Thị trường bất động sản còn khó “tiêu” tiền ngoại

(ĐTCK) Dù được đánh giá có nhiều điểm cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, nhưng sau hơn 1 năm có hiệu lực, vẫn còn một số lấn cấn của Luật Nhà ở 2014 cần xóa bỏ để kích nguồn cầu nhiều tiềm năng này.
Thủ tục phức tạp là rào cản hạn chế người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn Thủ tục phức tạp là rào cản hạn chế người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Giao dịch của người nước ngoài tăng mạnh

Trước khi Luật Nhà ở 2014 được thông qua, thị trường ghi nhận rất ít trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Theo thống kê từ nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, số trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tính đến cuối 2014 chỉ khoảng 300 trường hợp, trong đó chưa đến 100 người đứng tên sở hữu, quá khiêm tốn so với khoảng 100.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Sau khi Luật Nhà ở 2014 với nội dung nới rộng hơn quyền sở hữu nhà ở cho Việt kiều, người nước ngoài có hiệu lực (1/7/2015), thị trường bất động sản Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng tăng mạnh trong hơn 1 năm qua, nhất là tại các dự án nhà ở tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, cũng như các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Tổng hợp từ số liệu công bố của một số chủ đầu tư tại TP. HCM và Hà Nội cho thấy, trong hơn 1 năm qua, số căn hộ bán cho khách nước ngoài cao gấp từ 2 - 3 lần so với các năm trước.

Một số dự án bất động sản tại TP. HCM nhận được sự quan tâm của người nước ngoài như Vinhomes Central Park của Vingroup, Gateway Thảo Điền của Hamon Developments và Sơn Kim Land, Nassim Thảo Điền của Hongkong Land và Sơn Kim Land... Bên cạnh đó, những sự kiện mở bán của Dự án Vista Verde (quận 2, TP. HCM) do CapitaLand phát triển và Estella Heights (quận 2, TP. HCM) do Keppel Land phát triển tại thị trường Singapore cũng ghi nhận nhiều phản hồi tích cực với doanh số bán hàng tương đối khả quan.

Tại thị trường Hà Nội, dù chưa có con số chính thức, song theo khảo sát của phóng viên, những dự án cao cấp đã hoàn thành cơ sở hạ tầng của một số chủ đầu tư như FLC, Vingroup…, cũng nhận được sự quan tâm từ khách nước ngoài.

Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều dự án lớn tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… đã bắt đầu có sự tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Greg Ohan, Giám đốc Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam chia sẻ, số lượng người nước ngoài quan tâm đến bất động sản Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Bất động sản Việt Nam cũng thường xuyên là chủ đề “hot” được thảo luận tại các diễn đàn gặp gỡ, trao đổi về hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Sau hơn 1 năm kể từ ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, những quy định mới (cộng thêm những yếu tố tích cực của thị trường), đã đưa bất động sản Việt Nam từ một thị trường bị lãng quên, trở thành thị trường mới nổi, ngày càng hấp dẫn của khu vực. Tuy vẫn còn không ít hạn chế, nhưng sự thay đổi của luật đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

“Bên cạnh vấn đề nới rộng điều kiện sở hữu, thì khả năng chi trả cũng là yếu tố quan trọng để người nước ngoài quyết định việc xuống tiền mua nhà tại Việt Nam. Chẳng hạn, giá bất động sản hiện nay tại Hà Nội và TP. HCM đã khá đắt đỏ, làm nhiều người băn khoăn khi quyết định mua nhà. Tuy nhiên, sự thay đổi luật với việc nới rộng điều kiện và đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là điều kiện rất tốt, vì vậy, nếu có cơ hội, việc mua nhà tại Việt Nam là không có gì quá khó khăn với người nước ngoài”, ông Greg cho biết thêm. 

Cần xóa bỏ lấn cấn

Đồng tình với quan điểm, Luật Nhà ở 2014 đã đem đến nhiều cơ hội cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, song ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc pháp lý cần được khơi thông để kích thích nguồn cầu tiềm năng của người nước ngoài.

Chẳng hạn, nhiều người nước ngoài hiện nay vẫn có nhiều e ngại về những thủ tục hành chính khi muốn mua nhà tại Việt Nam, như xác minh nguồn gốc của người nước ngoài, hay Việt kiều. Bên cạnh đó, thời hạn sở hữu 50 năm cũng cần được tính từ khi nhận chuyển nhượng, chứ không tính thời hạn của chủ cũ đã sử dụng. Ngoài ra, khi bán nhà, có cơ chế để người nước ngoài chuyển tiền nước ngoài…

Theo ông Matthew, đối với bất kỳ cá nhân hay gia đình nào, dù Việt Nam hay nước ngoài, ngôi nhà là một tài sản lớn, nên nguồn cầu tiềm năng của một đối tượng khách hàng sẽ chỉ được thể hiện khi hành làng pháp lý đã thông suốt, không còn bất kỳ trở ngại nào. Việc còn lại sẽ do quy luật cung - cầu của thị trường quyết định.

Một số chủ đầu tư đang triển khai dự án bất động sản hướng tới nhà đầu tư nước ngoài như Phú Long, Hưng Thịnh Land…. cho biết, số lượng người nước ngoài quan tâm tới nhà ở Việt Nam hiện nay khá lớn, tuy nhiên, số người quyết định mua nhà chưa nhiều, cùng lắm chỉ người nước ngoài có vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng tên mua nhà dự án. Ngoài ra, chủ yếu là những người nước ngoài gốc Việt là chủ yếu, chứ không phải người nước ngoài “chính hiệu”.

Do đó, theo các chuyên gia, để lượng tiền của người mua nước ngoài chảy mạnh hơn nữa vào thị trường bất động sản Việt Nam, các cơ quan quản lý cần phải sớm có những giải pháp khắc phục triệt để những tồn tại nêu trên.

GS. Đặng Hùng Võ cho biết, người nước ngoài vốn kỹ tính, nên các dự án phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì mới có khả năng được họ “để ý”. Giá cả đối với người nước ngoài có thể không quan trọng, vấn đề mà họ quan tâm là an ninh, an toàn, các dịch vụ tiện ích, nhất là về trường học và môi trường sống cho con cái họ phải đạt chuẩn.

Hơn nữa, cách tiếp thị, tư vấn, hỗ trợ của các chủ đầu tư, môi giới trong nước đều làm theo kiểu cũ như với khách hàng nội địa, nên người nước ngoài rất e ngại khi lựa chọn một dự án nào đó.

Do đó, ngoài việc cần tiếp tục “cởi trói” tìm cách tháo gỡ những lấn cấn trong quy định về sở hữu nhà ở của người nước ngoài, thì quan trọng nhất chính là ý thức của chủ đầu tư.

Những chủ đầu tư nào thực sự xác định rõ việc phát triển các dự án của mình một cách nghiêm túc và có định hướng rõ ràng trong việc phục vụ và mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, sẽ có cơ hội đón nhận một lượng khách tiềm năng vô cùng lớn sắp tới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục