Một trong những nguyên nhân chính là chất lượng hàng hóa trên thị trường khá nghèo nàn, ít doanh nghiệp tiêu biểu, khiến nhà đầu tư bỏ vốn chịu khá nhiều rủi ro và thị trường dễ bị tổn thương.
Doanh nghiệp nhỏ vẫn chiếm phần lớn
Hiện TTCK Việt Nam có 2 Sở giao dịch chứng khoán (GDCK); trên 2 Sở GDCK có 3 thị trường cổ phiếu (2 thị trường niêm yết tại 2 Sở GDCK và 1 thị trường cổ phiếu chưa niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội). Bên cạnh đó, còn có hình thức chuyển quyền sở hữu cho chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (hoặc chưa đăng ký giao dịch).
Số doanh nghiệp niêm yết đã liên tục tăng lên qua các năm (nếu khởi đầu chỉ là 2 doanh nghiệp thì năm 2010 đạt 632, đến nay đạt 689 doanh nghiệp). So với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (hơn 500.000 thì số doanh nghiệp niêm yết còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ). Đáng lưu ý là phần lớn doanh nghiệp đang niêm yết có quy mô nhỏ và vừa, khi doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng chiếm tới 67% , doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 200 tỷ đồng chiếm 43%. Chất lượng của các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch chưa cao, nhất là về mặt quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch.
Sự trồi sụt của thị trường đã tác động mạnh đến tính hấp dẫn của nó với người dân và các nhà đầu tư. VN-Index hiện đạt 657 điểm, bằng 62% mức đỉnh đạt được vào 12/3/2007 và bằng 486 % so với mức đáy.
Nhiều nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường đã được thực thi, như các sở GDCK thường xuyên rà soát danh sách để xếp hạng các doanh nghiệp niêm yết theo các loại: ngừng giao dịch, bị kiểm soát, cảnh báo, cổ phiếu được giao dịch ký quỹ…
Hay trong lần sửa đổi các quy định pháp luật gần nhất, Ủy ban Chứng khoán đã nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện phát hành chứng khoán; trong đó, chú trọng các yếu tố như tỷ suất lợi nhuận, thời gian hoạt động và yêu cầu khắt khe hơn về quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ hiện đại.
Yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết thực hiện tốt hơn việc công khai, minh bạch hoạt động và thông tin, trên cơ sở chuẩn hoá nội dung, kỳ hạn và phương thức công bố thông tin, tăng cường công tác giám sát và xử phạt… Tuy nhiên, theo nhận xét của các quỹ đầu tư nước ngoài lớn, TTCK Việt Nam hiện đang có quá nhiều công ty niêm yết có quy mô nhỏ và hoạt động không theo quy chuẩn của công ty đại chúng thực sự.
Trong khi đó, số lượng công ty lớn, hoạt động lành mạnh với bề dày về quản trị công ty tốt còn khá hạn chế. Những cái tên như Vinamilk, FPT, VCB… lặp đi lặp lại trong danh sách những doanh nghiệp tốt nhất. Trong số 30 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất thị trường, có nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá.
Đặc biệt, dòng tiền thiếu địa chỉ đầu tư đã tập trung ở một số mã cổ phiếu khiến cho giá trị vốn hóa của chúng tăng cao một cách phi lý, so sánh trong mối tương quan về tài sản và giá trị với những doanh nghiệp có cùng ngành nghề hoạt động tại Việt Nam.
Cơ hội để lựa chọn đầu tư vào các công ty tốt vẫn còn khá hạn chế. Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp điển hình để nối dài danh mục doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, mà nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn vào.
Với thị trường vốn, điều này rất quan trọng để duy trì mức độ hấp dẫn của cả thị trường vì các tổ chức đầu tư vào Việt Nam có bảng thành tích tạo ra lợi nhuận tốt sẽ tạo ra sự tin tưởng và thu hút các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường.
Song, có thể chúng ta còn phải chờ rất lâu nữa để thấy chỉ số VN100 với 100 công ty niêm yết tốt mà nhà đầu tư có thể đầu tư vào như tại TTCK New York hay London. “Chính phủ Việt Nam cần có chính sách để thanh lọc cổ phiếu cũng như tạo thêm nguồn hàng chất lượng tốt cho thị trường bằng việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và lên niêm yết”, ông Dominic Scriven nhiều lần nhắc lại đề nghị này trong các kỳ đối thoại Diễn đàn doanh nghiệp giữa Chính phủ và cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.
