức vốn hóa 1.614.912,41 tỷ đồng, chiếm 58,02% tổng vốn hóa của cả nhóm, trong đó nhiều doanh nghiệp đã dần chuyển giao từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân như CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM) với vốn hóa 199.910,16 tỷ đồng, Tổng CTCP Bia - Rược - Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB) vốn hóa 128.256,24 tỷ đồng.
Vinamilk là điển hình của doanh nghiệp thành công sau cổ phần hóa, doanh nghiệp hoạt động trong ngành sữa và chiếm thị phần lớn nhất ngành sữa Việt Nam. Tên tuổi Vinamilk gắn liền với bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.
Những doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển giao, thoái dần vốn của Nhà nước như Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã GAS) vốn hóa 143.354,86 tỷ đồng, Tổng công ty Cảng Hàng Không Việt Nam - CTCP (mã ACV) vốn hóa 128.096,78 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (mã VGI) vốn hóa 87.263,02 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX) vốn hóa 55.949,73 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR) vốn hóa 47.600 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP (mã BCM) vốn hóa 27.480,29 tỷ đồng…
Trong tương lai không xa, với việc Nhà nước vẫn đẩy mạnh hơn nữa chủ trương thực hiện cổ phần hóa và niêm yết lên sàn chứng khoán, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hóa vượt ngưỡng tỷ USD.
Điều này vùa giúp thị trường cải thiện chất lượng hàng hóa, vừa giúp nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thêm sự chọn lựa trong quyết định đầu tư.
Nhóm ngân hàng dẫn đầu về quy mô vốn hóa, đạt 795.245,11 tỷ đồng
Xét theo ngành nghề, lĩnh vực ngân hàng góp 8 doanh nghiệp, chiếm 26,7% trong tổng số 30 mã có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Trong đó, lần lượt là VCB vốn hóa lớn thứ 2, BID thứ 5, CTG thứ 9, TCB thứ 12, VPB thứ 19, MBB thứ 22, ACB thứ 23 và HDB thứ 29.
Như vậy, mức vốn hóa của 8 ngân hàng đạt 795.245,11 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng vốn hóa của cả nhóm.
Tiếp đến là lĩnh vực bất động sản với 5, trong đó VIC có vốn hóa lớn nhất, VHM thứ 3, NVL thứ 14, VRE thứ 15 và BCM thứ 28. Mức vốn hóa 5 mã bất động sản này là 406.507,98 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng vốn hoá của cả nhóm.
Nhóm tiêu dùng có 4 mã, trong đó VNM vốn hóa đứng thứ 4, SAB thứ 7, MSN thứ 13 và MCH thứ 20. Như vậy, mức vốn hóa của nhóm này là 311.678,83 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng vốn hoá của cả nhóm.
Ngoài ra, cũng phải kể tới đóng góp của nhiều ngành, lĩnh vực khác với nhiều doanh nghiệp đầu ngành như dầu khí là GAS; hàng không là ACV, VJC, HVN; vật liệu xây dựng là HPG; viễn thông là VGI; bán lẻ xăng dầu là PLX; cao su là GVR; công nghệ là FPT; bảo hiểm là BVH; sản xuất điện là POW…
Như vậy, có thể thấy, với tỷ trọng lớn, lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm và tiêu dùng là những chi phối thị trường chứng khoán. Điều này phản ánh khá tương đồng so với quy mô nền kinh tế Việt Nam.