Thị trường bảo hiểm chung tay vượt “sóng cả”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Toàn thị trường bảo hiểm cần chung tay vượt qua khó khăn, hướng đến phát triển bền vững bằng cách nâng tầm chất lượng, từ sản phẩm đến đội ngũ kinh doanh, kênh phân phối.
Với các nỗ lực hiện tại, ngành bảo hiểm kỳ vọng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và duy trì được tăng trưởng doanh thu trong dài hạn Với các nỗ lực hiện tại, ngành bảo hiểm kỳ vọng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và duy trì được tăng trưởng doanh thu trong dài hạn

Điểm sáng trong khó khăn lan

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, ngành bảo hiểm năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức và có những biến động không nhỏ, đặc biệt do cuộc khủng hoảng trên truyền thông, khủng hoảng niềm tin người tiêu dùng. Khó khăn không dừng lại ở một vài doanh nghiệp bảo hiểm, mà lan rộng ra toàn ngành. Lần đầu tiên trong 20 năm qua, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng âm, càng cho thấy rõ tình trạng khó khăn.

Tuy nhiên, 11 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 86.467 tỷ đồng. Con số này cho thấy sự nỗ lực, sự đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước và an sinh xã hội, góp phần bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho người dân.

Nếu xét cả quá trình gần 30 năm hình thành và phát triển, thì thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Giai đoạn 2013 - 2022, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng trưởng trung bình 18,3%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tăng 11,6%, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 23,3%, cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng.

Đến nay, nhờ nỗ lực của toàn ngành, của các cơ quan chức năng, hệ thống pháp lý về kinh doanh bảo hiểm dần được hoàn thiện. Khối công ty bảo hiểm phi nhân thọ vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh khả quan.

Ngoài những điểm sáng liên quan đến tăng trưởng, hiệu quả hoạt động, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh, cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và duy trì được tăng trưởng doanh thu trong dài hạn.

Đơn cử, mới đây, Bảo hiểm Bảo Việt lần đầu tiên ra mắt thị trường Việt Nam sản phẩm bảo hiểm ô tô ứng dụng công nghệ, mang đến những trải nghiệm phong phú và ưu việt hơn cho người dùng trên chính chiếc xe của mình để có những hành trình an toàn. Đồng thời, đây cũng là cách để khách hàng tham gia vào một cộng đồng lái xe an toàn vì bản thân và cộng đồng.

Năm 2023, khó khăn không dừng lại ở một vài doanh nghiệp bảo hiểm, mà lan rộng ra toàn ngành, nhất là khối nhân thọ.

Kỳ vọng, khi khép lại năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn có lãi, một số duy trì được đà tăng trưởng và được tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới AM Best nâng hạng tín nhiệm, mở ra cơ hội mới giúp doanh nghiệp bứt tốc, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác nguồn khách hàng mới, đặc biệt là khách hàng quốc tế.

Có những công ty bảo hiểm duy trì biên khả năng thanh toán cao gấp nhiều lần so với yêu cầu của luật định. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng được nâng cao, thực hiện nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm kịp thời theo đúng thỏa thuận và quy định pháp luật.

Tương tự khối phi nhân thọ, các công ty bảo hiểm nhân thọ tiếp tục hành trình xây dựng đội ngũ tư vấn viên chất lượng, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn, đại lý bảo hiểm. Ngoài việc tuyển dụng, đào tạo và thực thi theo quy định, các doanh nghiệp đưa ra mô hình kinh doanh mới, chú trọng hoạt động huấn luyện, đào tạo để đảm bảo chất lượng đội ngũ đại lý vững vàng về kiến thức, chuyên nghiệp về phong cách, làm chủ công nghệ số…

Các doanh nghiệp đảm bảo năng lực tài chính, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, thực hiện nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm kịp thời.

Với các công ty chưa liên kết với ngân hàng thì mức độ ảnh hưởng bởi tâm lý e dè của người dân đối với bảo hiểm sau những “lùm xùm” trên kênh bancassurance ít hơn, dù tác động gián tiếp là có.

Nhưng dù các công ty bảo hiểm có sự dịch chuyển hay gặp biến cố ra sao thì bản chất của bảo hiểm cũng không thay đổi, nếu tư vấn đúng và đủ sẽ bảo vệ được nhiều người. Kết quả chi trả quyền lợi bảo hiểm từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 11 ước tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 86.467 tỷ đồng là con số đáng ghi nhận.

Cần chú trọng yếu tố ESG

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường quản trị để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng từ sản phẩm đến đội ngũ kinh doanh, kênh phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là về tính minh bạch thông tin.

Trong năm 2023, nhiều công ty bảo hiểm đã chú trọng đổi mới quy trình, chất lượng phục vụ khách hàng và tăng cường quản trị để đối mặt với những thách thức của thị trường, nhưng việc này cần được đẩy mạnh sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Tại Hội nghị Định phí bảo hiểm Việt Nam 2023 vừa qua, với sự tham gia của hơn 350 chuyên gia trong và ngoài nước, chủ đề “Kỷ nguyên mới của ngành bảo hiểm” đã được các công ty bảo hiểm nhân thọ và đối tác nêu bật tầm quan trọng của chuyển đổi công nghệ, tầm nhìn đặt khách hàng làm trọng tâm và hướng tới phát triển bền vững bằng cách thực hành chiến lược ESG (môi trường, xã hội, quản trị).

Các chuyên gia cho rằng, với mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025, các doanh nghiệp bảo hiểm cùng các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt chú ý tới nhóm dân số già (trên 65 tuổi). Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh, dự đoán tới năm 2050 sẽ có thêm 17 triệu người già. Đây là nhóm dân số cần được bảo vệ và là một trong những khía cạnh liên quan tới yếu tố ESG.

Nhận thấy tầm quan trọng của ESG, khách hàng có xu hướng tìm đến các doanh nghiệp bảo hiểm có các sản phẩm hướng đến ESG, thể hiện quan điểm, mục tiêu đạo đức và giá trị thông qua các quyết định tài chính. Bị dẫn dắt bởi khẩu vị của khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đang đưa ra những chính sách mới liên quan đến ESG và cải thiện tính minh bạch trong thực hành ESG để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Hơn nữa, những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là phân tích dữ liệu, đang giúp các công ty bảo hiểm đánh giá rủi ro và cơ hội ESG hiệu quả hơn, cho phép đưa ra quyết định đầu tư và thẩm định sáng suốt hơn.

Tại Hội nghị Các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đăng cai tổ chức từ ngày 5 - 8/12/2023 ở Quảng Ninh, đại diện cơ quan quản lý bảo hiểm các nước ASEAN đã trao đổi, cập nhật thông tin, kinh nghiệm quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm bền vững.

Các nội dung chính bao gồm: các hoạt động trong năm 2023 - 2024 về kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm bền vững của ASEAN và thỏa thuận về thành lập tổ công tác về bảo hiểm bền vững ASEAN; những thay đổi trong quy định pháp lý về quản lý, giám sát kinh doanh bảo hiểm; kinh nghiệm quản lý đại lý bảo hiểm và phát triển sản phẩm bảo hiểm bền vững.

Các cơ quan quản lý bảo hiểm, hiệp hội bảo hiểm và đại diện doanh nghiệp bảo hiểm các nước ASEAN cũng đã trao đổi, tìm giải pháp cho việc phát triển bảo hiểm bền vững, đồng thời hợp tác về bảo hiểm trong khối ASEAN và Chương trình tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, từ đó đề ra định hướng phát triển ngành bảo hiểm mỗi nước và trong khu vực.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục