Thị trường bảo hiểm năm 2017 dự báo sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, theo Cục trưởng, đâu là nguyên nhân chính yếu góp phần tạo nên kết quả này?
Năm 2017, trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, việc triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong những năm vừa qua đã giúp thị trường bảo hiểm đạt được những kết quả tích cực, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân.
Hiện toàn thị trường bảo hiểm có 63 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của toàn thị trường ước đạt 21,2%. Tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 302.935 tỷ đồng tăng 23,44% so với năm 2016. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm 2016. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2016, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.423 tỷ đồng, tăng 14,92% so với năm 2016.
Ông Phùng Ngọc Khánh
Đạt được các kết quả tích cực như trên có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến năm 2017, tình hình kinh tế thế giới khởi sắc hơn, tăng trưởng và thương mại toàn cầu phục hồi đã có tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước, trong đó nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính được phát huy, tạo lập được niềm tin và sự hứng khởi của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp đó là khung khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ngày càng hoàn thiện tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Trong năm 2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP thay thế 4 nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
Các văn bản mới được ban hành đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, dễ tra cứu khi triển khai áp dụng quy định pháp luật, đồng thời tháo gỡ vướng mắc, khai thông nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm trở lại nền kinh tế, tạo quyền chủ động và tính tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong việc xác định chi phí kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả, an toàn tài chính cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, Nghị định thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế
Cuối cùng là nỗ lực của chính các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá, xếp hạng.
Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (kèm Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng cho ngành bảo hiểm. Theo Cục trưởng, với sự phát triển của ngành những năm vừa qua thì đến thời điểm này có thể dự báo sớm kết quả thực hiện Chiến lược 2011-2020 không?
Kết thúc giai đoạn trung hạn 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, ngày 5/7/2016, Bộ Tài chính đã có Báo cáo số 62/BC-BTC về kết quả tình hình triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015 và các giải pháp thực hiện giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, mặc dù còn có những khó khăn, thách thức nhất định, song với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan liên quan, cùng những nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu trung hạn đặt ra tại Chiến lược. Tổng doanh thu đạt mức tăng trưởng bình quân 16,8%/năm giai đoạn 2011-2015.
Tính đến cuối năm 2015, doanh thu ngành bảo hiểm đạt khoảng 2% GDP; quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 2,16 lần so với năm 2010, đáp ứng bồi thường và chi trả quyền lợi khách hàng kịp thời khi xảy ra rủi ro; tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 160.466 tỷ đồng, tăng 2,02 lần so với năm 2010, góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn ổn định cho nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2015, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 7.558 tỷ đồng.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011-2015, nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược đến năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1139/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển thị trường giai đoạn 2016-2020. Cả 6 nhóm giải pháp đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đã được triển khai đồng bộ. Bước đầu triển khai các giải pháp này đã cho thấy những kết quả tích cực. Thị trường bảo hiểm trong 2 năm 2016 và 2017 đều đạt được mức tăng trưởng cao trên 20%.
Trong thời gian tới, tôi tin rằng thị trường bảo hiểm sẽ phấn đấu tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Chiến lược trong giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh những mặt tích cực như ông vừa đề cập, ngành bảo hiểm vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện như khung khổ pháp lý, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh chạy theo doanh thu, năng lực tài chính và hệ thống quản trị của không ít doanh nghiệp còn yếu... Bộ Tài chính với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đánh giá thế nào về thực trạng này và có kế hoạch thế nào để thị trường bảo hiểm hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn?
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, song phải thừa nhận rằng, thị trường bảo hiểm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần được khắc phục để phát huy hơn nữa vai trò cũng như sự phát triển của thị trường mạnh mẽ hơn.
Về hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm, mặc dù được xây dựng tương đối đầy đủ, tuy nhiên cần có thêm các chính sách ưu đãi để khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm an sinh xã hội, sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp, sản phẩm bảo hiểm y tế.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm thì năng lực quản trị, điều hành của một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước còn yếu. Một số doanh nghiệp phi nhân thọ trong nước hiện nay vẫn đang áp dụng mô hình quản lý phi tập trung, phân cấp. Trong khi đó, hệ thống công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức, thủ công, dẫn đến hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các kênh phân phối tuy phát triển đa dạng song tính chuyên nghiệp chưa cao, chi phí dành cho các kênh phân phối lớn. Vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Nhận thức được những tồn tại đó, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020 và Đề án tái cấu trúc thị trường bảo hiểm giai đoạn 2017-2020, Bộ Tài chính đã xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại.
Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có ý nghĩa an sinh xã hội và có ý nghĩa đối với nền kinh tế như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thủy sản... Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự kiến vào năm 2020.
Bên cạnh đó, để nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện đánh giá, xếp loại các doanh nghiệp bảo hiểm theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp, đảm bảo duy trì an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang triển khai nghiên cứu mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro để từng bước áp dụng phù hợp với thị trường bảo hiểm Việt Nam nhằm tăng cường tính chủ động cho doanh nghiệp trong việc sử dụng và quản lý nguồn vốn; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng về mức phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang dự thảo để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả lĩnh vực bảo hiểm. Trên cơ sở Nghị định 27/2007/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn đối với bảo hiểm thương mại điện tử (digital insurance) nhằm tạo hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa kênh phân phối.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tăng cường hình thức thi tập trung nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý bảo hiểm, góp phần chuyên nghiệp kênh phân phối này.
Trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo thị trường bảo hiểm cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh những giải pháp trên, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về bảo hiểm.
Về ngắn hạn với năm 2018, ông có thể cho biết những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất sẽ được Bộ Tài chính đặt ra cho thị trường bảo hiểm?
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, tôi cho rằng, trong năm 2018, thị trường bảo hiểm cần tập trung vào hai mục tiêu.
Thứ nhất là tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững, thu hút ngày càng đông các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bảo hiểm.
Thứ hai là nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường bảo hiểm đối với nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước.
Để đạt được những mục tiêu trên, cần có sự chung tay, góp sức của cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm.
Về phía cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào việc tăng cường năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, kênh phân phối mới, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại để tiếp cận rộng hơn tới mọi đối tượng khách hàng.
Đồng thời, công tác quản lý, giám sát cần đổi mới theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt sát sao tình hình của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, cần tự rà soát, điều chỉnh các quy trình kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính và chất lượng phục vụ, phát triển sản phẩm theo hướng linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Việc phát triển theo chiều rộng phải đi kèm với phát triển theo chiều sâu thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, chú trọng tới chất lượng của đội ngũ đại lý và các kênh phân phối, đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực.