Thị trường bất động sản có thể sẽ trở thành "tử huyệt" của hệ thống ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia bên lề buổi Hội thảo Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/4.
Thị trường bất động sản có thể sẽ trở thành "tử huyệt" của hệ thống ngân hàng

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách rất quan trọng, đó là chính sách tập trung cho nhà ở xã hội và chính sách về lãi suất ngân hàng trung ương, những chính sách này đều nhằm hỗ trợ cho tín dụng bất động sản.

Theo ông Nghĩa, quan trọng nhất vẫn là hành động, chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề lớn. Một là phải giải quyết nhanh các thủ tục về đất đai để có thêm nguồn cung. Hiện nay, có rất nhiều dự án bỏ dở dang, có rất nhiều dự án thực hiện thủ tục trong nhiều năm nhưng vẫn còn nằm đấy.

Trong đó, vấn đề lớn nhất cần xử lý là giá đền bù giải phóng mặt bằng, giá tính thuế quyền sử dụng đất và đấu thầu. Đây là 3 vấn đề lớn mà chúng ta đang vướng mắc để có thể giải quyết nhanh các vấn đề về nguồn cung đất cho các dự án.

Cường độ ra chính sách cho thị trường bất động sản chưa bao giờ nhiều như thế.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Vấn đề thứ hai, theo ông Nghĩa, là tín dụng ngân hàng, mảng tín dụng ngân hàng trong 2 năm vừa qua rất kẹt, bởi bất động sản và các ngành kinh tế khác đều gặp khó. Một "cơn bão" thanh khoản đã tràn từ châu Âu sang châu Á và đến Việt Nam. Đây là vấn đề làm cho toàn bộ thanh khoản của hệ thống gặp khó khăn, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường bị ảnh hưởng nặng nhất và nó làm cho nguồn vốn dành cho bất động sản bị đình đốn rất nặng nề.

Một số thách thức lớn trong lĩnh vực tín dụng có thể thấy là dòng vốn vào thị trường bất động sản giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục khi quý I/2023 chỉ đạt 1,6%. Áp lực đáo hạn trái phiếu còn rất lớn khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn khoảng 100.000 tỷ đồng.

TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ bên lề hội thảo

TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ bên lề hội thảo

Sắp tới đây, Chính phủ sẽ tập trung vào giải quyết hai vấn đề cho thị trường bất động sản.

Thứ nhất là tạo ra mặt bằng giá mới cho thị trường bất động sản và trên nền tảng đó, các doanh nghiệp tự động cơ cấu lại doanh nghiệp của mình theo mặt bằng giá mới.

Thứ hai là tạo ra một mặt bằng lãi suất mới, mà trên nền tảng lãi suất đó tạo ra một chương trình tái cấu trúc cho cho toàn bộ thị trường bất động sản nói chung và cho từng doanh nghiệp nói riêng.

"Đây là vấn đề tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải hành động nhanh. Nếu không nhanh thì thị trường bất động sản rất có thể sẽ trở thành "tử huyệt" của hệ thống ngân hàng và là một nguy cơ rất lớn gây nên khủng hoảng kinh tế", ông Nghĩa bày tỏ lo ngại.

Để nhanh chóng giải quyết và tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách vĩ mô tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản như Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 và Nghị định số 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, trong đó có nội dung quan trọng mở đường cho việc cấp giấy chứng nhận sở hữu cho sản phẩm căn hộ du lịch.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục