Sau 3 phiên liên tiếp khởi sắc và xác nhận đỉnh mới của năm, thị trường đã có chút giảm nhiệt khi áp lực bán có phần chiếm ưu thế và nhóm cổ phiếu trụ cột trở nên phân hóa. Chỉ số VN-Index rung lắc nhẹ rồi chuyển qua trạng thái lình xình trên mốc tham chiếu khi khép lại phiên giao dịch sáng đầu tuần.
Bước sang phiên giao dịch chiều, VN-Index tiếp tục biến động trong biên độ hẹp khi tâm lý thị trường chung khá giằng co. Dù lực cầu vẫn tham gia tích cực nhưng áp lực bán thường trực khiến chỉ số chung gặp khó khăn.
Đặc biệt là sau khoảng 1 giờ giao dịch, bên bán dần mất kiên nhẫn đã gia tăng sức ép khiến hàng loạt mã lớn và bé đua nhau giảm điểm. Chỉ số VN-Index khép lại phiên giao dịch đầu tuần để mất gần 15 điểm nhưng vẫn nằm trên đường MA10, tương đương mốc 1.260 điểm và áp lực bán tháo chưa xảy ra khi toàn thị trường chỉ có hơn 10 mã nằm sàn, đồng thời thanh khoản tiếp tục sôi động với gần 30.000 tỷ đồng giao dịch, cho thấy tín hiệu thị trường chưa quá đáng lo lắng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 119 mã tăng và 351 mã giảm, VN-Index giảm 13,94 điểm (-1,09%) xuống 1.267,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,24 tỷ đơn vị, giá trị 29.258,55 tỷ đồng, giảm 10,14% về khối lượng và 15,76% về giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 22/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 76,54 triệu đơn vị, giá trị gần 2.027 tỷ đồng.
Nhóm VN30 gia tăng sức ép lên thị trường khi đóng cửa giảm hơn 14 điểm với 26 mã giảm và chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, TPB, BVH, VIC, VPB kết phiên tăng trên dưới 1%; ngược lại GVR giảm sâu nhất khi để mất 4,1%, tiếp theo là MSN giảm 3,8%, CTG giảm 2,8%, STB, VRE, ACB, BID đều giảm hơn 2%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi NVL và HPX là điểm sáng thị trường. Trong đó, NVL vẫn tăng khá tốt là 3,5% và đóng cửa đứng tại mức giá 17.700 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2024 – mức giá này đã từng được xác lập trong phiên 16/2 nhưng nhanh chóng bị xuyên thủng ngay trong phiên sau đó.
Đặc biệt là thanh khoản của NVL trong phiên hôm nay bùng nổ, lên tới gần 110,5 triệu đơn vị, chiếm gần 5,5% tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, đồng thời mức thanh khoản này chỉ thua đôi chút so với phiên lập kỷ lục là 128,5 triệu đơn vị khớp lệnh được xác nhận vào ngày 22/11/2022.
Bên cạnh đó, cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản là HPX cũng tỏa sức nóng không kém. Những tưởng áp lực bán chốt lời sau 3 phiên tăng trần liên tiếp ngày trở lại sẽ khiến HPX giảm nhiệt, nhưng sau khi lấy lại được sắc tím vào cuối phiên sáng, lực cầu tiếp tục gia tăng khiến HPX quay lại trạng thái dư mua trần chất đống, bất chấp thị trường chung tràn ngập sắc đỏ.
Kết phiên, cổ phiếu HPX tăng 6,9% lên mức giá 8.010 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 34,55 triệu đơn vị và dư mua trần 4,19 triệu đơn vị. Như vậy, sau 4 phiên giao dịch liên tiếp, cổ phiếu HPX đã tăng tới 46,7%.
Ngoài HPX, một số mã nóng khác vẫn ngược dòng thị trường chung và giữ được đà tăng trần như QCG, DHM, SVD.
Ngược lại, cổ phiếu VND cũng ghi nhận diễn biến nóng trong phiên giao dịch hôm nay bên cạnh sự cố tại VNDirect. Theo đó, kết phiên, VND giảm 1,4% xuống mức 23.950 đồng/CP, với thanh khoản lập kỷ lục, đạt gần 86,3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh áp lực bán ra từ nhà đầu tư trong nước, cổ phiếu VND còn chịu sức ép lớn từ khối ngoại. Cụ thể, trong phiên hôm nay, VND là cổ phiếu dẫn đầu danh mục bán ròng mạnh về khối lượng, đạt 3,62 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 86,97 tỷ đồng.
Hệ thống VNDIRECT vẫn chưa khắc phục được sự cố
Xét về nhóm ngành, áp lực bán gia tăng và lan rộng khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu đều mất điểm. Trong đó, nhóm sản xuất nhựa – hóa chất giảm sâu nhất khi để mất tới 2,87%; tiếp theo là nhóm chế biến thủy sản và sản xuất hàng gia dụng giảm trên dưới 1,9%.
Tuy nhiên, nhóm tác động mạnh tới thị trường là ngân hàng khi chỉ còn một vài mã như EIB và VPB nhích nhẹ trên dưới 0,5%, TPB tăng 1,33%, còn lại đều nới rộng biên độ giảm, với BID và CTG đều giảm hơn 2%, là gánh nặng lớn nhất khi lần lượt lấy đi 1,65 và 1,3 điểm của chỉ số chung.
Trên thị trường, chỉ còn 2 nhóm là bảo hiểm và khai khoáng thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, nhưng mức tăng khá khiêm tốn chưa tới 0,5%.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường liên tục đổi sắc và chuyển qua sắc đỏ sau khoảng nửa cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 0,87 điểm (-0,36%) xuống 240,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 128,45 triệu đơn vị, giá trị 2.854,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,37 triệu đơn vị, giá trị 69,48 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn có thanh khoản vượt trội với gần 40 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng áp lực bán gia tăng đã đẩy cổ phiếu này về sát mốc tham chiếu. Kết phiên, SHS tăng nhẹ 0,5% lên mức 20.100 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã chứng khoán khác cũng kém lạc quan hơn với MBS đảo chiều giảm 2,4% xuống mức 29.000 đồng/CP và khớp 5,9 triệu đơn vị, APS giảm 1,4%, VIG giảm 1,1%, BVS giảm 1,2%, EVS giảm 2,3%...
Các cổ phiếu khai khoáng trên HNX cũng hạ độ cao, với PVS chỉ tăng 1% và khớp lệnh hơn 14 triệu đơn vị, PVC tăng nhẹ 0,7% và khớp 3 triệu đơn vị, PLC tăng 2,4% và khớp 0,75 triệu đơn vị…
Ngoài ra, nhiều mã đáng chú ý trong nhóm HNX30 cũng suy yếu như CEO giảm 0,8%, IDC giảm 2,5%, TNG giảm 1,4%... hay HUT lùi về mốc tham chiếu.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch phân hóa và cũng diễn ra rung lắc nhẹ nhưng UPCoM-Index may mắn thoát hiểm cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,15%), lên 91,09 điểm với 126 mã tăng và 129 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,53 triệu đơn vị, giá trị 502,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,56 triệu đơn vị, giá trị đạt hơn 28 tỷ đồng.
Cổ phiếu DDV tiếp tục nóng hơn trong phiên chiều khi đà tăng không ngừng nới rộng. Kết phiên, DDV tăng 5,7% lên mức giá cao mới 16.600 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt hơn 3,81 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM.
Trong khi đó, BSR lùi về mốc tham chiếu 19.200 đồng/CP với giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 6,29 triệu đơn vị.
Các mã khác như SBS, AAS, ABB, OIL đều kết phiên đứng giá tham chiếu với khối lượng giao dịch đạt một đến vài triệu đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2404 đáo hạn gần nhất là ngày 17/4 giảm 15,6 điểm, tương đương -1,2% xuống 1.268,9 điểm, khớp lệnh 225.890 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.470 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CSTB2322 vẫn có khối lượng giao dịch lớn nhất, đạt hơn 4,55 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 18,6% xuống 570 đồng/cq. Tiếp theo là CMWG2316 khớp 3,18 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 9,6% xuống 940 đồng/cq.