Thị trường chờ nhà đầu tư tổ chức

(ĐTCK) Khép lại tháng 10, thị trường đã có phiên thứ 3 tăng điểm kể từ khi xác lập đáy mới 322,8 điểm vào ngày 28/10. Giải thích việc tăng điểm của thị trường trong nước, giới đầu tư cho rằng, do thị trường thế giới tăng. Điều này phù hợp với tâm lý lo lắng về những biến động trên thị trường tài chính thế giới của NĐT trước đó. Câu hỏi đặt ra là liệu đà tăng lần này có được bền vững, trong khi phần lớn quỹ đầu tư, CTCK dư tiền mặt vẫn đứng ngoài cuộc?
Động thái đứng ngoài của các quỹ đầu tư, NĐT tổ chức khiến xu hướng đi lên khá mong manh. Động thái đứng ngoài của các quỹ đầu tư, NĐT tổ chức khiến xu hướng đi lên khá mong manh.

Tăng điểm mong manh

Thời gian qua, thị trường đón nhận không ít thông tin tích cực: lạm phát thấp, giá xăng dầu giảm… Về phía các DN, tình trạng phát hành tăng vốn tràn lan, kỳ vọng quá cao đối với giá trị DN đã giảm đáng kể. Báo cáo tài chính quý III/2008 của các DN niêm yết cho thấy, tuy không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng nhiều DN có mức lãi ấn tượng trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, TTCK vẫn xuống điểm, phá đáy cho đến khi nhiều thị trường lớn trên thế giới hồi phục trở lại.

Giải thích hiện tượng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, những thông tin tốt vẫn chưa thực sự cân bằng được nỗi lo của NĐT. Mặc dù giá xăng dầu giảm, nhưng một loạt mặt hàng thiết yếu như điện, than, xi măng… vẫn nằm trong "tầm" tăng giá. Lãi suất cho vay tuy có hạ, nhưng DN vẫn khó tiếp cận. Một mặt do ngân hàng khắt khe hơn trong thủ tục cho vay, mặt khác DN cũng không mặn mà bởi lãi suất hiện nay (khoảng 18%/năm) vẫn rất cao so với khả năng sinh lời của DN. Báo cáo tài chính của nhiều DN tuy khả quan, nhưng do không phải kiểm toán nên vẫn là dấu hỏi với NĐT, nhất là sau sự cố tại CTCP Bông Bạch Tuyết.

Những lý do đó khiến thị trường lên điểm, nhưng vẫn thường trực nỗi lo quay đầu. Chỉ cần một động thái thiếu tích cực từ thị trường thế giới có thể làm TTCK Việt Nam đảo chiều.

Điểm khác biệt của đợt lên điểm lần này là lượng cầu không áp đảo quá mạnh. Nhìn lại 3 phiên giao dịch gần đây có thể thấy, dòng tiền đổ vào thị trường là của NĐT nhỏ lẻ. Họ là những người chịu thua thiệt nhiều nhất (do không phán đoán được xu hướng bán ròng của nhà ĐTNN) trong đợt sụt giảm mạnh vừa qua, nay nỗ lực giao dịch hòng thu lại phần nào mất mát. Không có khối lượng đặt mua lớn, sức cầu không thực sự mạnh. Sau phiên thiết lập đáy mới, chỉ có phiên 29/10 với đa số chứng khoán tăng trần, VN-Index đóng cửa ở mức 331,62 điểm, tăng 8,82 điểm. Ngày 30/10, VN-Index đóng cửa ở mức 336,57 điểm, tăng 4,95 điểm. Khép lại tháng 10, mặc dù không có nhiều mã tăng trần, nhưng VN-Index tăng cao hơn, dừng ở mức 347,05 điểm.

Như vậy, NĐT vẫn trong quá trình dò xét, nghe ngóng nhiều hơn là đổ tiền vào thị trường.

Trong khi nhà ĐTNN ngừng bán ròng là tín hiệu tốt, thì động thái đứng ngoài của các quỹ đầu tư, NĐT tổ chức cũng khiến xu hướng đi lên khá mong manh.

Có người bỏ cuộc chơi?

Ai cũng biết, việc mua - bán với tư cách là NĐT tổ chức sẽ khiến thị trường ổn định hơn. Tuy nhiên, trong đợt hồi phục lần này, nhiều quỹ đầu tư tỏ ra quá thận trọng khi nhận phần "lội nước theo sau", chờ NĐT cá nhân vào trước.

Ông Lưu Nguyễn Chí Nhân, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội cho biết, với nguồn lực hiện có, Công ty đang giải ngân một cách thận trọng vào những cổ phiếu tốt. Theo ông Nhân, đối với một số quỹ hiện nay, họ đã bắt đầu thay đổi chiến lược đầu tư, đó là tính toán sát thực hơn, đặt ra mục tiêu lợi nhuận hợp lý để tận dụng cơ hội ngắn hạn, thay vì chờ đợi 2 - 3 năm. Đa số NĐT, kể cả tổ chức lẫn cá nhân, đều lựa chọn giải pháp "án binh bất động", chờ đợi diễn biến mới của thị trường trong và ngoài nước. Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) nói rằng, VCBF dự kiến giải ngân khoảng 100 triệu USD. Việc giải ngân kéo dài trong vòng 15 tháng tới, nhưng có thể không phải là lúc này.

Một CTCK mới gia nhập thị trường hồi đầu năm 2008 với vốn điều lệ 350 tỷ đồng cho biết, phần lớn số tiền kể trên được gửi trên thị trường liên ngân hàng lấy lãi. Khoản đầu tư lớn nhất của họ là trái phiếu chính phủ, còn đầu tư cổ phiếu (niêm yết và OTC) chỉ chiếm chưa đến 20 tỷ đồng. Một CTCK khác, sau đợt phát hành cuối năm 2007, có thặng dư vốn khá lớn cũng tỏ ra "thế thủ" khi gửi vào ngân hàng mẹ lấy lãi, thay vì tung tiền ra mua cổ phiếu. Động thái thận trọng của các CTCK đối với hoạt động tự doanh cũng là điều dễ hiểu, khi không ít công ty đang phải trả giá khá đắt do quá hăng hái tham gia vào hoạt động này. Tuy nhiên, trước việc giá cổ phiếu xuống thấp, lại đang sở hữu một lượng tiền mặt lớn và có đội ngũ phân tích hùng hậu, không quá khó để CTCK lọc ra những cổ phiếu tốt. Việc đứng ngoài của các CTCK, quỹ đầu tư đang là câu hỏi lớn trên thị trường.     

Hiền Linh
Hiền Linh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,277.14 -0.44 -0.03% 239,939 tỷ
HNX 243.29 0.72 0.3% 2,336 tỷ
UPCOM 94.45 0.92 0.98% 2,390 tỷ