Trong khi đó, ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sacomreal khi bình luận về các biến động về giá vừa qua trên thị trường BĐS TP.HCM, dự báo rằng, từ nay đến cuối năm, giá BĐS sẽ tiếp tục tăng tối thiểu 10 -20%.
Theo khảo sát tại Trung tâm Giao dịch Novahomes, giá một loạt dự án thuộc quận 7 như Him Lam - Kênh Tẻ có mức tăng 10 - 30% (lên 17 - 20 triệu đồng/m2). Riêng ở khu vực tiệm cận Phú Mỹ Hưng như Phú Xuân, Phú Mỹ (Nhà Bè), giá đất từ 5 triệu đồng/m2 đã vọt lên 7 - 8 triệu đồng/m2 ở những vị trí thường và vượt ngưỡng 10 - 21 triệu đồng/m2 ở những vị trí “đắc địa” như góc, giao lộ lớn...
Theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp BĐS TP.HCM (HOREA), thông tin về một loạt công trình hạ tầng có điểm rơi vào cuối năm 2007 - 2008, như công trình đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Nguyễn Văn Cừ (dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2008); Dự án Cầu Thủ Thiêm (chuẩn bị thông xe kỹ thuật cuối năm nay và thông xe chính thức vào ngày 30/4/2008), cùng thông tin có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tìm đến Dự án Thủ Thiêm... vô hình trung đã tác động khá mạnh lên giá BĐS ở một số khu vực tiệm cận Dự án trực thuộc quận 2, 9, 7 và Nhà Bè.
Đặc biệt, với chủ trương chuẩn bị đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chủ trương đẩy nhanh tiến độ Dự án Sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), thông tin khởi động Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên và thông tin về đầu tư tuyến đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi... cũng đã khiến đất của khu vực quận 2, 9, cùng khu vực Nam Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng trở thành các điểm nóng về giá trên thị trường BĐS.
Cùng chung quan điểm này, ông Bùi Tiến Thắng cho rằng, ngoài yếu tố về hạ tầng, thị trường BĐS còn chịu sự tác động của thông tin về chủ trương mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà, cùng chủ trương cho phép những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam được phép mua nhà ở (dự thảo đang được xây dựng). Nếu dự thảo này được thông qua thì số lượng hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam có nhu cầu nhà ở lâu dài sẽ tạo nên động lực lớn cho thị trường BĐS, góp phần tăng thêm ít nhất là 20% về giá.
“Rõ ràng chủ trương này sẽ tạo ra lượng cầu mới, với dung lượng lớn tối thiểu từ 1 đến 2 năm cho thị trường sau thời gian bị dồn nén kéo dài, trong khi để đáp ứng nguồn cung BĐS đòi hỏi tối thiểu 2 - 3 năm, nên giá tăng mạnh ở phân khúc này là chắc chắn. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm lại trùng với thời điểm vàng cho kinh doanh BĐS hàng năm, do lượng tiền lợi nhuận từ các lĩnh vực khác bắt đầu trở về. Xu hướng lạnh và kém hấp dẫn của thị trường chứng khoán đã khiến nhiều nhà đầu tư phải cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình và việc chọn thị trường BĐS - vốn là một thị trường có độ an toàn cao với khả năng sinh lời an toàn hơn. Tất cả sẽ khiến nguồn cầu trên thị trường có sự tăng đáng kể”, ông Thắng phân tích.
Giá đã tăng sẽ khó giảm. Đó là nhận định chung được hầu hết các chuyên gia BĐS tán thành. Theo ông Bùi Tiến Thắng, sẽ có sự tăng giá tối thiểu 10 - 20% so với hiện tại, nếu không có sự đột biến về chính sách. Trong khi đó, theo quy luật “bất thành văn” của thị trường BĐS Việt Nam, giá BĐS đã tăng thì khả năng giảm rất ít (bình quân nếu tăng 100% thì khi giảm, hãn hữu lắm mới chỉ là 20 - 30%). “Đặc biệt, giá đất không bao giờ giảm về mức khởi điểm ban đầu, dù thị trường có đóng băng”, ông Thắng khẳng định.