Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc khi cuộc khủng hoảng thuế quan toàn cầu có nguy cơ leo thang

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Hai (7/4), thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục lao dốc làm trầm trọng thêm đà bán tháo cổ phiếu toàn cầu do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump gây ra.

Vào tuần qua, Tổng thống Trump đã công bố thuế quan cơ bản 10% đã có hiệu lực vào ngày 5/4 và mức thuế quan lớn hơn sẽ được áp dụng vào ngày 9/4. Nhưng việc Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng cách áp dụng mức thuế 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang và gây thiệt hại trên toàn cầu, đẩy các thị trường chứng khoán châu Á rơi vào hoảng loạn.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã giảm hơn 8% ngay sau khi mở cửa. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết, chính phủ sẽ tiếp tục đề nghị Tổng thống Trump giảm thuế đối với Nhật Bản, nhưng thừa nhận rằng kết quả "sẽ không đến trong một sớm một chiều".

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 9,8%, còn chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 7,3%.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã giảm hơn 4,8% ngay sau khi mở cửa, kích hoạt cơ chế ngắt mạch trong 5 phút. Chỉ số Straits Times (STI) của Singapore cũng giảm mạnh 8,5%.

Chỉ số Taiex của Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm hơn 9,7% sau khi mở cửa. Công tắc ngắt mạch đã được kích hoạt đối với TSMC và Foxconn sau khi hai cổ phiếu này giảm gần 10%.

Trước đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan (Trung Quốc) cho biết sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế tạm thời đối với việc bán khống cổ phiếu để giúp giải quyết tình trạng hỗn loạn tiềm ẩn trên thị trường do thuế nhập khẩu mới của Tổng thống Trump áp dụng và sẽ thực hiện các bước khác khi cần thiết. Cụ thể, số lượng cổ phiếu có thể bán khống sẽ bị hạn chế và tăng tỷ lệ ký quỹ bán khống tối thiểu từ 90% lên 130%, bắt đầu từ ngày 7/4 đến 11/4.

Tại Úc, chỉ số ASX 200 cũng giảm tới 6,3% trong khi NZX 50 của New Zealand mất hơn 3,5%.

Vào tối Chủ Nhật (6/4), Tổng thống Trump nói rằng, ông không cố ý làm sụp đổ thị trường nhưng từ chối dự đoán thị trường sẽ giao dịch như thế nào trong tương lai.

"Điều gì sẽ xảy ra với thị trường? Tôi không thể nói cho bạn biết…, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng, đất nước chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều và cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia không giống bất kỳ quốc gia nào khác", Tổng thống Trump cho biết.

Thuế quan cao nhất kể từ năm 1909

Theo Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, mức thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 1909.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Trump đã kiên quyết bảo vệ chính sách thương mại và cho biết vào cuối tuần qua rằng, hơn 50 quốc gia phải chịu đợt thuế quan mới nhất đã yêu cầu đàm phán.

Hôm 6/4, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết, mức thuế quan "chắc chắn sẽ được áp dụng trong nhiều ngày và nhiều tuần. Tổng thống cần thiết lập lại thương mại toàn cầu".

Bất chấp sự sụp đổ của thị trường cổ phiếu vào tuần trước, một số nhà kinh tế Phố Wall dự đoán chính quyền Trump sẽ nới lỏng thuế quan đối với một số quốc gia trong những tháng tới để đổi lấy việc các quốc gia khác hạ thấp rào cản thương mại. Điều đó có thể giúp củng cố thị trường trở lại.

"Giả định của chúng tôi trong vài tháng tới là Tổng thống Trump sẽ thực hiện thỏa thuận với nhiều quốc gia, mặc dù Trung Quốc có thể là ngoại lệ… Một khi rõ ràng là ông ấy sẵn sàng chấp nhận những nhượng bộ tương đối nhỏ để đổi lấy việc giảm bớt các mức thuế quan đó, cổ phiếu sẽ phục hồi", Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng Bắc Mỹ của Capital Economics cho biết.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, rủi ro là Tổng thống Trump thay vào đó sẽ áp dụng thêm thuế quan hoặc tìm cách trừng phạt các đối tác thương mại triển khai các biện pháp trả đũa riêng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục