Đó là nhận định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng.
Tăng trưởng 7 - 8% trong 2015 là một nỗ lực lớn
Ông Vũ Bằng cho rằng, trong năm 2015, TTCK Việt Nam chịu tác động tiêu cực của rất nhiều yếu tố bên ngoài như việc giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm kỷ lục, đồng Nhân dân tệ bị phá giá, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng USD khiến dòng vốn ngoại có xu hướng rút ra khỏi các TTCK mới nổi.
Dòng vốn dịch chuyển ra khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2015 lên tới 504 tỷ USD và trong 2 năm qua lên tới trên 1.000 tỷ USD đã khiến TTCK toàn cầu bị ảnh hưởng đáng kể.
Về hoạt động đấu giá cổ phần, tỷ lệ đấu giá thành công của năm 2015 chỉ đạt 40%, trong khi năm trước đạt 65%, khối nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ phần hóa rất hạn chế. Tuy nhiên, theo ông Vũ Bằng, cái được lớn nhất trong công tác cổ phần hóa năm 2015 chính là đã ban hành được quy chế đấu giá cổ phần trọn lô, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho công tác cổ phần hóa thông qua các chính sách mới.
Bức tranh chung của TTCK toàn cầu là sụt giảm nhiều hơn tăng trưởng, chỉ số chứng khoán tại các thị trường phát triển như Mỹ, Anh, Úc đều sụt giảm từ 4 - 7%, thị trường láng giềng Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm điểm mạnh.
Còn TTCK Việt Nam, nếu VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở mức 575 - 580 điểm thì chỉ số này sẽ ghi nhận mức tăng 7 - 8%.
“Dù không phải là mức tăng trưởng cao, nhưng nhìn trên bình diện chung của TTCK thế giới thì đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam, trong đó phải kể đến nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy thị trường phát triển được đưa ra trong năm qua như việc Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015 về nới room cho nhà đầu tư ngoại và công tác tái cấu trúc thị trường sau 3 năm đã phát huy được tác dụng”, Chủ tịch UBCK nói.
Theo ông Bằng, nếu tính cả thị trường UPCoM, quy mô niêm yết TTCK Việt Nam đã lên đến 34% GDP, vốn hóa thị trường tăng 13,4% so với năm trước, tổng trị giá niêm yết theo mệnh giá tăng 24%. Cùng với Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, số lượng doanh nghiệp lên sàn niêm yết trên hai sở GDCK và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM tăng lên rất mạnh trong năm 2015.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, trong năm 2015, tại HNX có 95 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và 30 DN niêm yết HNX, trong khi so với cùng kỳ, con số này lần lượt là 41 DN và 16 DN.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Sở đã thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đấu giá, đặc biệt đối với doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa và tái cơ cấu, triển khai các chương trình hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để thực hiện đấu giá cổ phần và gắn với niêm yết đăng ký giao dịch trên TTCK”, ông Dũng nói.
2016, ưu tiên cho mục tiêu ổn định
Có cái nhìn khá thận trọng về triển vọng TTCK trong năm 2016, Chủ tịch UBCK cho rằng, TTCK trong năm tới sẽ tiếp tục chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài như lạm phát, lãi suất…, nên dự báo còn khó khăn hơn năm 2015.
Mục tiêu của UBCK trong năm tới là không phải tăng trưởng, mà là duy trì sự ổn định của TTCK, giảm thiểu các tác động từ bên ngoài. Với mục tiêu đó, các thành viên thị trường phải thúc đẩy tái cấu trúc để thu hút dòng vốn mới, tạo lực đẩy cho thị trường thông qua hoạt động bán cổ phần trọn lô, bán cho NĐT nước ngoài.
Về phía UBCK, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy thị trường, như tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho TTCK phát triển. Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh đã được cơ quan này trình Bộ Tài chính và dự kiến sẽ được ban hành vào đầu tháng 1/2016.
Thông tư sẽ đưa ra các quy định cụ thể đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh; các thành viên giao dịch, thanh toán bù trừ như: CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng cung cấp dịch vụ cho TTCK phái sinh.
Ngoài ra, để bảo đảm quản lý tốt thị trường, ở giai đoạn đầu triển khai TTCK phái sinh, dự kiến, chỉ có 2 sản phẩm phái sinh cơ bản là: hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu.
Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ bổ sung các sản phẩm khác theo mức độ phát triển của thị trường và theo nhu cầu của thị trường, ví dụ quyền chọn, quyền chọn hợp đồng tương lai, hay các chứng khoán phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở khác không phải là chứng khoán.
Cùng với sự ủng hộ của cơ quan quản lý và nỗ lực của các thành viên thị trường, dự kiến, thị trường chứng khoán phái sinh có thể vận hành được vào thời điểm cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
Ngoài việc triển khai các giải pháp để thu hút dòng vốn nước ngoài, trong năm tới, cơ quan quản lý tiếp tục triển khai giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm cận biên lên nhóm các TTCK đang phát triển trên bảng MSCI. Bản thân các thành viên thị trường cũng đã có sự chuẩn bị nhất định.
Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN được thành lập là tiền đề cho mối liên kết giữa thị trường vốn, TTCK khu vực ASEAN phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Đối với HOSE, hiện Sở đã cố gắng hoàn thiện các bộ chỉ số chứng khoán để làm công cụ đầu tư cho nhà đầu tư toàn cầu. Đồng thời, HOSE chuẩn bị đưa vào sự dụng trung tâm dữ liệu dự phòng và hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ giúp TTCK Việt Nam đáp ứng những nhu cầu dài hạn.
Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)
Phó giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietfund (VFM)