Thị trường chứng khoán đang thiếu “gió Đông”

(ĐTCK) TTCK trong tháng 10 đã không tăng điểm như nhiều thành viên kỳ vọng về hiệu ứng kết quả kinh doanh quý III, thậm chí có một số phiên giảm điểm khá mạnh. Tuy nhiên, triển vọng thị trường trong thời gian tới vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá khả quan.
Thị trường chứng khoán đang thiếu “gió Đông”

Theo chu kỳ công bố thông tin kết quả kinh doanh quý III, từ giữa tháng 10, các doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý. Với đà chuẩn bị từ cuối tháng 9 (VN-Index liên tục tăng điểm), nhiều dự báo cho rằng, TTCK trong tháng 10 sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Tuy nhiên, diễn biến VN-Index thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có 3 nguyên nhân khiến thị trường trong tháng 10 diễn biến không như mong đợi.

Thứ nhất, theo quan sát của VDSC trong nhiều năm qua, chưa có năm nào xu hướng tăng của VN-Index kéo dài như năm nay. Cụ thể, trong năm 2016, xu hướng tăng của VN-Index kéo dài từ ngày 22/1 cho đến đầu tháng 10, trong khi năm 2015 có 3 sóng tăng rõ rệt. Những năm trước đó, thị trường có 2 sóng tăng mỗi năm. Nghĩa là, các đợt sóng tăng không kéo dài.

Ngoài ra, thị trường chưa có đợt bán tháo nào ngoại trừ phiên xảy ra sự kiện Brexit ngày 24/6, nhưng chỉ số trong phiên hôm đó cũng đã có mức hồi phục đáng kể. Có lẽ, VN-Index trong năm 2016 đã tăng điểm kéo dài nên một số phiên giảm điểm gần đây là quãng thời gian nghỉ ngơi cần thiết, trước khi chỉ số có thể đi xa hơn.

Thứ hai, trong 165/314 doanh nghiệp trên HOSE đã công bố báo cáo tài chính quý III/2016, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của các doanh nghiệp này có sự phân hóa mạnh. Trong đó, 70 doanh nghiệp có mức tăng trưởng EBIT dương so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân là 33,4%; 95 doanh nghiệp có EBIT giảm, mức giảm bình quân là 43,4%.

Tính chung, EBIT của 165 doanh nghiệp giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù kết quả kinh doanh có sự phân hóa mạnh, nhưng không có nhiều yếu tố bất ngờ, nên “sóng” từ kết quả kinh doanh không mạnh.

"Từ đầu năm đến nay, giá nhiều cổ phiếu blue-chips đã tăng trên 50%, chỉ số định giá P/E của thị trường đang xấp xỉ mức 16 lần, cao nhất trong lịch sử"

-  ông Barry Weisblatt, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK VCSC.

Thứ ba, nghiên cứu tác động của thông tin kết quả kinh doanh lên diễn biến giá cổ phiếu tại thị trường Việt Nam của VDSC cho thấy, trong trường hợp doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan thì thông tin tích cực này thường phản ánh vào giá trước đó khoảng 21 ngày, trong đó phản ánh mạnh nhất từ 8 - 13 ngày trước khi công bố chính thức.

Dĩ nhiên, hiệu ứng thông tin tại thời điểm công bố cũng xuất hiện (hiệu ứng PEAD - Post Earnings Announcement Drift), nhưng không mạnh. Kết quả nghiên cứu này khá trùng khớp với diễn biến tăng điểm của VN-Index giai đoạn nửa cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua.

Nhận định về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, bà Trúc cho rằng, VN-Index đang có mốc hỗ trợ tại 670 điểm. Xét các mã vốn hóa lớn, so với mức đỉnh ngày 30/9 và 21/10, mức giá hiện tại giảm chưa đáng kể.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ có sự biến động mạnh về giá, nhưng tác động đến chỉ số không nhiều. Sự sụt giảm này chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo người mua tăng cường tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, sự không đồng thuận của các cổ phiếu vốn hóa lớn là một yếu tố không hỗ trợ thị trường. Do đó, nếu VN-Index giữ vững mốc 670 điểm trong vài phiên tới thì xác suất cao là chỉ số sau đó sẽ biến động đi ngang trong vùng 680 - 690 điểm. Trong trường hợp mốc 670 điểm bị xuyên thủng, VN-Index có thể di chuyển về mốc hỗ trợ 650 điểm.

Theo ông Barry Weisblatt, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây đã được cải thiện và triển vọng về khả năng giảm lãi suất là những yếu tố sẽ thúc đẩy dòng tiền vào thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá nhiều cổ phiếu blue-chips đã tăng trên 50%, chỉ số định giá P/E của thị trường đang xấp xỉ mức 16 lần, cao nhất trong lịch sử. Do vậy, nhiều nhà đầu tư có tâm lý chốt lời. Nhưng điều đó không có nghĩa là dòng tiền sẽ rời bỏ thị trường.

So với nhiều thị trường khác trong khu vực, P/E của chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức thấp. Nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng và bán lẻ, tiêu dùng. Trong những tháng cuối năm, VN-Index có thể đạt được mốc 700 điểm. Dù vậy, với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 12, VN-Index có thể chịu áp lực giảm điểm trong ngắn hạn.

Liên quan đến áp lực giảm điểm của thị trường, bà Trúc cho biết, tại những ngưỡng kháng cự mạnh, chỉ số rất dễ giảm điểm, chỉ cần thông tin hơi tiêu cực cũng có thể gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư, nhưng để tăng điểm thì cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố tích cực, mang tính bất ngờ.

“Trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ danh mục ở mức hợp lý. Do đặc tính thị trường ngày một phân hóa nên tùy từng cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định có nên tích lũy thêm trong giai đoạn này hay không”, bà Trúc nói và chia sẻ, ngoài lĩnh vực xây dựng và bán lẻ, tiêu dùng, nhà đầu tư nên quan tâm đến những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, kết quả kinh doanh được dự báo tiếp tục tăng trưởng như PNJ, HPG, VFG, FPT, BFC, CTI, HUT, CTD, hoặc những cổ phiếu kỳ vọng có sự cải thiện trở lại trong năm sau như PPC, REE, VSC.

Ngoài ra, nhiều mã trên UPCoM, nhất là các mã trong bảng UPCoM Premium có thể xem xét đầu tư, khi có mức giảm giá mạnh trong thời gian qua. Theo bà Trúc, các cổ phiếu trên UPCoM đang thiếu “gió Đông” để có thể thu hút dòng tiền và khởi sắc trở lại. Đó có thể là sự đổ bộ lên sàn của các doanh nghiệp lớn theo quy định tại Thông tư 115/2016/TT-BTC hay các mã cổ phiếu trên UPCoM được phép giao dịch ký quỹ.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục