Nhận diện cơ hội 2025
Ông Lê Đức Khánh cho biết, nhìn lại thị trường chứng khoán trong 2 - 3 năm vừa qua, VN-Index tăng khá khiêm tốn, nhưng năm 2024 đã tích cực hơn. Đến thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 10%, đặc biệt trong tháng 11 và 12, thị trường đã xuất hiện một số phiên giao dịch bùng nổ và VN-Index đã xác định đáy sâu nhất là 1.200 điểm. Thị trường đang xác định xu hướng đi lên từ nay đến cuối năm và trong giai đoạn tới.
“Năm 2025, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt với những chất xúc tác là tăng trưởng GDP, xuất khẩu khởi sắc... Chúng tôi kỳ vọng, thị trường tăng trưởng tích cực hơn 15-20% và đây là giai đoạn nhà đầu tư nên nghĩ tới mua vào, tích lũy”, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán VPS nhận định.
Đồng thời, ông Khánh cũng đưa ra khuyến nghị trong đầu tư: "Hãy giao dịch mua bán tập trung, nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để có thể lựa chọn cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư có thể mua cho trung và dài hạn, hoặc có thể đánh sóng ngắn hạn".
Một số cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm như FPT, Hoá chất, Vinamilk (VNM), cổ phiếu nhóm ngành cao su như DRC, CSM… Về tỷ trọng, đầu tiên nhà đầu tư có thể mua ở mức thăm dò, sau đó nâng dần tỷ trọng.
Trong đó, với xu hướng đầu tư trong dài hạn, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm ngành đặc thù như công nghệ viễn thông, hoá chất, phân bón, cao su thiên nhiên, cao su săm lốp, cảng biển, tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), bán lẻ tiêu dùng.
Còn trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị là chứng khoán, nhóm chu kỳ hoá chất, thép, dầu khí. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể quan tâm đến nhóm ngành thuộc diện tái cấu trúc, hoặc hưởng lợi kết quả kinh doanh, ưu tiên cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cao, diễn biến giá cao.
|
Phiên thảo luận Nhận diện cơ hội đầu tư thu hút sự quan tâm lớn. Ảnh Chí Cường. |
Đầu tư linh hoạt, nhìn dài hạn, có điều chỉnh ngắn hạn khi biến động
Về vấn đề lường trước rủi ro của nhà đầu tư cá nhân, ông Lê Đức Khánh cho biết, trong đầu tư, nhà đầu tư luôn lường trước rủi ro để kiểm soát tốt hành động. Có thời điểm trong tháng 11, với nhiều quan điểm lo ngại câu chuyện về tỷ giá biến động, nhiều yếu tố tác động thị trường, nhưng Việt Nam đã rất linh hoạt trong điều hành chính sách, mềm mại, uyển chuyển...
Ngân hàng Nhà nước có hoạt động nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và tín phiếu, hút tiền và bơm tiền trên hệ thống, có giai đoạn hút tiền 40.000-50.000 tỷ đồng, đó là chủ động hút tiền về để ứng phó kiểm soát tiền tệ khi dự kiến trong tháng 12 FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Điều hành chính sách Việt Nam giai đoạn vừa qua rất tích cực, bên cạnh những đổi mới về thể chế trong giai đoạn mới sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt hơn cho thị trường.
Tuy nhiên, trong xu hướng tăng, thị trường sẽ không tăng liên tục mà sẽ tăng từng chặng một và có những nhịp điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư nên giao dịch linh hoạt, đầu tư tích lũy nhìn xa hơn, còn trong ngắn hạn sẽ có một số cổ phiếu có biến động nhanh, thay vì nghĩ đạt mục tiêu định giá hoặc có thể điều chỉnh tỷ trọng là mức cần thiết.
"Không chỉ năm nay mà năm tới, việc linh hoạt trong tư duy, vừa đầu tư ngắn hạn vừa dài hạn là quan điểm của các quỹ. Giữ phương pháp đầu tư chân phương, nhìn dài nhưng vẫn có điều chỉnh ngắn hạn để kiểm soát rủi ro.
Chúng ta vẫn luôn tin tưởng ở cơ hội nhưng phân bổ danh mục đầu tư 12-15% linh hoạt trong khả năng mình có, giai đoạn chưa tăng ngay dừng mua thêm. Còn giải ngân nhanh, kỳ vọng lãi nhanh sẽ dễ rủi ro”, ông Lê Đức Khánh nhấn mạnh.