Ở một khía cạnh khác, Giám đốc một quỹ đầu tư nhận xét, rất nhiều công ty tư nhân Việt Nam có xuất thân là công ty gia đình và chưa cởi mở trong việc thay đổi mô hình quản trị, hoạt động. Họ dè dặt với các khoản đầu tư mới, lo lắng về việc mất kiểm soát công ty nếu niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Kỳ vọng có thêm những VNM khác
Trong một báo cáo gửi các nhà đầu tư ngay sau khi VNM nới room lên 100%, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital viết: “VNM là công ty có vốn hóa lớn nhất, thương hiệu có giá trị nhất tại Việt Nam và liên tục đạt được những kết quả tốt nhất trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nới room là bước chuyển đáng chú ý về việc chào đón các nhà đầu tư ở một doanh nghiệp hàng đầu. Động thái này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa tới các doanh nghiệp khác”. Song cũng chính VinaCapital cũng phải thừa nhận rằng, khó có thể kỳ vọng lớn vào việc có thêm lượng hàng hóa chất lượng mới được tung ra thị trường từ việc nới room này nếu Nhà nước không thoái vốn tại Vinamilk.
Trên thực tế, chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ở những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ đã được nhắc đến rất nhiều, trở thành một trong những đầu việc quan trọng nhất trong số các cải cách kinh tế gần đây tại Việt Nam. Nhưng thực tế lại chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng cổ phần bán ra rất thấp, trong nhiều trường hợp có giá khởi điểm cao và phải theo một quá trình kéo dài. Chẳng hạn như trường hợp Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và CTCP Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), số cổ phần bán ra công chúng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, lần lượt 3,47% và 14%.
Các nhà đầu tư kỳ vọng trong tương lai gần, TTCK Việt Nam sẽ có thêm những doanh nghiệp lớn, chẳng hạn Satra, Bến Thành Group hay MobiFone. Những doanh nghiệp này nếu được đưa ra thị trường, Nhà nước có thể thu được số tiền lớn hơn quá trình IPO của 560 doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa trong suốt 5 năm qua.
Nền kinh tế đang phải chịu nhiều thách thức và áp lực tổ chức tốt hơn kênh huy động vốn qua TTCK, bên cạnh kênh tín dụng như lâu nay, đang ngày một rõ ràng hơn. Trước hết, thâm hụt ngân sách đang tăng nhanh. Nợ công đã vượt 62% GDP, chỉ còn 3% là đến ngưỡng báo động, trong đó nợ Chính phủ chiếm hơn 50%.
Số liệu đã được Chính phủ công bố cho thấy, tỷ trọng rất lớn từ nợ công, chiếm tới gần 50% đã được tài trợ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Thâm hụt ngân sách đã buộc Chính phủ phải thắt lưng buộc bụng, đầu tư cho hạ tầng đã giảm từ 26% tổng chi ngân sách vào năm 2011 xuống còn 16% vào năm 2015. Trong khi đó, cơ hội cho các dự án hạ tầng có thể được tiếp tục nếu Chính phủ có cơ chế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục chủ trương phát triển một cách hiệu quả.
Một áp lực nữa cũng không kém, đến từ việc tới đây Việt Nam không còn nhận được các khoản vay hỗ trợ phát triển ODA nữa bởi từ tháng 7/2017, chúng ta được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Hầu hết các khoản vay ODA đều đáo hạn vào năm 2022 và 2025, trong khi đó, nguồn thu trong tương lai lại khá mờ nhạt trước thực trạng giá dầu xuống thấp; đồng thời tình trạng biến đổi khí hậu khô hạn xâm nhập mặn ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp và các ngành xuất khẩu quan trọng.
Đã có những ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng khi Chính phủ có kế hoạch vay thêm 20 tỷ USD, chủ yếu qua bán trái phiếu và vay từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý thì mở rộng sở hữu nước ngoài, thu hút thêm đầu tư tư nhân và nguồn lực đại chúng có thể là cách hữu hiệu để vừa thực hiện chủ trương giảm tỷ lệ vốn ở những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vừa có thêm vốn cho đầu tư trong giai đoạn mới. Thị trường chứng khoán khi ấy sẽ có diện mạo mới.
Việt Nam gần đây nằm trong nhóm có GDP cao nhất thế giới, điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài để mắt trở lại đến TTCK. Tuy nhiên, dường như họ vẫn đang tiếp tục nghe ngóng. “Có khá nhiều sự thay đổi tuy diễn ra rất chậm, nhưng cuối cùng đều đã được thực hiện. Câu chuyện về một sự mở đầu cho một giai đoạn mới với TTCK Việt Nam luôn được chúng tôi kỳ vọng”, VinaCapital đã khép lại báo cáo phân tích về động thái mở room trên TTCK Việt Nam.