Trong khi đó, chỉ số vẫn xanh, tiếp cận các ngưỡng kháng cự nhờ sự “hỗ trợ” của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chính điều đó đã khiến cho nhiều NĐT đang đứng ngoài không thể xác định được có nên tham gia vào hay không.
Họ sợ mua vào có thể sẽ hứng chịu nhịp điều chỉnh mạnh khi chỉ số VN-Index tiếp cận ngưỡng này. Đó cũng là lý do vì sao thị trường vẫn chưa thể thực sự tạo ra một sức mạnh bứt phá.
Tuy nhiên, có một số tín hiệu vẫn cho thấy rằng, chỉ cần một cú kích hoạt mạnh và đồng loạt thì thị trường có thể sẽ tạo ra một xung nhịp mới. Điều này không mới mà nó lặp lại khá nhiều tuần gần đây khi có một cổ phiếu đầu cơ nào đó phá vỡ xu thế.
Chỉ cần như vậy, lập tức thị trường có tín hiệu và một vài cổ phiếu khác sẽ kích hoạt dòng tiền. Điều đó được thể hiện rất rõ khi cổ phiếu PVX có cú bứt phá mạnh và nó đã kích hoạt dòng tiền đến với nhiều cổ phiếu khác như: FIT, FLC, PTK...
Thị trường thực sự đang có một lượng tiền rất lớn đứng ngoài nhưng chưa thể tham gia, và nếu những yếu tố có tính hỗ trợ mạnh hơn xuất hiện thì thị trường nhiều khả năng sẽ bứt phá. Đáng tiếc, trong cả giai đoạn tháng 6 vừa qua, những nhịp như vậy chỉ duy trì được một vài phiên và nó không liền mạch, khiến cho dòng tiền vì thế cũng nhanh chóng đứt quãng.
Thực ra, có được kết quả khả quan và thị trường giữ vững được nhịp là nhờ vào lực mua khá tốt của khối ngoại. Tính đến thời điểm hiện tại, khối này đã mua ròng trên sàn HOSE lên đến hơn 1.400 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, khối này đã bán ra rất mạnh với hơn 1.800 tỷ đồng. Đây là một sự khác biệt rất lớn, nhưng cũng dễ hiểu bởi các quỹ ETF hiện nay vẫn đang hút được khá nhiều tiền.
Có lẽ việc TTCK Mỹ tăng liên tục, vượt các đỉnh cao khiến cho NĐT bên đó lo ngại và chuyển hướng sang các thị trường mới nổi hoặc cận biên. Sự kiện Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) với sự hiện diện của nhiều chuyên gia có tiếng, đặc biệt là TS. Marc Faber cũng sẽ khiến NĐT bên đó có cái nhìn tích cực hơn với TTCK Việt Nam. Và biết đâu, chu kỳ của các quỹ này đã thay đổi, họ sẽ không còn rút ròng tiền vào giai đoạn tháng 6 - 8 như các năm nữa.
Vì thế, một tháng 7 sẽ vô cùng khó lường bởi rất nhiều yếu tố, từ khối ngoại, từ tâm lý, từ sự kiện biển Đông cho đến các ngưỡng kháng cự.
VN-Index
5 phiên giảm điểm tuần trước đó đã được 5 phiên tăng điểm liên tiếp tuần qua bù đắp và một lần nữa, VN-Index tiến rất sát mốc 580 điểm.
Thông thường, thị trường sẽ xảy ra break-out khi vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh này, nhưng có thể lần này chưa chắc điều đó đã xảy ra. Có nghĩa là thị trường không cần quá tốn lực để có thể vẫn bứt qua và tiến đến ngưỡng kháng cự tiếp theo là vùng 600 điểm.
Tuy nhiên, khi không có cú break-out thì những bước tăng giá tới đây sẽ khá khó lường và vẫn tiếp tục chịu áp lực bán. NĐT vẫn sẽ thực hiện chiến lược “tăng là bán”, tạo ra áp lực nhất định đến đà tăng của chỉ số.
Chúng tôi vẫn kỳ vọng vào một lực cầu mạnh, giúp chỉ số bứt phá qua ngưỡng này, có nghĩa nó sẽ hấp thụ hết lực cung tại vùng giá hiện tại và đẩy giá cổ phiếu lên một ngưỡng mới. Nếu điều đó xảy ra, sức tăng của thị trường sẽ mạnh mẽ hơn và dễ nhìn hơn. Bằng không, mọi thứ sẽ lại trở về với những gì đã diễn ra trong tháng 6.
HNX-Index
Nhóm cổ phiếu dầu khí như PGS, PVS... đã giúp chỉ số này có bước tiến nhẹ. Nhưng đôi khi, sự “phá bĩnh” của cổ phiếu vốn hóa lớn là ACB cũng kìm hãm chỉ số này chậm tiếp cận ngưỡng 80 điểm.
Phải nói rằng, tuần qua, những cổ phiếu ngành dầu khí đã có cú bứt tốc khá tốt, trong khi nhiều cổ phiếu khác chưa theo được nhịp này. Do đó, khả năng tăng mạnh qua mốc 80 điểm vẫn còn rất lớn. Chỉ số này sẽ bứt phá theo nếu chỉ số VN-Index tạo hiệu ứng bằng những cổ phiếu đậm chất đầu cơ như SHB, SCR, VCG...
Tháng 7 vẫn luôn là tháng khó lường, và với điều kiện thị trường như hiện tại, khó kỳ vọng vào một nhịp tăng tốc mạnh. Có lẽ, kỳ vọng hợp lý của NĐT là tìm kiếm những cổ phiếu được dự báo có kế quả kinh doanh quý II thuận lợi với mức tăng tốt. Những cổ phiếu như: FPT, SSI, HCM, VND, CII, HPG, DRC, PET, MBB, IMP, MSN, PGS, RAL... sẽ là những cổ phiếu có được điều này.