Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng tháng 6 sôi động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số VN-Index thành công phá ngưỡng cản 1.080 điểm, với thanh khoản cải thiện rõ rệt, dấy lên kỳ vọng vào một tháng 6 sôi động của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán tháng 6 có khởi đầu khá tích cực. Thị trường chứng khoán tháng 6 có khởi đầu khá tích cực.

Thị trường chứng khoán trong nước vừa đi qua một tháng 5 rất khác - giới đầu tư không bị ám ảnh bởi câu nói “Bán tháng 5 và đi chơi”. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 2,48% trong tháng, với thanh khoản cải thiện dần.

Kỳ vọng vào một con sóng của thị trường chứng khoán trong tháng 6 được củng cố với việc chỉ số chính VN-Index đã có hai phiên khởi đầu đóng cửa trong sắc xanh. Đặc biệt là trong phiên giao dịch 2/6, chỉ số bứt phá vượt ngưỡng cản 1.080 điểm khá xa, với thanh khoản đạt 18.349 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây.

Kỳ vọng này càng được củng cố khi nhìn lại lịch sử 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán, xác suất giảm điểm không cao hơn so với xác suất tăng điểm trong giai đoạn này. Trong khi tháng 6 năm nay, thị trường lại được hỗ trợ bởi nhiều thông tin chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, trong đó có hạ lãi suất điều hành.

Bất chấp khối ngoại bán ròng mạnh trong thời gian qua, với giá trị bán ròng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng trong tuần cuối tháng 5, dòng tiền trong nước linh hoạt xoay vòng ở các nhóm cổ phiếu, giúp nhiều cổ phiếu penny nổi sóng và có dấu hiệu chảy vào nhóm cổ phiếu blue-chip trong phiên cuối tuần qua. Thanh khoản của VN30 ghi nhận 7.720 tỷ đồng trong phiên 2/6, giúp chỉ số này tăng 18,87 điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất tiết kiệm bớt phần hấp dẫn, trong khi thị trường bất động sản được dự báo khó hồi phục trong ngắn hạn khi những nút thắt chưa được gỡ bỏ, chứng khoán với đặc tính thanh khoản và hạn mức đầu tư đa dạng sẽ trở thành điểm đến của dòng tiền trong thời gian tới.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, mặc dù lãi suất tiết kiệm giảm nhưng tiền vào chứng khoán mạnh mẽ là khó xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn.

Vị chuyên gia đưa ra hai căn cứ chính cho luận điểm này: Thứ nhất là lý thuyết triển vọng được Kahneman và Tversky. Lý thuyết này dựa trên các bằng chứng thực nghiệm cho thấy con người có những hành vi trái ngược với lý thuyết hữu dụng kỳ vọng. Trong đó, hàm hữu dụng trong lý thuyết triển vọng giải thích cách nhà đầu tư ra quyết định trong miền lời và miền lỗ.

Trong miền lời, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm rủi ro, trong khi ở miền lỗ nhà đầu tư thường có xu hướng né tránh rủi ro. Sau năm 2022 nhiều đau thương, đa phần nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn đang ở miền lỗ, thậm chí là miền lỗ nặng. Do đó, hành vi chung là vẫn đang né tránh rủi ro.

Việc lãi suất tiết kiệm giảm 1 - 2%/năm vẫn mang lại mức độ hấp dẫn cao hơn so với chứng khoán. Ở thời điểm này, mức lợi nhuận cao kỳ vọng của chứng khoán không đủ để bù đắp cho xác suất có thể lỗ khi tham gia. Đa phần nhà đầu tư vẫn ưa thích sự chắc chắn hơn dù lãi suất thấp và gửi tiết kiệm đáp ứng được điều đó.

Để tiền từ tiết kiệm vào chứng khoán, ông Huy cho rằng, cần đáp ứng một số điều kiện như lãi suất tiết kiệm phải xuống thấp trong thời gian đủ lâu (kỳ hạn 6 tháng khoảng dưới 5%/năm). Thị trường phải cho kiếm lời tốt trong khoảng thời gian đủ lâu để tiền cũ tự tin tham gia và tạo sóng FOMO cho tiền mới.

Chưa thể kỳ vọng dòng tiền mới tham gia thị trường mạnh mẽ trong giai đoạn này khi vĩ mô còn nhiều khó khăn, nhiều nhà đầu tư F0 chưa “gượng dậy” sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh, nhưng theo ghi nhận của người viết, nhiều nhà đầu tư có bề dày kinh nghiệm không chỉ tham gia “lướt sóng” ngắn hạn của thị trường, mà đang mạnh tay gom cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt để chuẩn bị đón cơ hội từ một sóng tăng bền vững của thị trường.

Việt Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục