Riêng với sàn UPCoM, ông Hòa cho rằng, cần tăng cường giám sát tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp, để giữ gìn niềm tin với thị trường.
Thanh khoản trên TTCK Việt Nam năm 2016 (khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên) có cải thiện so với các năm trước, nhưng vẫn còn rất thấp so với quy mô vốn hóa toàn thị trường và đặc biệt chỉ bằng 50% thanh khoản trên thị trường trái phiếu Chính phủ. Theo ông, cần có những giải pháp gì để thúc dòng tiền chảy mạnh vào kênh đầu tư cổ phiếu?
Không riêng tôi mà đa số thành viên tham gia thị trường hiện nay đều có 3 mong muốn.
Thứ nhất là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và hai Sở Giao dịch chứng khoán cần đẩy nhanh việc triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh, giao dịch T+0, bán cổ phiếu chờ về; cung cấp thêm kênh đầu tư, công cụ phòng ngừa rủi ro và tăng vòng quay vốn cho nhà đầu tư.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để tạo thanh khoản và thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường. Cùng với đó, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp quyết liệt hơn để mở ra sân chơi rộng hơn cho các nhà đầu tư.
Thứ ba, nhà quản lý cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu để TTCK Việt Nam được nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi theo phân hạng của MSCI. Đáp ứng được 3 mong muốn này sẽ là bước đột phá trong việc thu hút các dòng vốn, nhất là dòng vốn ngoại, từ đó mới mong có điều kiện thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh vào TTCK Việt Nam trong những năm tới.
Ông Nhữ Đình Hòa
Một trong những điểm nhấn ấn tượng gần đây là sàn giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) tăng trưởng vượt bậc về quy mô khi thu hút trên 300 DN lên sàn. Dưới góc nhìn của ông, điều gì đã tạo ra sự thay đổi đáng kể này?
Tôi cho rằng, các văn bản pháp lý trong thời gian qua của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan là yếu tố chính hậu thuẫn cho sự phát triển mạnh mẽ của sàn UPCoM. Đầu tiên phải kể đến Quyết định số 51/2014/QĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định rất cụ thể về thời hạn mà các doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành niêm yết, đăng ký giao dịch sau cổ phần hóa và trở thành công ty đại chúng.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn cụ thể và chi tiết thời hạn phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đối với tất cả các công ty đại chúng chưa niêm yết.
Một nguyên nhân khác là cơ chế hoạt động và phương thức giao dịch cũng từng bước được cải tiến thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho cả phía doanh nghiệp và nhà đầu tư trên sàn này. Các thủ tục và thời gian chuyển lên/xuống giữa các sàn cũng đã được tối giản và rút ngắn hơn nhiều so với trước.
Khi sàn UPCoM có sự góp mặt của nhiều hàng hóa chất lượng với cơ chế giao dịch có những điểm mạnh riêng (biên độ dao động giá lớn và gần đây là công bố danh sách cổ phiếu được ký quỹ), dòng tiền đầu tư đã và sẽ quan tâm nhiều hơn đến cơ hội trên UPCoM.
Theo ông, sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp và thanh khoản trên UPCoM mang đến giá trị gì cho TTCK cũng như nền kinh tế Việt Nam?
Cái lợi lớn nhất của sàn giao dịch này là tạo thanh khoản cho cổ phiếu trong thời gian sớm nhất, cụ thể là cho các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa hoặc ngay cả đối với các doanh nghiệp vừa bị hủy niêm yết trên các sàn niêm yết. Điều này đồng nghĩa với việc UPCoM góp phần làm tăng tính hấp dẫn và khả năng thành công trong những đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.
Các doanh nghiệp sắp bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chính thức vẫn có thể duy trì một mặt bằng thanh khoản nhất định nếu còn các yếu tố cơ bản hỗ trợ.
Ngoài ra, sàn UPCoM mang sứ mệnh là bước đệm, “tập dượt” cho các doanh nghiệp trước khi niêm yết trên HNX và HOSE về tiêu chuẩn báo cáo tài chính, cơ chế công bố thông tin..., nên lên sàn này, các doanh nghiệp đại chúng sẽ được trải nghiệm để vững vàng hơn trước khi quyết định niêm yết.
Là công ty chứng khoán ra đời đầu tiên tại Việt Nam và cũng là công ty trong Top dẫn đầu về môi giới, BVSC nhìn thấy cơ hội gì từ sự sôi động hơn đó trên sàn UPCoM?
Khi dòng tiền của nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến UPCoM và cơ chế quản lý được cải tiến thông thoáng hơn, BVSC nhận thấy đây là một sân chơi cần được chú trọng trong thời gian tới. BVSC sẽ cung cấp các dịch vụ cho các cổ phiếu trên UPCoM một cách bình đẳng như với 2 sàn niêm yết và tất nhiên nằm trong khuôn khổ cho phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Có nhiều doanh nghiệp trên sàn đại chúng này có kết quả hoạt động kinh doanh tốt, thậm chí còn tốt hơn cả một số doanh nghiệp niêm yết trên HNX, HOSE. Những doanh nghiệp này được ví như những “viên ngọc tiềm ẩn”. Các báo cáo phân tích của chúng tôi sẽ chú ý và có độ bao phủ rộng hơn đối với các cơ hội đầu tư trên UPCoM, giúp nhà đầu tư mở rộng khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư phù hợp.
Dù có chuyển biến về quy mô, nhưng dường như dòng vốn lớn, nhất là dòng vốn ngoại chưa chọn UPCoM và dường như cũng chưa chảy mạnh trên các sàn niêm yết?
Để thu hút dòng vốn ngoại chảy mạnh vào TTCK Việt Nam là một câu chuyện dài và còn cần rất nhiều sự nỗ lực của nhà quản lý về cơ chế, chính sách, nâng hạng cũng như của chính các doanh nghiệp trên sàn. Riêng với UPCoM, việc vốn ngoại chưa chảy vào đáng kể là hợp lý, vì nhìn chung, quy mô và chất lượng hàng hóa tại đây ở mức thấp hơn và có một khoảng cách so với 2 sàn chính thức.
Trong khi đó, với nhà đầu tư ngoại, quy mô vốn hóa và sức khỏe doanh nghiệp là hai tiêu chí chính khi họ xem xét giải ngân. Mặc dù vậy, TTCK không thiếu hàng hóa tốt. Vấn đề là làm thế nào để các hàng hóa này được bật sáng và kết nối được với các nhà đầu tư chất lượng, để thu hút họ tham gia vào doanh nghiệp, vào TTCK Việt Nam.
Vậy theo ông, giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn, tạo động lực thúc đẩy thị trường phát triển?
Để tăng sức hấp dẫn, TTCK cần nhiều yếu tố, trong đó hàng hóa, công nghệ và sản phẩm là những yếu tố rất quan trọng. Chúng tôi kỳ vọng rằng, trên nền 7 năm hoạt động theo mô hình một Sở GDCK hiện đại, cùng lúc tổ chức vận hành 3 thị trường là trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu niêm yết và UPCoM, HNX sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm mới và nâng cấp nền tảng công nghệ để tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đặc biệt, khi các sản phẩm và cơ chế giao dịch mới tới đây như giao dịch T+0, bán cổ phiếu chờ về… được chuẩn hóa về hệ thống thì nhà quản lý cũng nên cân nhắc áp dụng cho các cổ phiếu trên cùng một nền tiêu chuẩn, niêm yết cũng như UPCoM.
Riêng với sàn UPCoM, do tính chất doanh nghiệp trên UPCoM không có tiêu chuẩn về sức khỏe tài chính, nên sàn này cần hơn nữa việc tăng cường giám sát tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp. Các bộ lọc, phân hạng cổ phiếu cần được thực hiện một cách chặt chẽ và thường xuyên để giúp các nhà đầu tư có thêm cơ sở tin cậy khi ra quyết định.
Việc phân bảng, bật sáng DN tốt và công khai cảnh báo DN yếu kém là giải pháp hợp lý
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Với áp lực từ thị trường, với việc bổ sung chế tài xử phạt tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, tới đây số lượng các doanh nghiệp vào sàn UPCoM sẽ tiếp tục tăng mạnh. Sức ép từ nhà đầu tư rất lớn, vì họ cho rằng doanh nghiệp đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng thì phải vào sàn chứ không thể chẳng biết khi nào mới đăng ký giao dịch, niêm yết như hiện tại.
Có một thực tế khiến các doanh nghiệp lớn e ngại vào UPCoM là tại sàn này có bao gồm cổ phiếu của các doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc, nên dễ gây lẫn lộn về chất lượng, ảnh hưởng không tích cực đến hình ảnh của các doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Sự lẫn lộn này cũng gây khó khăn cho triển khai giao dịch margin đối với các cổ phiếu có chất lượng. Bởi vậy, việc HNX thực hiện phân bảng thành UPCoM Premium và bảng Cảnh báo nhà đầu tư là rất hợp lý, là giải pháp cần thiết cho thị trường và giúp nhà đầu tư tăng khả năng bảo vệ đồng vốn khi tham gia thị trường dành cho doanh nghiệp đại chúng này.
Sau 7 năm vận hành sàn UPCoM, HNX cần tiếp tục xử lý tốt các vấn đề phát sinh, để không chỉ thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu khi lập ra sàn này là thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, mà còn tạo ra cơ hội đầu tư mới cho nhà đầu tư, đồng thời làm bước đệm, tật dượt cho các công ty đại chúng trước khi niêm yết.