Thị trường chịu ảnh hưởng từ yếu tố ngoại

(ĐTCK-online) Khác với lần trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất - yếu tố khiến nhiều tổ chức nước ngoài yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam, quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ hai của FED trong năm đã khiến TTCK Việt Nam có những phản ứng ngược lại. Chỉ số của cả 2 sàn HASTC và HOSE cùng giảm mạnh. Đây được coi là tín hiệu rõ ràng nhất cảnh báo khả năng điều chỉnh sâu của thị trường.
Thị trường chịu ảnh hưởng từ yếu tố ngoại

Việc cắt giảm lần này của FED (từ 4,75% xuống 4,5% hôm 31/10/2007) nhằm góp phần bình ổn thị trường tài chính Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, kết quả của lần cắt giảm lãi suất dường như không mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều ngân hàng nước ngoài vẫn tỏ ra hoang mang và lo lắng về sự khủng hoảng mới đối với nền kinh tế nước này. Theo giám đốc một CTCK tại TP. HCM, sự yên tâm của các tổ chức tài chính nước ngoài được coi là yếu tố cơ bản để họ thúc đẩy các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong đó có việc giải ngân vào TTCK Việt Nam. Ngược lại, khi họ còn lo lắng với những khủng hoảng nội tại, TTCK Việt Nam có thể chịu sự ảnh hưởng gián tiếp.

Thực tế, ở lần giảm lãi suất trước của FED diễn ra hồi giữa năm 2007, TTCK Việt Nam đã có sự hưởng ứng tích cực. VN-Index đã tăng 2 phiên, với tỷ lệ hơn 3% ngay sau khi FED công bố thông tin, cao hơn hẳn so với mức tăng chung của TTCK thế giới. Lúc đó, giới phân tích cho rằng, dù ít hay nhiều thì TTCK trong nước cũng đã “nhìn” nước ngoài. Yếu tố để xác định điều này là khối nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mua rất mạnh vào những phiên sau đó, tạo tâm lý hứng khởi cho giới đầu tư trong nước.

Theo quan sát của ĐTCK, ở lần cắt giảm lãi suất của FED lần này, khối nhà đầu tư nước ngoài cũng có phản ứng mạnh, phiên giao dịch 1/11 - ngày đầu tiên sau khi FED công bố thông tin, VN-Index đã tăng vọt từ mức 1.065,09 điểm lên mức 1.075,92 điểm (tăng 1,02%). Nhưng ở những phiên sau đó, chỉ số chung của thị trường không chỉ giảm dần mà ngày càng giảm mạnh, nhất là khối nhà đầu tư ngoại giảm hẳn lượng mua. Và chỉ đến phiên giao dịch ngày 5/11, khối nhà đầu tư nước ngoài mới tăng mạnh lượng mua vào. Tuy khối lượng cổ phiếu mua ở phiên này lên tới 3,5 triệu đơn vị, gấp hơn 3 lần khối lượng của tuần trước nhưng không giữ nổi đà giảm của thị trường.

Diễn biến thị trường đã trở nên phức tạp. Theo giới quan sát, cũng vào ngày 5/11, nhiều TTCK nước ngoài đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là TTCK châu Á. Giải thích sự suy giảm của TTCK Việt Nam trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư vẫn tỏ ra lừng khừng khi xác định xu hướng mới của thị trường và chưa chấp nhận phương thức “cắt lỗ” đối với những cổ phiếu đầu tư ngắn hạn.

Thêm nữa là tâm lý đầu tư theo nhà đầu tư nước ngoài đã giảm hẳn, thậm chí còn lấn át xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp trên thị trường. Do đó, khi khối nhà đầu tư nước ngoài tăng mua, họ đã cố tình lờ đi động thái này vì lo ngại thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm.

Một yếu tố nữa khiến nhiều nhà đầu tư trong nước đắn đo trong việc tăng mua chứng khoán là thông tin siết chặt nguồn vốn cho vay đầu tư chứng khoán. Theo đó, Chỉ thị 03 của NHNN được Chính phủ chỉ đạo làm triệt để hơn nên nguồn tiền cung cho thị trường phần nào sẽ bị hạn chế.

Cũng theo các chuyên gia, có không ít nhà đầu tư đã nhận biết được tín hiệu điều chỉnh của thị trường và bán chứng khoán ra. Cũng có những người tỏ ra cẩn thận hơn khi chờ những phiên thị trường phục hồi mới tiến hành “ra hàng” để bán được giá cao. Đây được coi là cách “đánh” hiệu quả, tuy nhiên vẫn gặp những “rào cản nhất định”. Ví như ở những phiên thị trường chững lại hay “quay đầu” thì sự tăng giá đáng kể chỉ nằm ở một số cổ phiếu blue-chip. Còn lại những cổ phiếu khác chỉ tăng nhẹ, thậm chí đứng giá. Nhìn nhận cách mua của khối nhà đầu tư nước ngoài trong khi thị trường điều chỉnh có thể thấy những hạn chế đối với việc “ra hàng” vì họ cũng chỉ thu gom ở giá sàn hoặc ngang bằng giá tham chiếu.

Rõ ràng, bối cảnh nguồn cung chứng khoán dồi dào và sức cầu dè dặt đã thúc đẩy sự điều chỉnh giảm và khiến TTCK Việt Nam có những “bước đi” hơi ngược với TTCK trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự lệch lạc này sẽ không kéo dài. Tác động từ yếu tố ngoại nếu nhận biết kịp thời sẽ mang lại sự an toàn cho nhà đầu tư. Ở góc độ thị trường, sự an toàn này sẽ góp phần tạo ra tính bền vững cho TTCK Việt Nam .  

Tuấn Dũng
Tuấn Dũng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