Thị trường chứng khoán: Chờ thẩm thấu chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai thông tư 02 và 03 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành trong tuần qua được xem là công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng như các khoản nợ của doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, nhằm thúc đẩy lưu thông vốn trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là đối tượng hưởng lợi hàng đầu từ Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là đối tượng hưởng lợi hàng đầu từ Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Thông tư số 03/2023/TT-NHNN cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trước đó nhằm khơi thông dòng vốn ngân hàng vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Còn Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ 1 năm với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền do các nguyên nhân khách quan của nền kinh tế và có thể phục hồi trong tương lai.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, nợ nhóm 2 của Ngân hàng chủ yếu là ở các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời. Sacombank sẽ phân loại khách hàng để cơ cấu nợ có điều kiện.

Các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng - nhóm gặp khó khăn nhất thời gian qua - sẽ là đối tượng được hưởng lợi hàng đầu khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các tổ chức tín dụng có thể tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc…

Tính đến 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng hệ thống chỉ đạt xấp xỉ 2,6%, rất thấp so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2023 của Chính phủ. Hiện tượng trên xảy ra do nền kinh tế hiện đang trong pha suy thoái, nhu cầu vay vốn không cao. Thêm vào đó, dù lãi suất điều hành đã giảm, lãi suất trên thị trường 1 (thị trường dân cư và tổ chức kinh tế) vẫn chưa có sự cải thiện, nhiều ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay từ 10 - 12%/năm.

Theo Công ty Chứng khoán DSC, các tổ chức tín dụng có lý do riêng để duy trì lãi suất cao. Dù lãi suất điều hành đã giảm, thanh khoản hệ thống cải thiện, nhưng môi trường kinh doanh khó khăn khiến rủi ro nợ xấu tăng lên và những yếu tố này đều được tính vào lãi suất.

Với Thông tư 02 mới được ban hành, DSC cho rằng, áp lực nợ xấu tới các tổ chức tín dụng sẽ được giảm thiểu. Thêm vào đó, các khoản lãi phải thu được ghi nhận ngoại bảng và trích lập dự phòng nhẹ nhàng hơn thông thường sẽ hỗ trợ cải thiện kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Đây là những điều kiện tốt, hỗ trợ tổ chức tín dụng mạnh tay hơn trong việc giải ngân cho vay. Về phía người đi vay, với việc các nhóm nợ được giữ nguyên phân loại trong 1 năm tái cơ cấu, kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong việc đi vay, từ đó tăng nhu cầu tín dụng.

Trước đó, việc ban hành Nghị định 08 liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp hay nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng được đánh giá là có tác động tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Điển hình là số lượng trái phiếu phát hành trong tháng 3 đạt 26.435 tỷ đồng, trong đó, riêng trái phiếu bất động sản đạt 23.780 tỷ đồng, chiếm gần 90% số lượng trái phiếu phát hành.

Theo các chuyên gia, số lượng trái phiếu phát hành công phần lớn là để cơ cấu nợ khi room tín dụng còn dư do nhu cầu vay vốn chưa cao, vì khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm.

Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (mã DIG), chia sẻ, Chính phủ đã nhiều lần đưa ra thông điệp về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững và nhiều chính sách đã được ban hành. Hai chính sách vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành tập trung tháo gỡ vấn đề vốn, doanh nghiệp và người dân hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách này.

Còn ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận xét, trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên HNX chưa đi vào hoạt động, việc ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN có ý nghĩa nhiều nhất với các tổ chức tín dụng.

Theo ông Thuân, thời gian qua, doanh nghiệp chịu áp lực mua lại trái phiếu khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn. Việc cho phép các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ phần nào tháo gỡ áp lực mà một số tổ chức tín dụng đang gặp phải do trước đó đã phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp phát hành đến thời điểm này gặp khó khăn về dòng tiền, không thể mua lại, nếu ngân hàng không mua lại sẽ ảnh hưởng đến uy tín và áp lực cho cả tổ chức phát hành khi đang tìm cách vượt qua khó khăn ngắn hạn.

Từ góc nhìn của ông Trương Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS), việc cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp, hay việc giãn nợ tối đa 1 năm cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực đáo hạn nợ, tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng khác như phát triển thị trường; duy trì, phát triển đội ngũ nhân sự; củng cố năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển…

Sau khi hai thông tư mới có hiệu lực, các ngân hàng sẽ có đánh giá khách hàng và triển khai, vì thế cần thời gian để chính sách ngấm vào thị trường, doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, giảm áp lực mua lại trái phiếu tìm cách xoay xở vượt qua khó khăn nhất thời, phục hồi trở lại.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (AGR)

Với nhiều chính sách được ban hành như Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN nới một số điều kiện đầu tư, cho vay, mua lại trái phiếu doanh nghiệp, tôi kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn toàn nền kinh tế. Đây là các chính sách rất kịp thời, hợp lý trong giai đoạn hiện tại.

Thứ nhất, đối với các ngân hàng. Các ngân hàng giảm bớt áp lực trích lập dự phòng nhờ việc trích lập phần chênh lệch được thực hiện theo tiến độ (đến 31/12/2023, trích lập tối thiểu 50%; đến 31/12/2024, trích lập đủ 100%). Qua đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát và lợi nhuận ngân hàng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tín dụng giai đoạn tới cũng có thể tăng trưởng trở lại khi các ngân hàng có thể giải ngân thông qua hình thức mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với cá nhân và doanh nghiệp có khoản vay. Thời hạn cơ cấu kéo dài tối đa 1 năm góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất - kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, hoàn thành các mục tiêu đề ra cho năm 2023. Đối với Thông tư 03, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ giảm áp lực dòng tiền đáng kể từ các khoản trái phiếu đáo hạn, khi cho phép các ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán trước đó, thay vì phải chờ 1 năm như quy định cũ.

Thứ ba, đối với thị trường chứng khoán, các chính sách mới sẽ hỗ trợ trực tiếp cho nhóm ngành ngân hàng và nhóm doanh nghiệp có nợ vay lớn, qua đó tác động tích cực tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tích cực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua ban hành các chính sách khác như Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, Nghị quyết số 58/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) năm 2023…

Tác động của các chính sách cần có thời gian để thẩm thấu, thông thường vào khoảng từ 3 tới 6 tháng để có thể đánh giá hiệu quả. Để cải thiện hiệu quả của việc khơi thông dòng vốn, cần sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Áp lực lạm phát hiện tại khá thấp khi sức cầu suy yếu, giai đoạn này có thể đẩy mạnh triển khai giải ngân đầu tư công do đây là yếu tố được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới nhờ tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu và tiêu dùng có thể chững lại khi các đối tác suy thoái kinh tế và tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục