Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ra đời sớm hơn thông lệ

(ĐTCK) Trong khi các nước trong khu vực thường mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh sau khoảng 30 năm kể từ ngày mở cửa thị trường chứng khoán cơ sở, thì tại Việt Nam, thời gian đã được rút ngắn chỉ sau hơn 17 năm.
Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ra đời sớm hơn thông lệ

Đánh giá trên được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam diễn ra sáng nay (10/8).

Tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng cho biết, trong quá trình phát triển của TTCK nói chung, sự ra đời của TTCK phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển TTCK trong thời gian tới.

Theo đó, ngay từ năm 2007, Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định chủ trương xây dựng TTCK phái sinh vận hành theo các thông lệ quốc tế.

Trong suốt từ thời gian đó tới nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán nhà nước nghiên cứu, xây dựng thể chế để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo thông lệ quốc tế tốt nhất.

Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam và Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh được ban hành năm 2015. 

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ra đời sớm hơn thông lệ ảnh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ 

Như vậy, chỉ hơn 17 năm sau khi có thị trường chứng khoán cơ sở, TTCK phái sinh đã chính thức ra đời.

"Đây là một sự kiện quan trọng, một mốc son trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư", Phó Thủ tướng nhận định.

Cũng tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh, TTCK phái sinh ra đời sẽ có tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của TTCK cơ sở, qua đó sẽ làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hỗ trợ TTCK phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục