Thị trường chứng khoán Mỹ cần kỳ nghỉ dài?

(ĐTCK) Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, có lẽ đã tới lúc thị trường chứng khoán cần một kỳ nghỉ dài hơi hơn để tránh tình trạng giao dịch một cách hoảng loạn.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa sau sự kiện 11/9
Ảnh: Getty Images Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa sau sự kiện 11/9 Ảnh: Getty Images

Ngày càng hoảng sợ

Thị trường chứng khoán lại thêm một phen náo loạn. Vừa mở cửa phiên đêm qua (giờ Việt Nam) 16/3, S&P 500 đã bốc hơi gần 9%, dẫn tới việc phải ngắt mạch toàn thị trường. Đây là lần thứ 3 trong 2 tuần vừa qua, chỉ sau phiên 9/3 và 12/3.

Theo quy định, nếu S&P giảm quá 7% so với mức đóng cửa phiên trước đó, toàn thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút. Sau khi giao dịch trở lại, nếu giảm tới 13%, thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch 15 phút lần thứ hai trong phiên. Nếu sau khi giao dịch trở lại, chỉ số giảm lên đến 20% thì thị trường sẽ đóng cửa cho tới phiên hôm sau.

Diễn biến này xảy ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng liều thuốc mạnh nhất của mình với việc hạ lãi suất 1%, về mức 0 – 0,25%, cam kết bơm thêm ít nhất 700 tỷ USD ra thị trường… Trước nỗ lực ngăn chặn tác động của dịch Covid19 tới nền kinh tế Mỹ của Fed, giới đầu tư thậm chí còn “hoảng sợ” hơn, dẫn tới phiên giao dịch náo loạn vừa qua.

Trong bối cảnh này, dường như thị trường chứng khoán cần một kỳ nghỉ dài hơi hơn, so với việc nghỉ 15 phút cho tới 1 phiên.

Từng có tiền lệ

Thị trường chứng khoán thường luôn mở cửa. Trong 30 năm qua, chỉ có 2 ví dụ cho việc Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đóng cửa không theo lịch trình cố định. Lần đầu tiên vào tháng 10/1997, khi biện pháp ngắt mạch thị trường lần đầu tiên được đưa ra ứng dụng sau sự kiện Black Monday.

Khi đó, các tổ chức kinh tế cho rằng, việc áp dụng biện pháp ngắt mạch thị trường đã phản tác dụng. Sau khi thị trường ngắt mạch lần đầu tiên trong đầu phiên giao dịch buổi chiều, giới đầu tư trở nên hoảng loạn hơn và kích hoạt đà bán tháo  thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Thị trường rơi thẳng đứng ngay khi được giao dịch trở lại, khiến lần ngắt mạch thứ hai xảy ra, buộc thị trường phải đóng cửa phiên giao dịch cho tới ngày hôm sau.

Tuy nhiên, sau khi NYSE lần đầu đóng cửa sớm năm 1997, thị trường đã tận hưởng một đà tăng kéo dài. Tất nhiên, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc nhà đầu tư cá nhân tận dụng cơ hội bắt đáy ngay trong phiên tiếp theo và xu hướng giá tăng của thị trường (bull market) trong những năm 1990 nhanh chóng chiếm lấy vị thế. Tác dụng chính của việc ngắt mạch là tạo khoảng trống ngăn chặn các trường hợp bán ra quá vội vã, đột ngột.

Thị trường chứng khoán Mỹ cần kỳ nghỉ dài? ảnh 1

Thị trường tận hưởng đà tăng dài sau khi đóng cửa đột ngột lần đầu năm 1997

Lần thứ hai thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa là khi sự kiện khủng bố 9/11/2001 xảy ra, khiến toà tháp đôi sụp đổ. Điều này khiến trụ sở thị trường chứng khoán bên cạnh không thể đi vào hoạt động. Giao dịch bị ngừng lại kể từ ngày thứ Ba (9/11) cho tới ngày thứ Hai tuần sau. Trong khoảng thời gian này, các thông tin về thiệt hại, cũng như biện pháp can thiệp của chính phủ đã được công bố một cách rõ ràng. Do vậy, đà bán tháo sau đó diễn ra khá mờ nhạt, thời điểm tệ nhất đạt đến 13%. Cho tới ngày 11/10/2001, chỉ số S&P 500 đã quay trở lại mức ngày 10/9.

Quay trở lại hiện tại. Tất cả các thị trường toàn cầu, trong đó có Mỹ đang trải qua cú sốc vì dịch bệnh diễn ra bất ngờ, không thể dự đoán và chưa thể kiểm soát. Không ai muốn thị trường chứng khoán đóng cửa, nhưng nó có thể là một “cơ hội” cho nhà đầu tư để sống sót.

Thị trường không có mục tiêu phụng sự những phiên giao dịch đầy “chết chóc” ngay sau các cú sốc, bởi sự tự tin của nhà đầu tư bị phá nát, thông tin tiêu cực đầy rẫy gieo rắc nỗi sợ hãi và mọi biển chỉ dẫn dường như đều chỉ sai đường.

Dữ liệu ủng hộ

Bất ổn, khó đoán định là cụm từ trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết trong những tuần vừa qua. Tới hiện tại, chúng ta chưa thể xác định tổn thất con người như thế nào, dịch bệnh kéo dài trong bao lâu và nền kinh tế sẽ hồi phục với tốc độ ra sao? Lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới vẫn là bí ẩn, nhưng chắc chắn sẽ thấp hơn so với kỳ vọng được đặt ra trước đây.

Số liệu mới nhất về bán lẻ và đầu tư tài sản mang lại thu nhập cố định tại Trung Quốc vừa được công bố cho thấy, cả chi tiêu và đầu tư tại nền kinh tế này kể từ đầu năm 2020 đều lao dốc thẳng đứng, điều chưa từng diễn ra trước đây.

Cả tiêu dùng và đầu tư của Trung Quốc đều lao dốc thẳng đứng

Mỹ và châu Âu đang theo bước chân của Trung Quốc và cần học hỏi về diễn biến này. Nền kinh tế Trung Quốc chịu tổn thất mạnh và nhiều khả năng Mỹ, châu Âu sẽ nối gót. Trong bối cảnh các nền tảng cơ bản của nền kinh tế đều tổn thương, mọi nỗ lực “giữ giá” cổ phiếu, cổ vũ đà tăng của thị trường chứng khoán đều chỉ làm gia tăng tính bất ổn, gieo giắc sự nghi ngại trong giới đầu tư.

Lấy ví dụ về khủng hoảng kinh tế năm 2008, nước Mỹ có phiên giao dịch tích cực nhất vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 12 kể từ ngày 28/10/2008, tạo thêm hy vọng về sự phục hồi của thị trường sau 5 tháng xuống mốc. Tuy nhiên, tính từ ngày hôm đó, chỉ số S&P 500 giảm thêm 29% nữa mới chạm đáy vào 4 tháng sau.

Sau một phiên giao dịch tích cực, thị trường vẫn lao dốc "như thường"

Khi các nền tảng cơ bản không vững vàng, giá cổ phiếu phải có sự điều chỉnh. Và những biến động mạnh luôn là đặc trưng của thị trường giá xuống (bear market), điều dẫn tới những đợt bán tháo mạnh diễn ra một cách tự nhiên.

Tâm lý học

Có một yếu tố nữa ủng hộ việc tạm thời đóng cửa thị trường về tâm lý học. Khi sự tự tin đang lăn lóc dưới sàn, thật khó để nhà đầu tư gượng dậy sớm. Trong thời điểm này, điều cần nhất là một kỳ nghỉ ngắn đề khôi phục tinh thần.

Peter Atwater tại Financial Insyghts, người nghiên cứu về tự tin xã hội và tác động tới việc ra quyết định đã đưa ra biểu đồ về tâm lý của người dân Mỹ hiện tại. Khi rủi ro về dịch Covid19 hiện hữu ở ngay gần bên, thay vì đang ở nơi xa xôi như Vũ Hán (Trung Quốc), tâm lý sợ hãi được kích hoạt và sự tự tin giảm sút nhanh chóng.

Hiện tại, ngay ở New York, các trường học đã đóng cửa cho tới tháng sau, nhà hàng bị giới hạn hoạt động, người dân bị phong toả. Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Thật khó để duy trì những sinh hoạt thường nhật trong bối cảnh hiện tại, chưa nói tới việc ra những quyết định đầu tư sáng suốt.

Một khi thị trường đã chạm tới mức giới đầu tư sợ hãi và bị tổn thương tinh thần, ngày càng nhiều người mong muốn thị trường sớm “đóng cửa”.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục