Thị trường bảo hiểm sẽ phát triển chất lượng hơn

(ĐTCK) Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững.
Bảo hiểm đã chứng minh được vai trò là tấm lá chắn bảo vệ vững chắc cho người dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm

Ông có đánh giá như thế nào về thị trường bảo hiểm năm 2024?

Năm 2024, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi đó đã tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực bảo hiểm. Mặc dù vậy, với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, thị trường bảo hiểm kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho thị trường hồi phục.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính

Tính đến 30/11/2024, thị trường bảo hiểm có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm); tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 205.288 tỷ đồng, tăng 6,63%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22% (khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng 13,02%, khối bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 5,5%); chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13%.

Trong năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Năm 2024, thị trường bảo hiểm Việt Nam chịu tổn thất không nhỏ do bão Yagi. Nhìn lại quá trình ứng phó, giám định, bồi thường sau bão, ông thấy đâu là kết quả đáng ghi nhận nhất?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật; Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão.

Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bổ sung nhân sự, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.

Trước khi cơn bão tiến vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến cơn bão, bằng nhiều hình thức khác nhau đã liên hệ với khách hàng để hướng dẫn các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Tính đến ngày 22/11/2024, trên cơ sở báo cáo của 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm như sau: về người, có 158 vụ, số tiền bảo hiểm ước tính 25,6 tỷ đồng; về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác, có 14.611 vụ, ước tính thiệt hại 11.461 tỷ đồng; số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường là 471 tỷ đồng.

Cụ thể, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận 14.662 thông tin thiệt hại về bảo hiểm phi nhân thọ, sức khoẻ ước tính là 11.465 tỷ đồng do bão Yagi gây ra. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng là 453,4 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tổng số vụ tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm là 107 vụ; số tiền bảo hiểm ước tính là 21,29 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 17,7 tỷ đồng.

Tính đến 30/11/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ năm 2023

Quá trình ứng phó, giám định, bồi thường sau bão có gặp những khó khăn nào không, thưa ông?

Về công tác khắc phục hậu quả, việc khắc phục còn chậm vì thiệt hại lớn và xảy ra tập trung ở một số địa phương dẫn đến thiếu nguồn nguyên vật liệu và nhân công để sửa chữa; thời gian khắc phục kéo dài, chi phí khắc phục gia tăng, trong khi chi phí thanh lý, thu hồi giảm.

Về công tác giám định, về cơ bản, công tác giám định hiện trường đã được thực hiện xong, nhưng còn chậm do số lượng các vụ tổn thất và giá trị tổn thất là đặc biệt lớn, tập trung vào một thời điểm nên doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về việc bố trí đủ nhân sự thực hiện công tác giám định giải quyết bồi thường. Nhiều trường hợp tài sản bị thiệt hại là các tài sản, thiết bị đặc thù, cần sự tham gia giám định của đơn vị giám định quốc tế do các doanh nghiệp giám định trong nước chưa thực hiện được việc giám định các tài sản thiết bị này. Thêm vào đó, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp áp lực về việc phải đẩy nhanh thời gian bồi thường bảo hiểm, vì nếu thời gian bồi thường bảo hiểm kéo dài, các doanh nghiệp còn phải bồi thường thêm chi phí gián đoạn kinh doanh (nếu khách hàng có tham gia bảo hiểm gián đoạn kinh doanh).

Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn tất công tác giám định hiện trường và đang phối hợp chặt chẽ với công ty giám định và khách hàng để hoàn tất báo cáo giám định và xác định trách nhiệm bồi thường bảo hiểm. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng, bồi thường gần xong cho khách hàng. Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm có giá trị thiệt hại và mức trách nhiệm cao như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam thường phải tái bảo hiểm ra nước ngoài nên cần có thời gian để các nhà tái bảo hiểm nước ngoài đánh giá tổn thất, xác nhận bồi thường bảo hiểm.

Về mặt tài chính, việc bồi thường có ảnh hưởng gì tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt trong lĩnh vực phi nhân thọ, theo ông?

Các quy định mới tập trung vào 3 trụ cột chính: Một là, tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng; hai là, đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; ba là, tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bancassurance.

Để đảm bảo đáp ứng năng lực tài chính, khả năng thanh toán khi ký kết các hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn chủ động thực hiện các phương án tái bảo hiểm và quản trị rủi ro theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, về mặt tài chính, chi phí chi trả bồi thường bảo hiểm do bão Yagi gây ra sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, cụ thể là làm giảm lợi nhuận.

Năm 2024, có những văn bản pháp luật về bảo hiểm được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Ông có thể đánh giá các quy định mới nổi bật?

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ để hỗ trợ kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) phát triển theo hướng bền vững. Các quy định mới tập trung vào 3 trụ cột chính: Một là, tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng; hai là, đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; ba là, tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bancassurance.

Cụ thể, về tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng, pháp luật bổ sung các yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng. Theo đó, tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng sẽ phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và cung cấp. Đặc biệt, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, quá trình tư vấn của đại lý phải được ghi âm. Ngoài ra, yêu cầu các ngân hàng hoạt động đại lý phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của tổ chức tín dụng.

Về đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng, pháp luật bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập công cụ tính toán trên website của doanh nghiệp và hướng dẫn để khách hàng có thể chủ động, tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp với bản thân trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm; bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép buộc khách hàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khi đến vay vốn tại ngân hàng như báo chí và dư luận xã hội đã nêu trong thời gian qua.

Về tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bancassurance, pháp luật bổ sung các yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm. Chẳng hạn, tổ chức tín dụng phải thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý. Quy trình này phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan.

Pháp luật cũng bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý; bổ sung yêu cầu việc chi trả hoa hồng và các khoản thưởng cho đại lý phải có tiêu chí định lượng cụ thể, gắn với kết quả, thành tích về khai thác, duy trì hợp đồng bảo hiểm và chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bancassurance, quy định mới yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý, kịp thời phối hợp với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm (nếu có).

Pháp luật cũng sửa đổi các giới hạn đối với hoa hồng theo hướng giảm hoa hồng năm đầu và phân bổ vào các năm sau nhằm khuyến khích đại lý chú trọng vào chất lượng khai thác, công tác chăm sóc khách hàng, nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.

Với việc áp dụng các quy định mới trên, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng cần có thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện quy trình kinh doanh. Tuy nhiên, về lâu dài, thị trường bảo hiểm sẽ phục hồi theo hướng phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn.

Trong thời gian tới, để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm và nâng cao ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm, Bộ Tài chính dự kiến sẽ có giải pháp gì?

Từ khi hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế. Thị trường bảo hiểm còn nhiều tiềm năng để phát triển, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện mới đạt hơn 3%, thấp so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%).

Để thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm: hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai các sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù, sản phẩm bảo hiểm có tác động an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội như bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm thiên tai, liên kết bảo hiểm y tế thương mại, bảo hiểm y tế xã hội...

Hai là, tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai, minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm: tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định pháp luật.

Ba là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm: nâng cao vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực có liên quan trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, phương thức kinh doanh mới và quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Bốn là, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm và kênh phân phối bảo hiểm: khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm: đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm và tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Kim Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục