Thị trường chứng khoán: Nỗi lo dần hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một số phiên biến động mạnh, nhiều nhà đầu tư có tâm lý thận trọng và nhìn nhận kỹ càng hơn triển vọng thị trường.
Sự kết nối và vận hành hệ thống giao dịch mới tại nhiều công ty chứng khoán chưa thực sự trơn tru. Sự kết nối và vận hành hệ thống giao dịch mới tại nhiều công ty chứng khoán chưa thực sự trơn tru.

Ngày 7/7, VN-Index tăng 2,49% sau phiên lao dốc trước đó. Tuy nhiên, hai phiên cuối tuần qua (8-9/7), chỉ số giảm trở lại.

Yếu tố được cho là có tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư là hệ thống giao dịch mới tại HOSE chính thức được đưa vào hoạt động từ ngày 5/7, sự kết nối và vận hành hệ thống từ nhiều công ty chứng khoán chưa thực sự trơn tru, một số công ty gặp trục trặc trong việc hiển thị dữ liệu.

Không ít nhà đầu tư e ngại rủi ro hệ thống nên chọn việc bảo vệ thành quả bằng cách bán ra cổ phiếu, chấp nhận lãi mỏng hơn. Trong khi đó, để hạn chế rủi ro nằm ngoài sự kiểm soát, nhiều người trở nên thận trọng khi giải ngân cũng như sử dụng đòn bẩy và đặt mức cắt lỗ gần giá mua hơn.

Tâm lý lo ngại về rủi ro hệ thống giao dịch có thể được hóa giải khi những phiên tới không ghi nhận sự cố nào đáng kể.

Thực tế, hệ thống giao dịch cũ của thị trường chứng khoán Việt Nam gặp trục trặc từ lâu, nhưng điểm số và thanh khoản vẫn liên tục tăng nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về triển vọng thị trường.

Sự lạc quan đó khiến nhà đầu tư coi nhẹ tác động của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Nhưng gần đây, diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh khiến thị trường vận động chậm lại trong tâm trạng dò xét.

Thông tin mà nhà đầu tư cần chú ý là các doanh nghiệp có động thái bán cổ phiếu quỹ. Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, trong nửa đầu năm 2021 có 25 doanh nghiệp đã bán cổ phiếu quỹ, trong đó có những thương vụ lớn như Sacombank (STB), TPBank (TPB), Petrolimex (PLX), VietJet (VJC)…

Bên cạnh đó, thị trường gần đây ghi nhận động thái bán ra của các tổ chức đầu tư. Họ có thể là các doanh nghiệp có nguồn tiền bỏ vào đầu tư tài chính trước đó và nay hiện thực hóa lợi nhuận. Chẳng hạn, Công ty Hòa Bình Minh bán ra gần 3,5 triệu cổ phiếu SHS.

Yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 7 này là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2021, với dự đoán lợi nhuận tăng trưởng khả quan ở các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, thép...

Đà tăng của VN-Index trong tháng 6 đã đưa hệ số định giá P/E năm 2021 của chỉ số từ mức 16,19 lần vào thời điểm cuối tháng 5 lên mức 17,08 lần vào ngày 2/7. Sau một số phiên điều chỉnh diễn ra đầu tháng 7, định giá thị trường trở về dưới 17 lần, không phải mức cao.

Dù vậy, định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý II và nửa đầu năm nay. Số lượng cổ phiếu có dư địa tăng giá đang dần thu hẹp, nên việc chọn lọc cổ phiếu sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công trong đầu tư giai đoạn tới, thay vì mua đại trà như trước mà vẫn có khả năng thu lời.

Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, thị trường có thể phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn như áp lực lạm phát cao hơn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận không cao do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài và hiệu ứng so sánh trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái không còn, chi phí đầu vào tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận…

Phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất được thông suốt sẽ là yếu tố quan trọng nhất nhằm đảm bảo kinh tế tăng trưởng vững vàng trong quý III và quý IV.

Những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tốt kỳ vọng là điểm sáng trong nửa cuối năm, nhờ các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU mở cửa trở lại với nhu cầu tiêu dùng dự kiến hồi phục sau dịch.

Áp lực lạm phát có thể cao hơn nửa đầu năm khi chỉ số giá sản xuất tăng 4,96% trong quý II.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, lạm phát kỳ vọng sẽ được kiểm soát theo đúng mục tiêu của Chính phủ (ở mức dưới 4%), nên khả năng chính sách tiền tệ thắt chặt được thực thi trong thời gian tới ở mức thấp, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành ổn định, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Xét các yếu tố vĩ mô, hầu hết dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ không rút ra, mà luân chuyển, tiếp tục tìm kiếm cơ hội. Các đợt điều chỉnh sẽ giúp mức định giá hấp dẫn hơn và thu hút dòng tiền. Phiên cuối tuần qua, VN-Index đóng cửa tại 1.347 điểm, giảm 2% so với phiên liền trước, tính chung cả tuần giảm 5,1%.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục