Thị trường chứng khoán OTC: Giao dịch chờ tin

(ĐTCK) Mặc dù gần như đóng băng, nhưng TTCK tự do (OTC) vẫn có những chuyển động đáng chú ý. Khác với lo ngại của nhiều người khi hướng dẫn thu thuế thu nhập cá nhân từ kinh doanh chứng khoán phủ nhận giao dịch dưới giá trị sổ sách sẽ làm thị trường OTC ảm đạm hơn, trên thực tế các giao dịch này vẫn diễn ra bởi những nhà tạo lập thị trường là các CTCK.
Tạo ra thanh khoản trên thị trường OTC là cổ phiếu ngân hàng. Tạo ra thanh khoản trên thị trường OTC là cổ phiếu ngân hàng.

Thị trường OTC = cổ phiếu ngân hàng

Tạo ra thanh khoản trên thị trường OTC trong phần lớn thời gian của năm 2008 và đầu năm 2009 vẫn thuộc về cổ phiếu ngân hàng. Theo ghi nhận của ĐTCK từ các môi giới OTC, lượng rao mua, rao bán tập trung ở các mã MB, Eximbank, VCB. Trong khi cổ phiếu VCB giao dịch thành công ở mức giá trên 31.000 đồng/CP thì cổ phiếu Vietinbank giao dịch khá yếu, không có lệnh đặt mua - bán trên thị trường, giá chỉ dao động quanh ở mức bán 20.300 đồng/CP và người mua luôn được chào giá dưới 20.000 đồng/CP. Các cổ phiếu khác của ngành ngân hàng như: OCB, SHB, PNB, HDB, HBB, đều đang được giao dịch thấp hơn hoặc bằng với mệnh giá, nhưng không có khách hàng hỏi mua và bán.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, vẫn có một số cổ phiếu được các môi giới tìm mua như trường hợp cổ phiếu CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VITRANSCHAT). Sau khi DN này thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký lưu ký niêm yết toàn bộ 40 triệu cổ phiếu tại HOSE, lượng nhà đầu tư tìm mua đã tăng lên. Theo đó, VITRANSCHAT tiến hành chốt danh sách cổ đông và tạm ngừng chuyển nhượng cổ phiếu từ 16h30 ngày 10/1/2009. Giá cổ phiếu này nóng lên từng ngày, sau nhiều ngày đặt mua, giá liên tục được đẩy lên từ 15.500 đồng đến 17.500 đồng/CP, hiện tại mức giá 17.500 đồng/CP vẫn có nhiều khách hàng tìm mua. Một số cổ phiếu khác như cổ phiếu Khu công nghiệp Tam Phước, khách hàng đang chào mua giá 12.000 - 12.500 đồng/CP, bán thì cao hơn 12.500 - 13.000 đồng/CP. Cổ phiếu của CTCP Thực phẩm Masan cũng được chào mua với mức giá 78.000 - 79.000 đồng/CP, nhưng nguồn cung không dồi dào.

Động thái mới

Cổ phiếu khối ngân hàng giao dịch sôi động hơn so với cổ phiếu các ngành khác do duy trì được lợi nhuận ở mức độ nhất định trong năm 2008, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế. Mặt khác, tính thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng được đánh giá tốt hơn, nên có giao dịch nhiều hơn. Theo một số môi giới OTC, điểm đáng chú ý của thị trường OTC giai đoạn này là cổ phiếu được lùng mua nếu có thông tin sắp niêm yết. Sở dĩ giao dịch cổ phiếu VCB tăng và giá cũng được đẩy lên chút ít so với trước, do có kế hoạch cụ thể hơn cho việc niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Hay cùng trong nhóm cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, nhưng cổ phiếu SHB vẫn thu hút sự quan tâm nhiều hơn vì có kế hoạch niêm yết tại HASTC. Trường hợp của VITRANSCHAT cũng là ví dụ cho việc được "hâm nóng" bởi kế hoạch lên sàn. Cổ phiếu của BCCI, PNJ đã chốt lưu ký nhưng ngoài thị trường, một số nhà đầu tư vẫn đang lùng mua. Hiện tượng này gọi là chốt thỏa thuận đợi cổ phiếu lên sàn giao dịch, nghĩa là việc mua - bán được thực hiện nhưng chuyển nhượng sang tên thì không. Giao dịch này rất mạo hiểm, chỉ quen biết với nhau mới dám thực hiện. Như vậy, thanh khoản đang trở thành thứ "quý như vàng" khiến nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu OTC. Nếu trước đây, nhà đầu tư săn đón cổ phiếu chuẩn bị lên sàn vì khi chào sàn, giá cổ phiếu luôn được DN đẩy lên cao, giúp cho giới đầu cơ thu lợi nhuận thì nay, họ tìm mua không chỉ vì giá mà do tính thanh khoản được cải thiện. Cổ phiếu có mức chia cổ tức bằng tiền mặt cao cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Vừa qua, giới đầu tư chứng khoán cũng quan tâm đến việc quy định giá tính thuế chuyển nhượng chứng khoán (trong trường hợp không ghi trên hợp đồng hoặc ghi quá thấp) thì căn cứ vào giá ghi trên sổ sách kế toán của công ty phát hành để khấu trừ. Điều này có thể ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu OTC vốn đã đóng băng. Tuy nhiên, trên thực tế, giao dịch cổ phiếu OTC không có biến động gì nhiều. Tại Hà Nội, cổ phiếu MB trước đây mỗi lô giao dịch thu phí 0,3% trên tổng giá trị giao dịch (bán 10.000 cổ phiếu thì Ngân hàng thu phí 300.000 đồng). Nhằm duy trì tính thanh khoản của cổ phiếu, mặt khác giúp nhà đầu tư tuân thủ pháp luật thuế, hiện nay ngân hàng này hạ mức phí xuống còn 200.000 đồng/lô và nhà đầu tư phải nộp thêm 100.000 đồng để nộp thuế thu nhập.

Ông Nguyễn Phồn Hậu, Trưởng phòng OTC, CTCK EuroCapital cho biết, giao dịch cổ phiếu OTC gần đây suy giảm mạnh. Việc thu thuế là đúng, nhưng thực thi vào thời điểm này là bài toán đi ngược thị trường. Do không có giao dịch nhiều, nên mức độ tác động không lớn nhưng việc thực thi chính sách này không phải là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó phòng môi giới OTC, CTCK FPT - Chi nhánh TP. HCM cho biết, hiện nhà đầu tư đang "lơ là" thị trường OTC, nên việc áp thuế cũng không ảnh hưởng gì đến giao dịch. Hiện chỉ có một số tổ chức nước ngoài thực hiện giao dịch cổ phiếu OTC của các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực họ quan tâm như bất động sản, tài chính, tất nhiên tần suất thấp hơn trước rất nhiều. Do giá cổ phiếu trên sàn OTC thấp và thanh khoản yếu, nên dòng tiền đang chuyển hướng sang thị trường niêm yết. Cùng với đó, không ít khó khăn đang chờ đón DN trong năm 2009 khiến thị trường OTC tiếp tục "ngủ đông", trừ những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ.                                                

Ngân Giang
Ngân Giang

Tin cùng chuyên mục