Thị trường bất động sản chờ tin vui

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái tích cực từ cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ những vướng mắc pháp lý hiện hữu trong lĩnh vực bất động sản sẽ tạo động lực quan trọng để thị trường này bứt phá trong thời gian tới.
Sớm tháo gỡ các “nút thắt” pháp lý sẽ thúc đẩy thị trường địa ốc bùng nổ sau dịch Sớm tháo gỡ các “nút thắt” pháp lý sẽ thúc đẩy thị trường địa ốc bùng nổ sau dịch

Gỡ nút thắt pháp lý…

Suốt gần một tháng qua, thị trường bất động sản nóng lên với những kiến nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đặc biệt là việc sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 75 - Luật Đầu tư 2020 và sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 - Luật Nhà ở 2014 để “tháo chốt” cho hơn 200 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội.

Cho đến ngày 5/10/2021 vừa qua, câu chuyện pháp lý này đã tiến triển một bước quan trọng với việc Chính phủ chính thức có tờ trình Quốc hội Dự luật sửa đổi 10 luật, trong đó có sửa điểm nghẽn về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV dự kiến tổ chức vào cuối tháng 10 này.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng đang gấp rút soạn thảo, xin ý kiến các cơ quan ban ngành để ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản.

Nói như ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) rằng, việc sớm tháo gỡ các “nút thắt” trong vận hành thị trường sẽ là một cú huých, thúc đẩy thị trường địa ốc bùng nổ sau giãn cách.

“Nghiên cứu đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP hiện vào khoảng 7,62% và quan trọng hơn, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản có thể tác động lan tỏa tới ít nhất 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp là xây dựng, công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA nhấn mạnh.

Mô hình khảo sát của VNREA đưa ra đánh giá, nếu giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản giảm 10% thì GDP sẽ giảm tương ứng 1,247%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, với mức giảm 0,861%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,366%; du lịch giảm 0,352% và dịch vụ khác giảm 0,348%...

Trong Dự án luật sửa đổi 10 luật vừa được Chính phủ trình Quốc hội có đề xuất sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 75 - Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng cho phép công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại với cả dự án có nguồn gốc không phải đất ở, chỉ cần phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đây cũng là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đó và nếu được Quốc hội thông qua, việc cởi bỏ nút thắt pháp lý này sẽ là tin vui lớn với toàn thị trường bất động sản.

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tiễn cho thấy, sau giãn cách kinh tế thường bật tăng mạnh và sẽ bắt đầu từ thị trường bất động sản. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay là tạo tiền đề để thị trường bất động sản có cơ hội phục hồi nhanh và mạnh hơn, trong đó có việc thiết lập các cơ chế và không gian chính sách rộng mở hơn.

Còn ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC thẳng thắn nói rằng, trở ngại pháp lý chính là điều khiến các chủ đầu tư do ngại nhất khi đầu tư dự án.

“Có nhiều dự án vị trí đắc địa, sức cầu tốt, nhưng lại vướng thủ tục pháp lý, ví dụ như dự án Khu công nghiệp Hoàng Long quy mô 450 ha giáp với TP. Thanh Hóa, mấy năm nay không thể triển khai do phải chờ thủ tục của Thành phố. Hiện tại, dự án vẫn đang dừng ở việc lấy ý kiến các bộ ngành, cho dù chủ đầu tư đã rất nỗ lực hoàn thiện thủ tục pháp lý”, ông Quyết nêu dẫn chứng.

… thị trường sẽ bứt tốc

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), ở đây cần nhìn nhận thẳng vào bản chất của thị trường hiện nay là nhu cầu tiêu dùng tuy có giảm, nhưng nhu cầu đầu tư vẫn tăng.

“Trong quý III/2021, VARS đã thực hiện thống kê ở 12 thị trường lớn trên cả nước và nhận thấy rằng, vẫn có hàng vạn giao dịch diễn ra ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất”, ông Đính nói và cho biết thêm, ngoài những dự án còn phải chờ việc sửa đổi pháp lý, một số dự án cũng đã được điều chỉnh và xử lý các vướng mắc để kịp đưa ra thị trường trong quý IV này, giúp giảm bớt áp lực về nguồn cung và mặt bằng giá trong bối cảnh sức ép chi phí nguyên vật liệu đang đè nặng lên doanh nghiệp như hiện nay.

Hiện có hơn 200 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội bị ách tắc vì vướng pháp lý. Ảnh: Dũng Minh

Hiện có hơn 200 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội bị ách tắc vì vướng pháp lý. Ảnh: Dũng Minh

Trong bản báo cáo mới nhất, VARS đưa ra dự báo, trong quý IV/2021, sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp phát triển bất động sản và nhà thầu kịp hồi phục “sức khỏe”, trở lại trạng thái bình thường. Cũng theo VARS, mặc dù nhu cầu đầu tư từ các nhà đầu tư hiện hữu có chiều hướng suy giảm, nhưng lượng nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) lại tăng mạnh, qua đó có thể giúp nhu cầu đầu tư phục hồi trở lại 50% so với mức cao điểm của cùng kỳ các năm 2018, 2019.

Đánh giá về nguồn cung sản phẩm trong quý cuối năm này, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, các chủ đầu tư sẽ nhanh chóng triển khai các chương trình chào bán sản phẩm sau thời gian dài chuẩn bị và chờ đợi hết giãn cách. Tuy nhiên, nguồn cung sơ cấp sẽ không dồi dào và tập trung chủ yếu ở một số dự án quy mô lớn, bên cạnh yếu tố độ trễ khi việc hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án tiếp tục kéo dài. Theo đó, giá bán có thể tăng nhẹ ở thị trường sơ cấp.

Trên thị trường thứ cấp, dự báo sẽ có làn sóng bán ra để giải quyết vấn đề thanh khoản cũng như thu hồi dòng tiền đầu tư bị nghẽn do giãn cách kéo dài, nhưng khả năng giảm giá sâu trên diện rộng sẽ khó xảy ra. Ngoài ra, hoạt động giao thương giữa các địa phương vẫn còn khó khăn nên thời gian khởi động dự án ở các tỉnh sẽ không nhanh như ở thành phố.

“Nhìn chung, xu hướng giao dịch sẽ cải thiện trong quý cuối năm nhờ nỗ lực của các thành viên thị trường trong việc kích hoạt nhu cầu mua - bán bất động sản. Tuy nhiên, cần khoảng 1-3 tháng để các bên bắt nhịp trở lại và thu xếp tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh. Kịch bản lạc quan là thị trường có thể tái khởi động và kích hoạt được 70% nguồn lực trong 3-6 tháng tới. Ở kịch bản xấu hơn, khi mọi yếu tố vẫn còn chưa thuận lợi thì khả năng kích hoạt được 50% nguồn lực thị trường đã là một nỗ lực rất lớn”, bà Hương nói.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT KingBroker nhìn nhận, khi dịch được kiểm soát tốt hơn sẽ tạo sức bật tốt cho thị trường, giúp các sản phẩm được tiêu thụ nhanh sau giai đoạn dài bị kìm nén vì dịch, nhất là những sản phẩm có pháp lý rõ ràng, phục vụ nhu cầu ở thực.

Ninh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục