Cuộc đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài
Theo hãng dịch vụ tư vấn bất động sản CRBE, năm 2024 là năm “đại thắng” của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và thị trường phía Nam nói riêng khi đi ngược dòng xu hướng thế giới với việc hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Trong 11 tháng năm 2024, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài, với gần 5,63 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 18% tổng vốn đầu tư đăng ký (cùng kỳ năm 2023 chỉ ở mức 5,2%).
Dẫn chứng cụ thể, CBRE đưa ra thương vụ 982 triệu USD do nhóm công ty trụ sở tại Việt Nam mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển đầu tư và Thương mại SDI. Kế tiếp là thương vụ Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group (Singapore) mua dự án nhà ở của Becamex IDC.
Được thành lập năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital có cái bắt tay thành công để hút 150 triệu USD từ liên doanh Consmos Initia (Nhật Bản). Theo hợp tác này, 150 triệu USD sẽ được rót vốn vào để TT Capital phát triển các dự án chung cư cao cấp tại các tỉnh phía Nam. Dự án đầu tiên là 2.000 căn hộ chung cư mang tên TT Avio tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương; tiếp đó là các dự án khác ở các năm tiếp theo.
Kim Oanh Group đã ký kết với 4 đối tác hàng đầu Nhật Bản, bao gồm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi, NTT, AEON Việt Nam, để đầu tư dự án rộng 50 ha tại Bình Dương mang tên The One World có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trong đó số vốn mà 4 doanh nghiệp góp là 350 triệu USD.
Một cái bắt tay thành công nữa được ghi nhận là Frasers (Singapore) hợp tác với Kim Oanh Group để phát triển dự án nhà ở rộng 27 ha tại thành phố mới Bình Dương. Ngoài ra, còn có các thương vụ như Nhà Khang Điền hút vốn của Keppel Land (Singapore) vào dự án bất động sản tại TP. Thủ Đức, TP.HCM; Phúc Khang nhận được cái bắt tay với doanh nghiệp Nhật Bản tại dự án sắp triển khai ở TP. Thủ Đức trong năm 2025…
Ông Keisuke Muraoka, đại diện liên doanh Cosmos Initia (Nhật Bản) cho rằng, với nhà đầu tư nước ngoài, việc tham gia thị trường bất động sản Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, lựa chọn doanh nghiệp, dự án để bắt tay hợp tác là điều được xem xét rất kỹ ở nhiều góc độ. Đặc biệt, trong các dự án bất động sản, yếu tố quan trọng nhất là khả năng thu hút người mua thực sự muốn sinh sống tại dự án. Ngay cả khi các thủ tục pháp lý được hoàn thiện, dự án vẫn không thành công nếu không đáp ứng được nhu cầu sống của khách hàng.
“Bên cạnh đảm bảo tiến độ pháp lý, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các yếu tố như vị trí, tiện ích và môi trường sống xung quanh dự án. Đối với đối tác, chúng tôi tìm kiếm những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nhà ở và có uy tín trên thị trường. Có như vậy, cái bắt tay mới có thể thành công trên thực tế, chứ không phải trên hợp đồng ký kết”, ông Keisuke Muraoka nói.
Dòng vốn ngoại là kỳ vọng của năm 2025
Xu hướng của các đối tác ngoại hiện nay là nhìn vào sản phẩm ở thực, bởi các dòng sản phẩm này khi phát triển và bán hàng sẽ có biên độ tiêu thị hàng tốt và nhanh hơn các dòng cao cấp. Mức vốn rót vào cũng thấp hơn, biên độ thu hồi lợi nhuận nhanh hơn.
- Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Kim Oanh Group
Theo giới quan sát thị trường, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ bộ vào bất động sản đang có nhiều thay đổi. Cụ thể, các doanh nghiệp ngoại khi rót vốn vào thị trường đều hướng tới dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, chứ không chú trọng vào sản phẩm cao cấp. Đây là tín hiệu tích cực, giúp giải tỏa sự lệch pha cung cầu của thị trường, khi mà toàn thị trường đang vắng bóng dự án nhà ở vừa túi tiền.
Bên cạnh đó, hướng phát triển của dòng vốn ngoại cũng không còn tập trung vào thị trường TP.HCM, mà đã tỏa ra các tỉnh phụ cận.
Ông Keisuke Muraoka cho biết, hơn 50 năm kinh nghiệm phát triển bất động sản, Cosmos Initia định hướng nghiên cứu thị trường bất động sản tại các tỉnh phụ cận TP.HCM thông qua dự án đầu tiên TT Avio và dự định tập trung vào khu vực trung tâm TP.HCM - nơi liên doanh này kỳ vọng sự phát triển đô thị liên tục trong những năm tiếp theo.
Cosmos Initia cũng giám sát các khía cạnh quan trọng của dự án để đảm bảo rằng, sản phẩm cuối cùng đáp ứng được mong đợi của khách hàng về chất lượng và sự tiện nghi. “Dòng sản phẩm chúng tôi hướng tới là sản phẩm giá tầm trung, khoảng 2 tỷ đồng/sản phẩm. Đây là dòng sản phẩm mà thị trường đang thiếu và có nhu cầu rất lớn”, ông Keisuke Muraoka nói.
Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Kim Oanh Group, các đối tác từ Nhật Bản và Singapore đồng ý bắt tay với Kim Oanh Group do các dự án mà doanh nghiệp phát triển đều là các dòng sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở tầm trung.
Cũng theo bà Oanh, Kim Oanh Group chọn hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản là bởi họ chuyên nghiệp, minh bạch, kỷ luật và có hàng trăm năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản. Hợp tác với các đối tác này, doanh nghiệp học được cách triển khai chất lượng thay vì số lượng. Họ cũng mang lại các giải pháp quy hoạch hàng đầu thế giới là quy hoạch kết hợp với văn hóa bản địa.
Khó khăn khi hợp tác với đối tác Nhật Bản (không phải 1 mà tới 4 đối tác thì khó khăn càng lớn hơn) là họ yêu cầu rất nhiều việc chi tiết, những đòi hỏi mà thị trường Việt Nam chưa có. Kim Oanh Group phải lùi lại một bước để có được sự hợp tác này. Họ chọn vị trí đắc địa, pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư sẽ trả tiền theo tiến độ pháp lý và doanh nghiệp phải chấp nhận chuyện này.
“Hợp đồng ràng buộc rất kỹ, nếu tiến độ không đạt sẽ bị phạt. Rất nhiều điều khoản khắt khe, nhưng có thể tự hào nói rằng, chúng tôi đã và đang đi đến giai đoạn cuối của thương vụ hợp tác, tiến độ pháp lý sắp hoàn tất. Ngoài thương vụ hợp tác này, chúng tôi còn rất nhiều dự án mong muốn có sự hợp tác với các nhà đầu tư với cơ chế win-win”, bà Kim Oanh nói.
Ông Lee Leong Seng, Giám đốc Bộ phận Phát triển bất động sản nhà ở, Khối Bất động sản, Keppel Việt Nam cho biết, nhà đầu tư ngoại hiện nay ưu tiên các dự án có pháp lý rõ ràng và sẵn sàng phát triển. Ngành bất động sản đối mặt với một số rào cản về thủ tục pháp lý và tài chính khiến việc gia nhập thị trường thông qua mua bán, sáp nhập (M&A) hiệu quả hơn so với rót vốn trực tiếp vào dự án mới.
Đồng thời, với việc quan sát kỹ thị trường, các doanh nghiệp ngoại nhìn thấy hướng đi mới là nhà ở vừa túi tiền quanh TP.HCM. Nhu cầu nhà ở tại các khu vực này đang rất lớn và biên độ “chắc thắng” cao hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào thị trường bất động sản phía Nam trong năm 2024 cho thấy sức hấp dẫn của thị trường. Các lý do được chỉ ra là với dân số và đô thị hóa mạnh, nhà đầu tư nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng và bán lẻ.
Theo ông Châu, năm 2025 sẽ là một năm đầy kỳ vọng với thị trường bất động sản phía Nam khi sự bắt tay giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp ngoại chính thức được thực hiện hóa. Xu hướng liên doanh, hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài hướng đến dài hạn, bền vững là lựa chọn thông minh của các doanh nghiệp Việt mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Đặc biệt, năm 2025 sẽ ghi nhận thêm khá nhiều thương vụ nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào bất động sản phía Nam. Các doanh nghiệp lớn như Hưng Thịnh, Novaland, Phát Đạt, TTC Land… đang thương thảo với các doanh nghiệp ngoại và có thể công bố thương vụ trong năm 2025.