Trong các phiên khối ngoại miệt mài bán ròng ấy, đáp lại cũng là những lệnh mua không ngừng nghỉ của nhà đầu tư nội, với thanh khoản luôn duy trì hết “room” khoảng 15.000 tỷ đồng phiên thì bị… “rút phích điện”, theo cách nói dân dã của nhà đầu tư.
Như vậy, có thể thấy, lượng tiền luân chuyển trong thị trường chứng khoán đang rất lớn, mặc dù dòng tiền đã chia rẽ, phân tán.
Các phiên giảm điểm cuối tuần qua và có thể giảm tiếp trong tuần này là hệ quả của cầu yếu, nhưng nói như cách diễn đạt của giám đốc một công ty chứng khoán là, cầu yếu nhưng tiền không thiếu. Thị trường chỉ đang “đổi tay”.
Trong dòng vốn nước ngoài bán ra, ghi nhận có các quỹ huy động từ châu Âu, Mỹ và quỹ Hàn Quốc đang tái cơ cấu, nhưng một lượng nhà đầu tư Trung Quốc đang nhập cuộc. Sự tham gia của các nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư lâu năm dồn vốn từ các kênh khác cho chứng khoán khiến giá trị tài khoản tăng lên.
Tùy theo giá trị tài khoản và doanh số hàng tháng, một tài khoản được xác định là khách hàng VIP.
Theo khảo sát, nhóm công ty chứng khoán vốn ngoại, mạnh về nguồn vốn rẻ, thì tài khoản 5 tỷ đồng, có vòng quay vốn khoảng 4 vòng trong 1 tháng, được coi là VIP, cao hơn hẳn mức 2 tỷ đồng trước đây.
Ở các công ty chứng khoán nhỏ, chẳng hạn như VNCS thì các tài khoản giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng và giao dịch đạt tổng giá trị 2 - 3 tỷ đồng được coi là VIP. Còn trong nhóm lớn, giá trị tài khoản 10 tỷ đồng được coi là khách hàng lớn.
Nhà đầu tư cá nhân được coi là lực lượng tạo nên sức mạnh nội lực cho thị trường từ lâu và sẽ vẫn tiếp tục là động lực của thị trường trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh khối ngoại bán ròng và hàng loạt doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ hoặc cổ đông nội bộ “tháo cống” như vừa qua.
Vấn đề là ở thời điểm này có rất nhiều nguyên nhân khiến cầu yếu, đó là nghẽn lệnh khiến thị trường không thể bứt phá về thanh khoản và về giá. Trong khi cổ đông nội bộ chốt lời thì các hoạt động phát hành với giá rẻ hơn thị giá cũng hút dòng tiền vào và chờ sẵn để mua hay bán cổ phiếu trên sàn sau chốt quyền.
Một lượng lớn nhà đầu tư lời nhiều, vốn lớn có xu hướng đứng ngoài quan sát để chờ điểm mua an toàn và hấp dẫn cho khoản vốn lớn, thay vì nhấp nhổm khi thị trường dao động trong vùng giá hẹp và phụ thuộc vào “tay to”.
Nhưng “tay to” là ai? Dòng tiền bị chia rẽ như vậy thì diễn biến thị trường có thể xảy ra theo kịch bản nào? Đó là những vấn đề mà Đầu tư Chứng khoán muốn bàn luận cùng độc giả trong chuyên mục Tiêu điểm có chủ đề “Sức mạnh dòng tiền” của số báo này.
Nhìn vào một số cổ phiếu có nền tảng tăng trưởng tốt, có yếu tố đột biến tạo nên kết quả kinh doanh tốt trong năm nay thì dòng tiền của các “tay to” và đa số nhà đầu tư vẫn kiên định giữ và duy trì mặt bằng giá cổ phiếu ở mức cao so với trước, tương ứng với bức tranh triển vọng tương lai.
Thế nên, cầu yếu nhưng tiền không thiếu và dẫn đến hiện tượng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, vấn đề của nhà đầu tư là làm sao tìm được điểm sáng lấp ló còn tiềm ẩn trong bức tranh loạn màu và có phần méo mó của bảng điện VN-Index để được… gần đèn thì sáng.
Trong bối cảnh nhiều thông tin tốt được công bố trong mùa ĐHCĐ, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì thị trường dù có chao xuống trong ngắn hạn là cơ hội tốt để dòng tiền có cơ hội chứng minh sức mạnh tiềm ẩn.